Cơ sở dữ liệu quốc gia giúp tiết kiệm cho xã hội hàng nghìn tỷ đồng

Vân Anh/VOV.VN | 02/02/2025, 09:09

Việc xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia với vai trò là trụ cột dữ liệu chính để tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ số, thúc đẩy kinh tế số và hình thành xã hội số.

Năm 2025 đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu

Theo báo cáo tổng kết năm 2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp hạng 5/11 nước về chính phủ điện tử, tăng 1 bậc so với năm 2022. Dịch vụ trực tuyến xếp hạng 75/193, tăng 1 bậc so với năm 2022, 6 bậc so với năm 2020. Dữ liệu mở xếp hạng 77/193, tăng 10 bậc so với năm 2022, 20 bậc so với năm 2020.

Trong năm vừa qua, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của cả nước đến hết tháng 12/2024 đạt 45,8% (mục tiêu 2024: 50%), trong đó khối bộ đạt tỷ lệ 63,47% (mục tiêu 2024: 70%), khối tỉnh đạt tỷ lệ 18,54% (mục tiêu 2024: 30%). Tỷ lệ cung cấp dữ liệu mở của cơ quan nhà nước đạt 87%. Tỷ lệ bộ, ngành, địa phương ban hành danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung đạt 90%.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giúp tiết kiệm chi phí sao in hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; hạn chế việc di chuyển; thời gian chờ đợi; hạn chế việc phải kiểm tra xác minh mà sử dụng dữ liệu của các bộ, ngành để xác thực, xác minh thông tin trên giấy tờ tùy thân; tinh gọn cán bộ, công chức bộ tiếp dân, giảm tình trạng gặp gỡ trực tiếp, loại bỏ dần tình trạng “tham nhũng vặt”... kết quả là giúp tiết kiệm cho xã hội hàng nghìn tỷ đồng.

Mục tiêu năm 2025 là thúc đẩy việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia với tốc độ tăng trưởng giao dịch thực hiện qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia trung bình 20%/năm. Nâng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của cả nước năm 2025 lên 80%, trong đó khối bộ đạt tỷ lệ 85%, khối địa phương đạt tỷ lệ 70%.

Để thực hiện những mục tiêu này, Bộ TT&TT sẽ tăng cường rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến hướng tới cung cấp toàn trình, được cá nhân hóa…

Bên cạnh đó, Bộ sẽ thúc đẩy triển khai các nhiệm vụ đề ra tại “Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”, đồng thời ban hành và hướng dẫn Khung triển khai Trung tâm điều hành thông minh (IOC) để các địa phương triển khai trong năm 2025.

Tính đến hết năm 2024, một số tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung – nền tảng để xây dựng, phát triển chính quyền điện tử và bước đầu đưa vào khai thác, tạo ra giá trị như TP.HCM, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội…

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, việc xây dựng “nhà kho” dữ liệu không khó, viết ứng dụng (app) khai thác các dữ liệu này không khó, nhưng việc làm giàu dữ liệu và cập nhật dữ liệu mới hàng ngày mới là công việc lớn nhất, khó nhất. Do đó, các địa phương phải ra được quyết định yêu cầu công chức cập nhật công việc hàng ngày của mình lên môi trường số là công việc quan trọng, mang tính quyết định.

“Trong năm 2025 các bộ, tỉnh cần hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu để hoạt động dựa trên dữ liệu, kết thúc giai đoạn chính phủ điện tử, chuyển sang chính phủ số. Mục tiêu cần đạt được là tỉ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của bộ, ngành là 85% và của địa phương là 70%”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.

“Mở” dữ liệu để tạo giá trị

Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng đặt mục tiêu phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng số, công nghệ số trên nguyên tắc “hiện đại, đồng bộ, an ninh, an toàn, hiệu quả, tránh lãng phí”; làm giàu, khai thác tối đa tiềm năng của dữ liệu, đưa dữ liệu thành tư liệu sản xuất chính, thúc đẩy phát triển nhanh cơ sở dữ liệu lớn, công nghiệp dữ liệu, kinh tế dữ liệu.

Trong đó, đến năm 2030, quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương trên môi trường số, kết nối và vận hành thông suốt giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị. Hoàn thành xây dựng, kết nối, chia sẻ đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu các ngành; khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên số, dữ liệu số, hình thành sàn giao dịch dữ liệu…

Chia sẻ tại tọa đàm “Khai thác hiệu quả dữ liệu trong khu vực Nhà nước trên cơ sở đảm bảo an ninh, an toàn dữ liệu và quyền riêng tư của công dân” gần đây, bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia phân tích chính sách UNDP tại Việt Nam cho rằng, hệ thống dữ liệu khu vực công của Việt Nam đang có là rất lớn. Khai thác giá trị dữ liệu công trên cơ sở đảm bảo an toàn dữ liệu công dân một cách tối ưu sẽ giúp tăng hiệu quả khu vực công, tăng hiệu quả cơ quan hành chính và công chức trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến…

Cùng với đó, việc phân loại dữ liệu ở cấp độ chính xác là rất quan trọng đối với an toàn thông tin, tiết kiệm chi phí và hoạt động hiệu quả của các cơ quan chính phủ.

“Nhìn một cách tổng quát, công nghệ số và dữ liệu tạo ra cơ hội lớn để Việt Nam tạo ra sự thay đổi mang tính bước ngoặt trong quản trị công và thực thi các chức năng của nền hành chính nhà nước”, bà Đỗ Thanh Huyền đánh giá.

Theo đại diện UNDP tại Việt Nam, trong ngắn hạn và trung hạn, nếu khai thác được tiềm năng dữ liệu, sẽ giúp đổi mới hệ thống hành chính, nâng cao hiệu quả quản trị - điều hành, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của khối cơ quan công quyền; đồng thời giúp bộ máy nhà nước cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

“Về dài hạn, nếu có chiến lược và lộ trình “mở” kho tài nguyên dữ liệu một cách hợp lý, khối dữ liệu từ khu vực công có thể mang lại hiệu quả kinh tế lớn lao, tạo thêm động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo việc làm và góp phần nâng cao hiệu suất của nền kinh tế”, bà Huyền nêu ý kiến.

Theo các chuyên gia, dù số lượng các trường hợp điển hình ứng dụng công nghệ số và khai thác dữ liệu còn khá ít ỏi, tuy nhiên thành công bước đầu của những ví dụ trải rộng từ cấp bộ, ngành; đến các các địa phương minh chứng rõ ràng cho tiềm năng nêu trên.

Luật Dữ liệu đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV vào tháng 11/2024 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Theo đó, dữ liệu tại cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia là nguồn tài nguyên dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng.

Việc xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia với vai trò là trụ cột dữ liệu chính để tạo nền tảng cho phát triển chính phủ số, thúc đẩy kinh tế số và hình thành xã hội số.

Năm 2025 là năm đầu tiên Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Với sự đoàn kết, quyết tâm và nỗ lực, với mục tiêu tăng trưởng hai con số, để đưa đất nước phát triển, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh, hòa bình.

Bài liên quan
TikTok đầu tư 3,8 tỷ USD xây dựng trung tâm lưu trữ dữ liệu tại Thái Lan
Ủy ban Đầu tư (BOI) Thái Lan hôm 29/1 cho biết TikTok sẽ đầu tư 127 tỷ baht (3,8 tỷ USD) thiết lập một trung tâm dịch vụ lưu trữ dữ liệu tại xứ sở chùa Vàng.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Cao tốc TP.HCM-Thủ Dầu Một-Chơn Thành là dự án của ý Đảng, lòng dân
Thủ tướng nhấn mạnh, dự án tuyến cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành là dự án của ý Đảng, lòng dân, đây là mệnh lệnh của trái tim để tri ân những người đã hi sinh vì Tổ quốc nên phải thực hiện bằng được.
Mới nhất