Có nhiều bất cập liên quan đến các quy định phòng cháy chữa cháy ở Yên Bái

Thừa Xuân/VOV-Tây Bắc | 22/04/2023, 21:46

Thời gian qua, việc tăng cường các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) là cần thiết và đã giúp giảm rủi ro cháy nổ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, việc yêu cầu cao trong các quy định và áp dụng cứng nhắc cũng xuất hiện các bất cập, ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp và gia tăng chi phí về PCCC.

Nhà máy chế biến kén tằm của Công ty Dâu tằm tơ Yên Bái tại xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên với công suất 150 tấn tơ thành phẩm/năm và có vốn đầu tư hơn 49 tỷ đồng, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào tháng 12/2022. Tuy nhiên, khi hoàn thành xây dựng cơ bản thì nhà máy lại chưa thể hoạt động được, do còn vướng mắc đến quy định phòng cháy chữa cháy (PCCC).

Ông Vũ Xuân Trường - Giám đốc Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái cho biết, trước đó đơn vị đã được cấp chứng nhận thẩm định và phê duyệt, thiết kế về PCCC theo quy định, nhưng khi áp theo quy định mới thì đơn vị lại không đáp ứng được như: yêu cầu phải có hệ thống ống nước, họng cứu hỏa ngoài trời chạy xung quanh 4 bên nhà xưởng (trước đó chỉ cần 2 bên), mở thêm cửa thông gió tự nhiên; Tơ tằm là vật liệu rất khó cháy vì cần độ ẩm cao lại bị xếp vào cùng hạng mục với xơ sợi dễ cháy … Đơn vị phải chỉnh sửa, làm lại hệ thống PCCC, rất mất thời gian và tốn kém cho doanh nghiệp.

Ông Trường cho rằng, nên quy định rõ ràng và phân khu làm phòng cháy. Ví dụ đối với đơn vị ông chỉ nên làm phòng cháy ở khu văn phòng, nhà ở công nhân, nhà kho, còn khu sản xuất thì không nên bắt phải đầu tư lớn vào đấy, vì những lí do sau: "Độ ẩm rất là cao, hơi nước rất nhiều và sản phẩm tơ tằm này là chất khó cháy. Tự nhiên phải đầu tư vào phòng cháy chữa cháy cho sản phẩm không thể cháy. Theo tôi thì những ngành nghề nào nguy cơ cháy cao thì phải đầu tư phòng cháy thật tốt, những ngành nghề nào khó cháy, thậm chí không thể cháy được thì không nên bắt đầu tư quá nhiều tiền vào phòng cháy. Một xưởng của chúng tôi 4.000m2 mất khoảng 2,5 đến 3 tỷ đồng đầu tư cho phòng cháy, nếu tập trung cho khối văn phòng thì chỉ hết 1 tỷ, còn lại tiền đó có thể dùng đầu tư cho việc khác".

Theo tìm hiểu của phóng viên, các bất cập, vướng mắc chủ yếu là do quy định của các Bộ thiếu đồng nhất, ví dụ: Tiêu chuẩn 3890:2023 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định: Cửa hàng kinh doanh xăng dầu; cửa hàng kinh doanh chất lỏng dễ cháy; cơ sở kinh doanh khí đốt; vật liệu nổ công nghiệp, kho vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ… phải có hệ thống chữa cháy ngoài nhà. Tuy nhiên các loại hình cơ sở trên đã có tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng. Hay tại mục 1.1.5 quy chuẩn 06:2022 của Bộ Xây dựng có nêu: các phần 2, 3, 4, 5, 6 không áp dụng cho các nhà có công năng đặc biệt như nhà, công trình thuộc dây chuyền công nghệ cơ sở năng lượng; nhà máy nhiệt điện, thủy điện, điện gió, nhà sản xuất hoặc kho chứa chất độc hại… lại không phù hợp với các danh mục loại hình cơ sở trong Phụ lục V, Nghị định 136/2020 của Chính phủ.

Đối với phương tiện giao thông thủy, quy định một số kết cấu phải làm bằng vật liệu cấp A, cấp B; tuy nhiên hiện lại chưa có quy định về kiểm định đối với lại vật liệu này. Khoản 2, điều 6, Thông tư 147 của Bộ Công an và Mục A.4.5 quy chuẩn của Bộ Xây dựng cùng quy định về vật liệu trang trí, nội thất, vật liệu hoàn thiện loại hình dịch vụ Karaoke nhưng lại có sự “vênh” nhau.

Quy định về lắp đặt hệ thống báo cháy tự động, hệ thống cấp nước chữa cháy đối với trường học cũng có bất cập, khó khăn, nhất là đối với các trường học ở vùng cao, vùng sâu vùng xa, chi phí đầu tư cho phòng cháy có thể hơn cả chi phí xây dựng trường.

Thượng tá Nguyễn Xuân Nam, Phó trưởng phòng Cảnh sách PCCC và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Yên Bái cho biết; thời gian qua việc ban hành các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về PCCC đã mang đến những kết quả tích cực như giảm thiểu rủi ro, tăng tính an toàn về cháy nổ, nâng cao ý thức trách nhiệm, người đứng đầu…

Tuy nhiên bên cạnh tích cực cũng xuất hiện bất cập, gây khó khăn cho chính cả lực lượng thực thi nhiệm vụ. "Khi áp dụng đối chiếu, thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC thì còn nhiều khó khăn. Loại hình kinh doanh dịch vụ Karaoke thì 2 văn bản quy phạm phát luật là do 2 Bộ ban hành, do vậy việc xác định hiệu lực thi hành đối với các nội dung khác nhau trong 2 văn bản này còn gây nhiều khó khăn cho cán bộ, chiến sĩ thực thi nhiệm vụ", Thượng tá Nguyễn Xuân Nam nói.

Trước những bất cập liên quan đến quy định về công tác phòng cháy chữa cháy, tỉnh Yên Bái đã giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối để tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, bất cập từ các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân để tỉnh báo cáo với các bộ, ngành liên quan xem xét tháo gỡ, điều chỉnh trong thời gian tới./.

Bài liên quan
Sông Hồng “nuốt” đất, uy hiếp cuộc sống người dân Trấn Yên - Yên Bái
Hiện nay, một đoạn bờ sông Hồng khu vực thượng lưu cầu Móc Tôm, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái đang bị sạt lở nghiêm trọng với chiều dài vài trăm mét, ảnh hưởng trực tiếp tới sinh hoạt và việc canh tác của người dân địa phương, rất cần được xử lí sớm.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín
Chiều 19/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín nhân “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2024.
Mới nhất