Trong khuôn khổ Diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật” năm 2024 được tổ chức sáng nay (9/10) tại Hà Nội với chủ đề "Chung tay tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp", các đại biểu tập trung thảo luận về các vướng mắc pháp lý về trình tự, thủ tục các dự án đầu tư có sử dụng đất và giải pháp tháo gỡ.
Các đại biểu nêu những điểm còn bất cập do mâu thuẫn, không tương thích giữa các văn bản pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng và vướng mắc trong các quy định cũng như tổ chức thực hiện; về trình tự, thời gian chuẩn bị đối với các dự án đầu tư; thời gian thực hiện các thủ tục cấp phép thực tế hiện nay kéo dài làm chậm quá trình đầu tư, gây ảnh hưởng, khó khăn cho doanh nghiệp.
"Vướng" ở khâu thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng
Điều hành phiên thảo luận, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội đặt vấn đề: Môi trường thể chế thuận lợi sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nếu còn rào cản, vướng mắc không chỉ tác động bất lợi đến sản xuất kinh doanh mà còn ảnh hưởng tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển xã hội, chương trình chính sách của Chính phủ. Trong triển khai dự án đầu tư sử dụng đất các vấn đề pháp lý vướng mắc là gì, phổ biến ở khâu nào, quy trình nào; các giải pháp để giải quyết các vướng mắc này ra sao?
Từ thực tiễn doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư có sử dụng đất, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam chia sẻ: Vướng mắc phổ biến nhất hiện nay của doanh nghiệp nằm ở khâu thủ tục hành chính và giải phóng mặt bằng.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp cho biết, thủ tục hành chính đối với các dự án đầu có sử dụng đất là 310 ngày. "Thời gian này quá nhanh, thực tế dài hơn rất nhiều, có những dự án chúng tôi triển khai, riêng khâu giải phóng mặt bằng đã mất tới 14 năm", ông Hiệp nói.
Theo Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam, pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản rất phức tạp, hiện có tới khoảng 15 luật liên quan đến lĩnh vực này nhưng lại thiếu tính đồng bộ. Vừa qua, Chính phủ đã sửa Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở đã góp phần hạn chế sự thiếu đồng bộ của quy định trước đây. "Tuy nhiên, sự tham vấn lắng nghe của Bộ, ngành đối với các doanh nghiệp chịu sự chi phối của các Luật tác động trực tiếp còn hạn chế, chưa sát vấn đề thực tế nên mong các cơ quan soạn thảo lắng nghe nhiều hơn nữa để luật đi sâu thực tế", ông Hiệp bày tỏ.
Có những dự án cần đến 40 con dấu
Về vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, cần tổ chức đối thoại với người dân mới có thể tiến hành cưỡng chế, khâu này khá tốn thời gian. "Thực tế cho thấy có những dự án hiện nay cần đến 38-40 con dấu, từ khâu chấp thuận chủ trương đầu tư, quy hoạch, định giá; có những thủ tục điều chỉnh quy hoạch liên quan rất nhiều cấp, sở, ngành, tốn rất nhiều thời gian", ông Nguyễn Quốc Hiệp nêu thực tế.
Về vấn đề này, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân cho rằng nếu sản xuất kinh doanh không tháo gỡ thủ tục hành chính rườm rà, doanh nghiệp phải theo đuổi quy trình, giấy phép sẽ gây nên những rào cản.
Bà Thủy cho hay, vướng mắc về thủ tục hành chính luôn nằm trong top 3 vướng mắc doanh nghiệp gặp phải, theo khảo sát mới đây, vướng mắc này đã trở thành vấn đề đứng thứ 2. Tuy Chính phủ đã có nhiều nỗ lực giải quyết nhưng vẫn còn nhiều nội dung khó, nhất là liên quan đến dự án đầu tư nước ngoài, vì vậy cần tập trung cao độ để giải quyết bài toán liên quan đến cải cách thủ tục hành chính và câu chuyện minh bạch thông tin tiến độ của các dự án đầu tư.
"Quy hoạch là vấn đề lớn, được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau. Quy trình mỗi lần điều chỉnh liên quan nhiều sở, ngành, kéo dài quy trình nên chúng ta nên tinh gọn đầu mối, như vậy sẽ phần nào giải quyết vướng mắc hiện nay liên quan đến quy hoạch", bà Thủy kiến nghị.
Từ thực tế nêu trên, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Hiệp bày tỏ mong muốn cơ quan có thẩm quyền quan tâm tới việc phân cấp cho chủ đầu tư trong một số khâu điều chỉnh quy hoạch để tăng tính chủ động và tiết kiệm thời gian đồng thời nên có có quy trình kiểm tra, giám sát thủ tục hành chính, ví dụ như quy trình chấp thuận chủ trương đầu tư.
Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng nêu rõ: Đặc tính của các thủ tục hành chính là có thời hạn thực hiện, cơ quan đầu mối, nếu vượt quá thời hạn thực hiện thủ tục, cơ quan chủ trì thực hiện bước đó phải có trách nhiệm giải trình, pháp luật hiện nay đều có quy định về vấn đề này.
Các địa phương top đầu về thu hút đầu tư đều có bước kiểm tra, giám sát thủ tục hành chính, cấp dưới chịu trách nhiệm giải trình nếu chậm, muộn. Hiện nay theo chỉ đạo của Chính phủ, các thủ tục hành chính đều được phân cấp, quyền cho địa phương và có thể giám sát thực hiện thủ tục hành chính này, ông Hưng thông tin.
Tiếp tục phân cấp thẩm quyền chủ trương đầu tư với một số dự án
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc đơn giản, cắt giảm thủ tục hành chính để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giúp doanh nghiệp gia nhập thị trường. Mới đây nhất, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo rà soát xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ tổng hợp vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp.
Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản với nhiều quy định được cải cách. Bộ cũng đang được giao chủ trì đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi 4 luật bao gồm: Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức công tư, Luật Đấu thầu. Theo đó, Luật Đầu tư tiếp tục phân cấp thẩm quyền chủ trương đầu tư với một số dự án sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương và tăng tính chủ động. Đối với các dự án PPP, thủ tục đấu thầu cũng tiếp tục được phân quyền.
Đối với những dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế, lĩnh vực công nghệ cao… , Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang kiến nghị thực hiện theo quy trình đặc biệt không phải thực hiện một số thủ tục để tiếp tục thu hút đầu tư, tháo gỡ vướng mắc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc thông tin thêm.