Làm sao để 'trái tỷ đô' sầu riêng luôn là trái ngọt?

07/10/2024, 13:30

Để trái sầu riêng xứng đáng là 'trái tỷ đô', cơ quan chức năng lưu ý người dân cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình chăm sóc, xuất khẩu...

Kết nối tạo ra thành công

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Păk (tỉnh Đắk Lắk) Ngô Thị Minh Trinh, năm 2023, việc mua bán, xuất khẩu sầu riêng rất lộn xộn, tranh mua, tranh bán, bẻ cọc... không chỉ giữa nông dân với doanh nghiệp mà còn giữa các doanh nghiệp với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hiện nay, người nông dân đã nhận ra được sức mạnh của việc mua chung, bán chung, sự kết nối chặt chẽ giữa 4 nhà (nhà nông, nhà khoa học, nhà quản lý và nhà buôn) với nhau để tạo ra sản phẩm chất lượng.

Cũng nhờ sự kết nối này mà dù trong mùa mưa nhưng nhiều vườn sầu riêng bán được giá cao từ 70.000 - 100.000 đồng/kg. Qua đó, có sự phân loại rõ ràng đối với chất lượng. “Nếu như, cả người nông dân, nhà quản lý và hệ thống chính trị không vào cuộc thì thương hiệu sầu riêng sẽ không bền vững nữa” – bà Trinh nhấn mạnh.

Làm sao để 'trái tỷ đô' sầu riêng luôn là trái ngọt? - 1

Cần chế tài cho ngành sầu riêng phát triển bền vững.

Để chất lượng sầu riêng bền vững, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk cho rằng, phải có chế tài, quy định cụ thể đối với người nông dân, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan.

Những đơn vị làm ăn gian dối cần phải bị xử lý nghiêm. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, vẫn chưa có chế tài liên quan đến sầu riêng. Trong khi đó, địa phương chưa đủ thẩm quyền để làm việc này mà phải là tỉnh, trung ương.

Việc chưa có chế tài liên quan đến sầu riêng cũng là nguyên nhân khiến cho việc quản lý chất lượng sầu riêng chưa tốt, người nông dân vẫn mệnh ai nấy làm.

Do đó, để xây dựng thương hiệu sầu riêng bền vững của huyện Krông Pắk nói riêng và cả nước nói chung thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc.

Đầu tháng 7 vừa qua, Đắk Lắk  tỉnh dẫn đầu cả nước về diện tích trồng sầu riêng đã tổ chức hội nghị bàn cách nâng cao sức cạnh tranh cho loại “trái cây vua” này.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh, Đắk Lắk hiện có 32.785 ha sầu riêng, sản lượng đạt 281.350 tấn. Toàn tỉnh có 23 cơ sở đóng gói và 68 vùng trồng (tổng diện tích 2.521 ha) đã được phía Trung Quốc cấp mã số phục vụ xuất khẩu.

Để phát triển bền vững, tỉnh dự kiến phối hợp với các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng và ban hành các quy trình chuẩn về canh tác, thu hoạch, sản xuất sầu riêng rải vụ, thích ứng biến đổi khí hậu theo các vùng sản xuất trọng điểm…

Đối với công tác cấp và quản lý mã vùng trồng, mã đóng gói, tỉnh dự kiến tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao năng lực quản trị, tổ chức sản xuất của một số HTX, tổ hợp tác để tránh tình trạng tranh mua, tranh bán. Đẩy mạnh hơn nữa tiến độ cấp mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói; hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm sầu riêng.

Rộng đường tại thị trường Trung Quốc

Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, chiều 19/8, Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký 3 nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, trái dừa tươi và cá sấu từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc…

Trong 3 nhóm mặt hàng vừa ký nghị định thư, sầu riêng đông lạnh được xem là sản phẩm có giá trị xuất khẩu lớn nhất, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu nông sản.

Việc mở cửa chính thức thị trường Trung Quốc cho sản phẩm này dự kiến sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành sầu riêng Việt Nam. Năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 500.000 tấn sầu riêng, đạt kim ngạch 2,3 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 90%.

TS Lương Ngọc Trung Lập - Chuyên gia phân tích thị trường nông sản
TS Lương Ngọc Trung Lập - Chuyên gia phân tích thị trường nông sản

Đánh giá triển vọng xuất khẩu mặt hàng sầu riêng đông lạnh, TS Lương Ngọc Trung Lập - Chuyên gia phân tích thị trường nông sản, cho biết sầu riêng đông lạnh, bao gồm: sầu riêng nguyên quả (có vỏ), sầu riêng xay nhuyễn (không có vỏ) và cơm sầu riêng (không có vỏ) đều là những sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao hơn so với sầu riêng tươi.

Việc mở cửa thị trường cho sản phẩm này sẽ giúp đa dạng hóa chế biến, giảm áp lực về thời vụ thu hoạch, đồng thời tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho ngành sầu riêng.

Theo ông Lập, khi cấp đông sản phẩm, các doanh nghiệp sẽ tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu, tránh được tình trạng tiêu thụ không kịp. Sầu riêng đông lạnh chú trọng chất lượng cơm (ruột trái sầu riêng), không đòi hỏi về mẫu mã vỏ trái bên ngoài như hàng tươi. Như vậy, với những trái không đạt yêu cầu về mẫu mã hoặc kích thước, các doanh nghiệp có thể tách lấy múi cấp đông, dễ dàng tiêu thụ được hết sản lượng sầu riêng sản xuất ra.

Về việc triển khai Nghị định thư cho phép xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc, ông Nguyễn Văn Hà - Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết đơn vị đang chờ các văn bản hướng dẫn của Bộ NN&PTNT để cụ thể hóa thực hiện.

Ông Hà đánh giá, đây là niềm vui của người nông dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực trồng, chế biến, xuất khẩu sầu riêng ở địa phương. Thời gian qua ở Đắk Lắk có một số doanh nghiệp đã thực hiện việc cấp đông sầu riêng để bán sang nước ngoài.

Theo Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk xuất khẩu cấp đông thuận lợi hơn, chi phí vận chuyển được tiết kiệm hơn.

“Cứ ba xe conteiner chở nguyên quả, thì chỉ bằng một xe chở cấp đông. Hơn nữa, khi triển khai xuất khẩu sầu riêng cấp đông còn tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nông dân, trong việc không còn chịu áp lực về mùa vụ” - ông Hà thông tin.

Nói thêm về phát triển bền vững sầu riêng cho tỉnh, ông Nguyễn Văn Hà thông tin, Sở NN&PTNT đang tham mưu cho UBND tỉnh Đắk Lắk đề án phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững đến năm 2030. Trong đó, tập trung vào 3 vấn đề: vùng trọng điểm sầu riêng, vùng không trọng điểm và vùng không được trồng sầu riêng.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 37 cơ sở cấp đông, tập trung tại một số huyện như Krông Pắc, Cư M’gar, thị xã Buôn Hồ, TP Buôn Ma Thuột… với tổng công suất 3.170 tấn.

Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cho hay thời gian qua, tỉnh đã cấp 266 mã số vùng trồng với tổng diện tích 7.292 ha (chiếm 79,8% diện tích trồng thuần và 46% so với diện tích cho sản phẩm). Trong đó, có 68 mã số vùng trồng với diện tích 2.521 ha đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt và 198 vùng trồng với diện tích 4.771ha đang chờ phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt.

Trong 68 mã số vùng trồng được phê duyệt hầu hết do các tổ chức như doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đứng tên đại diện, duy nhất chỉ có 1 vùng trồng do cá nhân đại diện.

Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cũng cho biết, hiện nay các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang triển khai công tác giám sát định kỳ trước vụ thu hoạch, chưa có báo cáo cụ thể.

Qua công tác giám sát cho thấy, cơ bản các vùng trồng, cơ sở đóng gói chấp hành tốt các yêu cầu như có quy trình sản xuất, quy trình quản lý dịch hại giám sát đối tượng mà phía Trung Quốc quan tâm, thực hiện việc ghi chép nhật ký canh tác.

Qua theo dõi, nắm bắt thông tin, Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cho hay, sản phẩm từ vùng trồng đã có sự khác biệt so với sản phẩm ngoài vùng trồng như: các doanh nghiệp ưu tiên mua sản phẩm từ vùng trồng và giá cả tốt hơn…

Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk Ngô Thị Minh Trinh khẳng định, nếu được trung ương và tỉnh cho phép thì Krông Pắk sẽ là huyện đầu tiên đăng cai xuất khẩu kho hàng cấp đông sầu riêng đầu tiên sang Trung Quốc.

“Sau khi có nghị định thư, chúng tôi đã cùng với các cơ quan chuyên môn tập trung rà soát và có những đề xuất với tỉnh, cũng như trung ương nhằm triển khai nhiệm vụ này. Chúng tôi cũng khát khao xây dựng Krông Pắk là thủ phủ sầu riêng của cả nước. Hiện nay, huyện đang cố gắng để mang lại giá trị kinh tế cao đối với những sản phẩm sầu riêng có chất lượng cao” - bà Trinh cho hay.

Trạm trưởng Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Krông Pắk Trương Văn Cao cho biết, sầu riêng không chỉ mang lại thu nhập cho bà con nông dân mà còn góp phần phát triển kinh tế tại địa phương.

Tuy nhiên, để chăm sóc quả sầu riêng đạt các tiêu chuẩn về mẫu mã hình thức, chất lượng, bà con nông dân rất vất vả trong việc chăm sóc từ khi cây sầu riêng ra hoa, xổ nhụy, đậu trái. Tùy theo tuổi của từng cây sầu riêng, người nông dân sẽ sử dụng loại phân bón hữu cơ, vi sinh, phân NPK để bón cho phù hợp.

Trong quá trình chăm sóc, cũng cần phải bổ sung dinh dưỡng trên lá và trên trái sầu riêng thông qua các loại phân bón lá. Người nông dân cũng cần thường xuyên kiểm tra, để bổ sung các loại trung vi lượng như calci, bo, kẽm, phân bón khác thì mới giúp cho cây sầu riêng đầy đủ dinh dưỡng nuôi trái phát triển phình đều, tránh bị méo, khuyết múi và hạn chế tình trạng rụng trái.

Ông Cao còn cho hay, việc nuôi thảm cỏ trong vườn cũng vô cùng quan trọng. Thảm cỏ không chỉ giúp cho đất tơi xốp hơn, bộ rễ cây sầu riêng phát triển hơn mà còn giúp cành lá sinh trưởng tốt, hấp thụ đầy đủ dinh dưỡng để nuôi trái phát triển thuận lợi.

Ông cho biết thêm, từ sau khi sầu riêng xổ nhụy nuôi trái thì việc quản lý dịch bệnh, sâu bệnh hại trên cây cần được chú trọng. Đặc biệt, thời điểm sầu riêng ra trái non thì sẽ xuất hiện nhiều loại sâu bệnh hại tấn công trái như rệp sáp, các loại nấm, nhện đỏ khiến trái sầu riêng bị xì mủ, thối thân, nứt cuống.

"Vì vậy, bà con phải kiểm tra, theo dõi để phát hiện sớm, xử lý các loại sâu bệnh hại phù hợp bằng biện pháp hữu cơ, các chế phẩm sinh học, hạn chế sử dụng các loại hóa chất độc hại nhằm đảm bảo chất lượng sầu riêng, bảo vệ được thiên địch, môi trường, cân bằng sinh thái, giảm sâu bệnh hại trên vườn.

Trước khi thu hoạch sầu riêng khoảng 30 ngày, cần ngừng toàn bộ việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật nhằm tránh để lại dư lượng trong quả sầu riêng khi xuất khẩu" - ông Cao chia sẻ.

An Yên

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp, tinh gọn bộ máy: Tìm được người tài để vận hành bộ máy
VOVLIVE - Người phát ngôn Bộ Nội vụ nhấn mạnh điểm quan trọng nhất khi tinh gọn bộ máy là tìm được người tài để vận hành bộ máy. Làm như vậy mới có được kết quả tích cực.
Mới nhất