Chuyển giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc về thành phố Hà Nội quản lý

Vân Anh/VOV.VN | 05/04/2023, 23:14

Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đang phối hợp chặt chẽ với UBND Hà Nội và các bộ, ngành liên quan xây dựng, hoàn thiện đề án chuyển giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc về TP. Hà Nội quản lý.

Thông tin đưa ra tại buổi họp báo thường kỳ quý I/2023 do Bộ KH&CN tổ chức chiều 5/4 tại Hà Nội.

Khu công nghệ cao Hòa Lạc thành lập năm 1998, được kỳ vọng trở thành hình mẫu kinh tế thu nhỏ của Việt Nam trong tương lai, một thành phố khoa học và công nghệ sinh thái thông minh; là môi trường lý tưởng để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, các chuyên gia trong nước và quốc tế đến sinh sống, làm việc và phát triển, nâng cao năng lực nội sinh về khoa học công nghệ, tạo điểm đến cho các phát minh, sáng chế mang thương hiệu quốc gia; là đầu mối kết nối và thúc đẩy sự hợp tác giữa đào tạo, nghiên cứu và sản xuất để tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu Việt và cũng là nơi để kết nối và giao thương giữa Việt Nam với khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, dù đã thu hút 104 dự án, với khoảng 30.000 nhân lực đang hoạt động tại đây, song sau hơn 2 thập kỷ thành lập, Khu công nghệ cao Hòa Lạc vẫn còn nhiều đất hoang.

Lý giải nguyên nhân tình trạng này, ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ KH&CN cho biết, có nhiều nguyên nhân của việc Khu công nghệ cao Hòa Lạc chưa phát triển được như kỳ vọng. Khu công nghệ cao Hòa Lạc được xây dựng với mô hình các khu công nghệ cao của Đức là hạt nhân sinh ra các công nghệ lõi vì thế chọn lọc đầu tư chứ không phát triển lấp đầy như mô hình khu công nghiệp. Ngoài ra, với quỹ đất ở trung tâm thành phố không nhiều, việc giải phóng mặt bằng mặt bằng đã kéo dài rất lâu.

“Các mô hình công nghệ cao, có mô hình muốn lấp đầy nhanh thì thúc đẩy nhiều doanh nghiệp vào tăng trưởng cho thành phố; Có khu công nghệ cao giữ quỹ đất thì phải chọn lọc dự án để xác định là tiềm lực phát triển của một tỉnh, thành phố. Ở đây Khu công nghệ cao Hòa Lạc xác định như một tiềm lực phát triển thành phố và cả nước. Nếu lấp đầy rất nhanh bằng doanh nghiệp FDI, trong thời gian ngắn có thể đạt thu ngân sách cao, tạo việc làm nhiều nhưng sẽ khiến bão hòa rất nhanh tiềm lực”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nêu rõ.

“Khu công nghệ cao Hòa Lạc lúc đầu trực thuộc Bộ KHCN quản lý vì mục tiêu là công nghệ lõi, dành chủ yếu cho các trung tâm nghiên cứu, trường đại học. Muốn thu hút được chuyên gia lên làm việc thì giao thông từ trung tâm thành phố lên phải thuận lợi hoặc có nhà ngay gần cho họ. Còn hiện nay ngay Viện KHCN Việt Nam-Hàn Quốc (VKIST), chuyên gia sẵn sàng làm việc tại viện nhưng vấn đề phải có chỗ ở. Chứ hiện nay hàng ngày đi xe máy, xe buýt đi lại là khó khăn. Chúng tôi đang phải giải quyết cũng rất khó khăn”, Thứ trưởng Bộ KHCN lý giải.

Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, sau một thời phát triển, bối cảnh thay đổi, có thêm những khó khăn thì phải có điều chỉnh nhất định.

“Chúng tôi tin khi Hà Nội tiếp quản Khu công nghệ cao Hòa Lạc và giữ nguyên được tinh thần là phát triển khu công nghệ lõi, sẽ có những đầu tư thêm hệ thống giao thông công cộng, đường xá thuận lợi hơn đi vào Hòa lạc, cũng như phát triển khu đô thị xung quanh để thành đô thị khoa học – công nghệ – văn hóa – giáo dục”, ông Bùi Thế Duy nhấn mạnh./.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Việt Nam là địa điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp đặt trung tâm sản xuất"
Đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt và các thành viên, doanh nghiệp chia sẻ điều này khi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mới nhất