Chủ tịch Quốc hội thăm Australia, New Zealand: Tăng cường tin cậy chiến lược

Lê Tuyết/VOV | 07/12/2022, 08:02

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính Australia và New Zealand theo lời mời của Chủ tịch Hạ viện Australia Milton Dick, Chủ tịch Thượng viện Australia Sue Lines và Chủ tịch Quốc hội New Zealand Adrian Rurawhe.

Chuyến thăm đã khép lại với hơn 40 hoạt động tại hai nước, mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới với các nước trên tất cả các kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội, giao lưu Nhân dân và các trụ cột của quan hệ kinh tế. 

Tin tưởng vào những cơ hội mới trong tương lai sau chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội đến Australia

Chuyến thăm chính thức Australia và New Zealand của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam là bước triển khai thiết thực chủ trương Đối ngoại quan trọng của Đại hội Đảng lần thứ XIII, đó là tăng cường quan hệ với các nước láng giềng, các đối tác chiến lược đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất, trong đó có Australia và New Zealand là những đối tác chủ chốt, quan trọng trên nhiều phương diện đối với Việt Nam ở khu vực Nam Thái Bình Dương.

Là người tháp tùng Chủ tịch Quốc hội trong những ngày thăm chính thức ở Australia, Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski bày tỏ ấn tượng với người đứng đầu Quốc hội Việt Nam: "Điều đầu tiên tôi muốn nói là đây là một chuyến thăm rất thành công. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhận được sự đón tiếp cao nhất từ phía Australia. Ông đã gặp Toàn quyền Australia, Thủ tướng Australia, Phó Thủ tướng Australia, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Giáo dục. Tôi cho rằng ấn tượng của các nhà lãnh đạo Australia đối với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đó là đại diện cho lối suy nghĩ hiện đại, cấp tiến ở Việt Nam. Ông đã thể hiện quan điểm mạnh mẽ về sự phát triển của Việt Nam và cách mà ông muốn quan hệ giữa Australia - Việt Nam được thắt chặt hơn nữa."

Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ diễn ra trong bối cảnh hai nước chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Tại cuộc hội kiến với Thủ tướng Australia, trên cơ sở các thành tựu quan trọng trong quan hệ hai nước thời gian qua, hai nhà lãnh đạo nhất trí ủng hộ việc hai nước xem xét nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác Chiến lược toàn diện vào thời điểm phù hợp, khi hoàn tất các thủ tục liên quan. Đây là một tin hiệu tích cực cho quan hệ của hai nước.

Một trong những điểm nổi bật trong chuyến thăm lần này, đó là việc hai nước tổ chức thành công Diễn đàn hợp tác kinh tế Việt Nam- Australia. Trăn trở với việc tiềm lực hai nước vấn còn nhiều, nhưng kim ngạch thương mại hai chiều vẫn còn chưa tương xứng, Chủ tịch Quốc hội đã đặt câu hỏi nhằm lý giải những điểm chưa phù hợp trong quan hệ đầu tư, thương mại của hai nước; mong mong chờ những cuộc tọa đàm sẽ được tổ chức nhiều hơn và có thể, những người tham dự diễn đàn sẽ trở thành những “con chim đầu đàn” mang đến động lực và đầy sức sống về quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước.

Dưới góc độ các doanh nghiệp, Giám đốc điều hành, Hiệp hội Châu Á Philipp Ivanov tham dự tại diễn đàn kỳ vọng, diễn đàn có thể giúp tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa hai nước chặt chẽ hơn: "Tôi nghĩ rằng, sẽ có rất nhiều cơ hội mở ra sau diễn đàn này, thậm chí là cơ hội chúng ta có thể thấy ngay tại diễn đàn, đó là việc Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp mặt đại diện các doanh nghiệp lớn của Australia đang hoạt động tại Việt Nam và trao đổi về cơ hội hợp tác. Ngoài ra, chúng tôi thấy hai nước có tiềm năng hợp tác rất lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ và quốc phòng. Tôi rất tin tưởng vào những cơ hội mới trong tương lai sau chuyến thăm này của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ."

Tại chuyến thăm chính thức Australia, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có một bài phát biểu quan trọng dài hơn 20 phút tại Viện Chính sách Việt Nam – Australia, cơ quan nghiên cứu và đề xuất chính sách đầu tiên chuyên về quan hệ giữa hai nước. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ ba thông điệp quan trọng, đó là tình hình thế giới và khu vực; chính sách đối ngoại của Việt Nam, đặc biệt đối với Ấn Độ Dương và khu vực châu Á - Thái Bình Dương; về quan hệ Việt Nam - Australia và triển vọng.

Nói về quan hệ giữa hai nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: "Quan hệ song phương bền chặt chỉ có thể được xây dựng trên nền tảng quan hệ sâu sắc giữa người dân hai bên. Do đó, là những người đại biểu của nhân dân, nghị viện hai nước là cầu nối quan trọng kết nối mục tiêu phát triển của hai quốc gia, và nguyện vọng tăng cường hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Sau 50 năm, các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước đã cùng nhau vượt qua một chặng đường dài để đưa quan hệ hai nước phát triển đến một tầm mức mà ở thời điểm thiết lập quan hệ ngoại giao, không một ai, dù là người lạc quan nhất, cũng có thể hình dung ra được."

Bài phát biểu này đã được các chuyên gia nghiên cứu, học giả đánh giá cao. Cố vấn nghiên cứu cấp cao, Trung tâm nghiên cứu Australia - APEC thuộc Đại học RMIT Aaron Soans bày tỏ đặc biệt ấn tượng với bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội: "Tôi rất kỳ vọng vào tác động tích cực của bài phát biểu này đối với quan hệ của hai nước. Qua bài phát biểu, tôi tin tưởng rằng, các tổ chức cũng như các trường đại học của Australia sẽ hiểu hơn về những định hướng chính sách,  những ưu tiên của Việt Nam trong thời gian tới. Qua đó, những hoạt động về kinh doanh, giáo dục, về nghiên cứu của chúng tôi cũng sẽ tập trung để làm sao để giải quyết những vấn đề hoặc tận dụng những cơ hội từ những định hướng mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu ra trong bài phát biểu."

Về quan hệ của hai Quốc hội/Nghị viện, tại cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch Thượng viện hai bên đồng ý cho rằng, hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp thời gian qua cũng rất hiệu quả, nhất là việc duy trì trao đổi đoàn, triển khai Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Australia ký năm 2013 cũng như việc phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn nghị viện đa phương.

Theo Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, hai bên đã ký Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Australia cho giai đoạn tiếp theo với những nội hàm hợp tác mới sâu rộng hơn trong thời gian tới: "Tôi đánh giá rất cao việc đã ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với Chủ tịch Hạ viện và Chủ tịch Thượng viện  của bạn. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngoại giao nghị viện có ký kết 3 bên. Như vậy, chứng tỏ, bạn rất coi trọng Quốc hội Việt Nam và Chủ tịch Vương Đình Huệ. Thứ hai, khi ký kết 3 bên như vậy, cùng thúc đẩy cả Thượng viện và Hạ viện với Quốc hội Việt Nam. Như vậy, sẽ đẩy quan hệ đối tác chiến lược của chúng ta lên một tầm cao mới."

Tạo ra xung lực mới cho quan hệ Việt Nam – Zealand

Kết thúc chuyến thăm chính thức Australia, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bắt đầu chuyến thăm New Zealand, một nước cũng trong khu vực Nam Thái Bình Dương.

Chào đón Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta, Chủ tịch Quốc hội New Zealand cho rằng, quan hệ hai nước có một lịch sử rất đáng tự hào, phát triển mạnh mẽ, trở thành Đối tác Toàn diện năm 2009 và Đối tác Chiến lược năm 2020.

Theo Đại sứ Việt Nam tại New Zealand Nguyễn Văn Trung: "Đây là chuyến đi hết sức quan trọng, tạo ra xung lực mới cho quan hệ hai nước, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác vốn đã tốt đẹp giữa hai nước. Thực hiện thành công chương trình hành động về triển khai khuôn khổ đối tác chiến lược Việt Nam New Zealand giai đoạn 2021-2024."

Hai nhà lãnh đạo Quốc hội nhất trí về việc cần tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư, đưa lĩnh vực này thành động lực phát triển của quan hệ hai nước; cho rằng các hiệp định thương mại tự do mà hai nước đều là thành viên như AANZFTA, RCEP, CP.TPP là các khuôn khổ quan trọng để hai nước thúc đẩy hợp tác kinh tế. Bên cạnh các lĩnh vực hợp tác truyền thống như giáo dục - đào tạo, du lịch, văn hoá, thể thao, lao động, nông - lâm - ngư nghiệp….Hai bên cần mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới, tiềm năng như chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, biến đổi khí hậu.

Về hợp tác giữa hai Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà cho rằng, quan hệ hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp được thúc đẩy trên cả bình diện song phương và đa phương; khẳng định vai trò quan trọng, thực chất của hợp tác nghị viện trong việc tăng cường quan hệ giữa các quốc gia. Hai bên nhất trí nghiên cứu xây dựng một Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội  nhằm tạo khung pháp lý để hai bên thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác  trong thời gian tới.

Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà cho biết: "Chúng ta sẽ tiếp tục thúc đẩy với bạn để sớm có trao đổi về nội hàm của thỏa thuận hợp tác và sớm ký trong thời gian sớm nhất. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã bày tỏ mong muốn, trước khi hai nước kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2025, hai bên có thể ký thỏa thuận hợp tác để làm cơ sở pháp lý, thúc đẩy quan hệ nghị Viện Nam - New Zealand."

Cũng giống như Australia, tại New Zealand, Chủ tịch Quốc hội đã dự Diễn đàn hợp tác kinh tế Việt Nam - New Zealand. Cho rằng, trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, khó đoán định như hiện nay, việc có những người bạn tin tưởng, để cùng nhau phối hợp, chia sẻ những giá trị chung về hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, vì sự phồn thịnh của mỗi nước, vì lợi ích của doanh nghiệp và nhân dân là điều hết sức quý giá.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá, cùng với quan hệ tốt đẹp về Chính trị, ngoại giao, quốc phòng-an ninh, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ thì hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư cũng ngày càng phát triển: "Tôi mong được chứng kiến niềm hứng khởi mạnh mẽ của các doanh nghiệp New Zealand đầu tư vào Việt Nam. Chúng tôi chào đón các bạn và sẽ cùng các bạn làm nên những thành công cao đẹp mới."

Hợp tác giáo dục, sợi dây gắn kết văn hoá giữa hai dân tộc

Một trong những điểm nhấn tại chuyến thăm tới hai nước Australia và New Zealand đó là hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Cùng đi theo Đoàn công tác có hơn 20 giáo sư, nhà giáo hoạt động tại các trường danh tiếng ở Việt Nam.

Hơn 20 thoả thuận hợp tác được trao giữa các trường đại học danh tiếng tại hai nước, điều này khẳng định, tiềm năng cùng như dư địa to lớn trong lĩnh vực này. Là một trong những trường ký thỏa thuận hợp tác, theo PGS. TS. Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đây là cơ hội lớn cho hai nước: "Thông qua diễn đàn giáo dục, tôi đánh giá cao thông điệp của lãnh đạo hai bên rằng, hợp tác về giáo dục đào tạo giữa hai nước không chỉ giúp cho việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của mỗi nước mà còn là cầu nối, sợi dây gắn kết văn hoá giữa hai dân tộc và mở ra nhiều cơ hội hợp tác khác nữa."

Dưới góc nhìn khác, theo Giám đốc Học viện Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân cho rằng, đây là cơ hội để hai bên học tập, trao đổi kinh nghiệm về lĩnh vực quản trị đại học, lĩnh vực đối sánh các chương trình đào tạo, để từ đó giúp cho nâng cấp chất lượng chương trình đào tạo của các trường đại học của Việt Nam.

Giám đốc Học viện Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân cho biết: "Tôi cho rằng, đây là một hợp tác thì đó phải là win – win, cả hai bên cùng có lợi. Tức là không phải chỉ có Việt Nam cử sinh viên đi qua Australia và New Zealand. Nhưng ngược lại thì số lượng sinh viên của Úc và New Zealand đến Việt Nam thì cũng phải ngày càng tăng. Đây cũng là trách nhiệm của các trường đại học của Việt Nam trong việc xây dựng các khóa đào tạo làm thế nào để có thể thu hút được sinh viên của nước bạn khoa học tập."

Có thể nói, với hơn 40 hoạt động liên tục tại hai nước Australia và New Zeadland, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã thành công tốt đẹp, để lại dấu ấn sâu sắc. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc nhấn mạnh: "Tôi đánh giá phản hồi từ phía chính giới, học giả, cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng người Việt và các tầng lớp nhân dân đều rất tích cực. Có thể nói, kết quả đạt được trong chuyến thăm này có sức lan toả mạnh mẽ đến các tầng lớp trong xã hội. Sẽ tạo xung lực để quan hệ hai nước sang giai đoạn phát triển mới. Đây là thời điểm định ra phương hướng, tầm nhìn cho 50 năm tới trong quan hệ với các nước."

Chuyến thăm chính thức hai nước của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đạt được nhiều kết quả thực chất, toàn diện; trên tất cả các kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội, giao lưu Nhân dân và các trụ cột của quan hệ: kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, lao động…mở ra những cơ hội mới để xuất khẩu hàng hóa nông sản của Việt Nam, thu hút đầu tư, du lịch, xuất khẩu lao động.

Đồng thời, cũng mở ra những hợp tác mới trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng công bằng; phát triển xanh, bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu, khởi nghiệp. Đặc biệt, chuyến thăm đã tăng cường sự tin cậy chiến lược ở cấp cao nhất và đây là cơ sở rất quan trọng để nâng tầm quan hệ giữa Việt Nam và hai nước trong thời gian tới./.

Bài liên quan
Australia đầu tư hơn 7,2 tỷ AUD phát triển tàu ngầm chiến đấu không người lái
Australia đã quyết định dành hơn 7,2 tỷ AUD cho việc mua sắm và phát triển các hệ thống tàu ngầm tác chiến dưới đáy biển, nhằm đáp ứng với các yêu cầu cấp bách trong bối cảnh căng thẳng khu vực có nguy cơ leo thang và tác chiến bằng phương tiện không người lái đang ngày càng chiếm vai trò quan trọng trong chiến tranh hiện đại.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín
Chiều 19/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín nhân “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2024.
Mới nhất