
Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là một phần quan trọng còn lại của Cấm thành và Hoàng thành của Kinh đô Thăng Long. Công trình kiến trúc đồ sộ này được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam.
Được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới năm 2010, Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là biểu tượng của lịch sử - văn hóa Đại Việt qua nhiều thế kỷ. Đây là trung tâm quyền lực của các vị vua qua các triều đại Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, đến Lê Trung Hưng.

Chủ tịch nước Lương Cường và Phu nhân cùng Nhà Vua và Hoàng hậu Bỉ đi bộ dạo qua cổng Đoan Môn, ghé thăm Hố khảo cổ và bậc rồng đá Điện Kính Thiên, nơi còn lưu giữ nhiều dấu tích của Hoàng thành Thăng Long qua các thời kỳ lịch sử.
Ngoài ra, đoàn cũng thăm nhà trưng bày Báu vật Hoàng Cung Thăng Long. Đây là nơi trưng bày một số hiện vật được công nhận “Bảo vật quốc gia” gồm đồ kim loại quý, các loại đồ gốm sứ cao cấp được chế tác phục vụ cho nhà vua, vương hậu, hoàng tộc và sinh hoạt của triều đình trước kia.

Chủ tịch nước và Phu nhân và Nhà vua và Hoàng hậu cùng các vị khách quí đã nghe đại diện Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội giới thiệu về lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam thông qua những hiện vật được bảo tồn và gìn giữ tại khu di sản Khu Trung tâm Hoàng Thành, nơi mang đậm dấu ấn lịch sử của Thủ đô nghìn năm văn hiến.
Những công trình kiến trúc từ xa xưa; dấu tích kiến trúc và những hiện vật khảo cổ tại đây là niềm tự hào vô giá của Thăng Long - Hà Nội nói riêng, của nước Việt Nam nói chung.

Chủ tịch nước và Phu nhân cùng Nhà Vua và Hoàng hậu cũng được nghe giới thiệu về di tích Điện Kính Thiên, nơi quan trọng nhất trong Cấm thành Thăng Long xưa, nơi cử hành các nghi lễ long trọng nhất của triều đình, nơi đón tiếp sứ giả nước ngoài và là nơi thiết triều bàn những việc quốc gia đại sự; cũng như phần kiến trúc còn sót lại của thềm Rồng điện Kính Thiên, với những nền đá cũ cùng các bậc thềm để lên tới chính điện, những con rồng đá chầu ở thềm điện, được điêu khắc từ thế kỷ XV, đại diện cho nghệ thuật điêu khắc đỉnh cao thời Lê sơ.
Nhà Vua Bỉ bày tỏ ấn tượng trước giá trị văn hóa và lịch sử sâu sắc mà Hoàng thành Thăng Long mang lại, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của mỗi dân tộc.

Chuyến tham quan Hoàng thành Thăng Long của hai nhà lãnh đạo nhằm giới thiệu với Nhà Vua Philippe và Hoàng hậu về lịch sử, văn hoá đất nước Việt Nam tươi đẹp, cũng như về con người Việt Nam mến khách, từ đó thúc đẩy giao lưu nhân dân, tạo nền tảng cho việc mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực sâu rộng khác giữa hai nước.