Chủ tịch nước Lương Cường gặp mặt đoàn đại biểu Hội Khuyến học tiêu biểu toàn quốc

10/07/2025, 12:41

Sáng nay (10/7), tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Lương Cường gặp mặt Đoàn đại biểu cán bộ Hội Khuyến học tiêu biểu toàn quốc nhằm ghi nhận, biểu dương đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của các tỉnh Hội, thành Hội trong cả nước.

Cùng dự có Phó Chủ tịch Quốc Hội Lê Minh Hoan và đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.

Hội Khuyến học Việt Nam được thành lập ngày 2/10/1996. Đến nay, tổ chức Hội đã phủ kín 100% xã, phường trong cả nước với gần 27 triệu hội viên khuyến học.

Đồng thời tổ chức khuyến học đã phát triển ở hầu hết các cơ quan Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang, các trường đại học, cao đẳng… tạo thành mạng lưới rộng khắp, giúp cho phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ngày càng phát triển.

Những năm qua, Hội đã làm tốt công tác tham mưu, tư vấn với Đảng, Nhà nước, đưa hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trở thành một nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị.

Đặc biệt, từ nguồn huy động 100% xã hội hóa, Quỹ khuyến học các cấp đã trao học bổng cho hàng triệu lượt tấm gương tiêu biểu có thành tích học tập xuất sắc. Quỹ khuyến học của các gia đình, dòng họ cũng phát triển, mang đậm ý nghĩa, tôn vinh truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam. Đồng thời Hội đã gây dựng và phát triển thành công giải thưởng "Nhân tài Đất Việt" và giải thưởng "Khuyến học - Tự học thành tài", để tôn vinh các nhà khoa học, những nông dân tự học, tự nghiên cứu chế tạo ra máy móc, công trình phục vụ các lĩnh vực đời sống mang lại hiệu quả cao.

Từ khi thành lập đến nay, đến khi kết thúc giai đoạn chính quyền địa phương ba cấp, Hội đã phát triển mạnh mẽ từ Trung ương đến địa phương, tạo phong trào học tập sôi động trong nhân dân, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội và sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước nhà.

Để hội khuyến học tiếp tục phát triển sau khi thực hiện chính quyền hai cấp, ông Vương Văn Việt, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Thanh Hóa nêu ý kiến: "Đề nghị sớm thành lập hội khuyến học xã, phường, nhất là phân công chọn cử cán bộ làm Chủ tịch Hội khuyến học cấp xã, phường là những cán bộ đảng viên có trình độ năng lực chuyên môn và công nghệ thông tin, hiểu biết về giáo dục về khuyến học, tâm huyết nhiệt tình và có sở trường làm công tác tuyên truyền và vận; kiện toàn tổ chức bộ máy trung tâm học tập cộng đồng xã, phường mới để triển khai các nhiệm vụ học tập thường xuyên, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập ở cơ sở".

Phát biểu tại buổi gặp mặt, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Lương Cường biểu dương, đánh giá cao những đóng góp thầm lặng mà hiệu quả cho sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của các cán bộ khuyến học trong thời gian qua. Chủ tịch nước nêu rõ, từ khi thành lập nước đến nay, Đảng, Nhà nước và Bác Hồ kính yêu luôn đặc biệt coi trọng nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Coi Giáo dục đào tạo là "quốc sách hàng đầu", là chủ trương nhất quán và xuyên suốt trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, Bác Hồ kính yêu của chúng ta là một tấm gương vĩ đại về tinh thần học tập không ngừng nghỉ, là biểu tượng tiêu biểu của tri thức sâu rộng. Lúc sinh thời, Người luôn đặc biệt chú trọng nâng cao dân trí, dân chủ, dân sinh. Bác coi chống giặc dốt cũng khẩn thiết như chống giặc ngoại xâm và giặc đói. Trong đó có một triết lý vô cùng sâu sắc của Bác đó là: "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người".

Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước Lương Cường đề nghị: "Tôi đề nghị mỗi chúng ta và mọi người dân trong cả nước, không kể tuổi tác, không kể địa vị xã hội, hãy luôn coi học tập là quyền lợi, là trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Khi mới giành được chính quyền, tỷ lệ người dân không biết chữ rất cao, Đảng ta và Bác Hồ đã phát động phong trào "Bình dân học vụ", để người biết chữ dạy cho người không biết chữ, để mọi người đều biết đọc, biết viết.

Ngày nay, để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, Đảng và Nhà nước ta và đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo để phát động phong trào "Bình dân học vụ số", yêu cầu mọi người phải học thường xuyên, học suốt đời, không chỉ học chữ, mà phải học để nắm vững khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số,... học nghề, học để làm người, học để làm việc, học để chung sống và cùng phát triển ở cộng đồng, góp phần giữ gìn, phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam ngàn năm văn hiến và anh hùng."

Chủ tịch nước nêu rõ, Đất nước ta đang đứng trước thời khắc chuyển mình lịch sử, để bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, thịnh vượng và hạnh phúc của dân tộc, chúng ta có rất nhiều việc phải làm, trong đó việc xây dựng đất nước thành một quốc gia hướng tới học tập suốt đời cho mỗi người dân là một nhiệm vụ rất quan trọng, là một mục tiêu cao cả.

Điều này đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của đội ngũ những người làm công tác khuyến học, khuyến tài của cả nước, đặc biệt là các đồng chí đang có mặt hôm nay và thế hệ tiếp nối.

Nhắc lại chỉ đạo về bốn Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Tổng Bí thư Tô Lâm để đất nước ta phát triển trong kỷ nguyên mới và Tổng Bí thư có bài viết về "Học tập suốt đời"; Ngày 1/10/2021 Chính phủ ban hành Quyết định 1658 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030…

Chủ tịch nước khẳng định tất cả những định hướng đó chính là quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước ta trong tình hình mới. Vì vậy, Hội cần nghiên cứu, vận dụng cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ công tác khuyến học của mình gắn với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh quốc gia.

Chủ tịch nước Lương Cường yêu cầu: "Tôi đề nghị các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, cần nhận thức rõ việc xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời không chỉ là nhiệm vụ của các cấp Hội Khuyến học mà là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và của toàn dân ta.

Tôi đề nghị Trung ương Hội cần tiếp tục phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung củng cố, phát triển các Trung tâm học tập cộng đồng theo định hướng số hóa, xanh hóa; nghiên cứu Bộ tiêu chí đánh giá "Đơn vị khuyến học xanh" cấp xã; thúc đẩy việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong xây dựng "Trường học xanh", nhằm nâng cao ý thức của mọi người về môi trường giáo dục, đó phải là những trung tâm đào tạo con người phát triển toàn diện về nhân cách, phẩm chất, trí tuệ, học vấn..., để từng bước hình thành những "Công dân học tập xanh" cho tương lai".

Chủ tịch nước khẳng định, việc xây dựng Việt Nam thành quốc gia học tập, trong đó mỗi người dân đều có cơ hội được học tập và được khuyến khích học tập suốt đời không chỉ là mục tiêu nhân văn, mà còn là yêu cầu quan trọng cấp thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển nhân tài và củng cố nội lực dân tộc.

Theo Chủ tịch nước, đây là một thách thức lớn, nhưng cũng là sứ mệnh cao cả mà đội ngũ những người làm công tác khuyến học - khuyến tài đang đảm đương trên tuyến đầu.

Chủ tịch nước tin tưởng rằng, với tâm huyết và bản lĩnh, các cán bộ khuyến học sẽ tiếp tục giữ vững ngọn lửa tri thức trong cộng đồng, góp phần xây dựng một xã hội học tập năng động và giàu khát vọng, làm nền tảng cho một Việt Nam phát triển nhanh, bền vững và thịnh vượng.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thu hút nhân tài thì cơ chế nhà ở, thu nhập và đề bạt thế nào?
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho rằng, muốn thu hút, sử dụng và "giữ chân" nhân lực chất lượng cao thì cần cơ chế, chính sách như nhà ở, biên chế, thu nhập, sử dụng và đề bạt...
Mới nhất