Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập và rèn luyện quân đội nhân dân Việt Nam

28/08/2024, 15:01

Trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn khắc ghi và thực hiện nghiêm lời dạy của Người, chăm lo xây dựng đội quân cách mạng vững mạnh về mọi mặt.

Quân đội nhân dân Việt Nam được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện; luôn vững vàng trong thực tiễn đấu tranh cách mạng; phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn khắc ghi và thực hiện nghiêm lời dạy của Người, chăm lo xây dựng đội quân cách mạng vững mạnh về mọi mặt. Hình ảnh cao đẹp với những giá trị văn hóa quân sự sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp bước cho lớp lớp thế hệ quân nhân Việt Nam, để họ luôn tự hào là người lính "Bộ đội cụ Hồ". 

Khu di tích Trụ sở Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội nằm trong khu phố Văn Minh, quận Đông Sơn, Thành phố Quảng Châu, Trung Quốc. 100 năm trôi qua nhưng trong ngôi nhà vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật, tranh, ảnh về những năm tháng hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc. Với tầm nhìn chiến lược, ngay từ những năm 1925-1927, Người đã mở các lớp đào tạo để chuẩn bị nguồn cán bộ cho cách mạng Việt Nam.

Ông Hoàng Quần, nguyên Giám đốc Sở ngoại vụ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc cho rằng, lúc bấy giờ, Hồ Chủ tịch sang làm việc ở Quảng Châu, bước đầu là bồi dưỡng những người cán bộ để thành lập Đảng. Lúc bấy giờ có rất nhiều thanh niên tiến bộ của Việt Nam đang hoạt động Quảng Châu. Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức họ, giáo dục cho họ, từ những người chỉ có tình yêu nước, muốn lật đổ chế độ thực dân Pháp, rồi dần dần tiến lên có tư tưởng cách mạng theo hướng Chủ nghĩa Mác.

Tư tưởng về sáng lập và rèn luyện cán bộ, chuẩn bị lực lượng cho cách mạng đã hình thành rất sớm trong nhận thức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người cho rằng, để thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng cần phải tổ chức lực lượng vũ trang. Mục đích xây dựng quân đội của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tự vệ dân tộc: "Chúng ta phải ra sức bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình, cho nên chúng ta phải củng cố quốc phòng". Điều này cho thấy, quan điểm về bạo lực cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rõ tư tưởng nhân đạo và hòa bình. Tư tưởng này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong Chánh cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt, Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng.

Tiến sĩ Lê Trung Kiên, Viện Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, trong Chánh cương vắn tắt của Đảng năm 1930, Người đã xác định "tổ chức ra quân đội công nông". Người từng khẳng định: "Dân tộc Việt Nam nhất định phải được giải phóng. Muốn giải phóng thì phải đánh phát xít Nhật và Pháp. Muốn đánh chúng thì phải có lực lượng quân sự". Do đó, quân đội ta ra đời phù hợp với quy luật khách quan, đó chính là tất yếu của lịch sử, xuất phát từ chính nhu cầu, đòi hỏi do thực tiễn đấu tranh cách mạng của quần chúng và đó cũng là kết quả từ quá trình phát triển của các tổ chức vũ trang của quần chúng nhân dân.

Tháng 10/1941, Người chỉ đạo mở lớp huấn luyện quân sự tập trung đầu tiên tại Pác Bó để tiến tới thành lập đội vũ trang cách mạng. Tại đây, Người đã trực tiếp tham gia huấn luyện và biên soạn các tài liệu giảng dạy quân sự quan trọng như: "Mười điều kỷ luật"; "Cách đánh du kích"; "Những hiểu biết cơ bản về quân sự"...Thực hiện Chỉ thị của Người, ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của QĐND Việt Nam) ra đời tại khu rừng Trần Hưng Đạo, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.

Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân có 34 đội viên do đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm chính trị viên. Trong diễn văn tại buổi thành lập, đồng chí Võ Nguyên Giáp khẳng định quyết tâm "Đoàn kết để vũ trang đứng dậy". Sự ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân là một tất yếu lịch sử trong sự nghiệp giải phóng dân tộc; là bước ngoặt trên con đường đấu tranh cách mạng của dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng. Lần đầu tiên trong lịch sử đất nước có một quân đội kiểu mới do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện.

TS Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh khẳng định, Bác Hồ đặt sức mạnh "chính trị trọng hơn quân sự" và "chính quyền không phải trên đầu súng" mà chính quyền được ra đời bằng sự vận động, tổ chức của toàn dân. Cho nên tạo ra một đội quân còn nhỏ bé thế thôi nhưng Bác ước ao để có đủ lớn mạnh để đi khắp từ Nam ra Bắc và có nhiều đội đàn anh, em khác. Đó là Bác dặn khi ra đời "Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân" năm 1944.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chăm lo xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam thành một đội quân cách mạng vững mạnh về mọi mặt. Người xác định, xây dựng đội quân chủ lực trước hết là về phẩm chất chính trị phải vững chắc, tư tưởng cách mạng đúng đắn, để có thể đảm đương nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục, làm cho quần chúng giác ngộ, tin tưởng và đi theo cách mạng. Người cũng chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Sau này, tư tưởng về lực lượng vũ trang ba thứ quân đã phát triển, trở thành mô hình tổ chức quân sự độc đáo, sáng tạo của Đảng, phù hợp với cách đánh và nghệ thuật quân sự Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải huy động "tập trung lực lượng" coi đây là nguyên tắc cơ bản của nghệ thuật chiến tranh. Nguyên tắc này tạo điều kiện thuận lợi cho việc lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định rõ: "quân đội ta là quân đội nhân dân- từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu". Đây chính là nhân tố quan trọng tạo nên sức mạnh tổng hợp của quân đội ta trước mọi kẻ thù, trong mọi hoàn cảnh.

Lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập "Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng" luôn là kim chỉ nam, là ngọn đuốc soi đường, tiếp bước cho lớp lớp thế hệ quân nhân Việt Nam, để họ luôn tự hào là người lính "Bộ đội cụ Hồ".

Cựu chiến binh Lê Hồng Kham và Cựu chiến binh Trịnh Quốc Dũng, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội bày tỏ: "Chúng tôi rất vinh dự là bộ đội Cụ Hồ. Trong kháng chiến chống Mỹ, năm 1972 tôi vào Nam chiến đấu. Sau đó đi học, tiếp tục phục vụ trrong quân đội. Trong suốt cả cuộc đời tôi thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng dân tộc, dẫn dắt dân tộc Việt Nam đi từ thắng lợi này, đến thắng lợi khác. Rất vinh dự là bộ đội Cụ Hồ. Cả cuộc đời sẽ phấn đấu theo danh dự đó. Trong quân ngũ chúng tôi luôn xác định vai trò, trách nhiệm của quân nhân mang truyền thống bộ đội Cụ Hồ. Ở bất cứ cương vị, nhiệm vụ nào chúng tôi cũng hoàn thành. Lời dạy của bác được thấm nhuần đến các cán bộ chiến sỹ, trong đó có cá nhân tôi. Sau 40 năm công tác trong quân ngũ trở về đời thường chúng tôi cũng gắn trách nhiệm của quân nhân, luôn phát huy bản chất truyền thống, bộ đội Cụ Hồ".

80 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội Nhân dân Việt Nam luôn kiên cường, bất khuất, với niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng, thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, với tinh thần tự tôn dân tộc. Tinh thần bất khuất, kiên trung, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân đã được lớp lớp cán bộ, chiến sĩ kế thừa, phát huy, làm cho bản chất và truyền thống cách mạng của Quân đội ta càng thêm sâu sắc, phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ ngày càng tỏa sáng. Đó là cội nguồn tạo nên sức mạnh thần kỳ, giúp Quân đội ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, từng bước tiến lên chính quy, hiện đại, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp, tinh gọn bộ máy: Tìm được người tài để vận hành bộ máy
VOVLIVE - Người phát ngôn Bộ Nội vụ nhấn mạnh điểm quan trọng nhất khi tinh gọn bộ máy là tìm được người tài để vận hành bộ máy. Làm như vậy mới có được kết quả tích cực.
Mới nhất