Chính phủ đề xuất giám sát việc chuyển dữ liệu ra nước ngoài

Ngọc Thành/VOV.VN | 22/10/2024, 17:00

Việc chuyển dữ liệu ra nước ngoài cho tổ chức, cá nhân nước ngoài phải thực hiện theo đúng quy định; bảo đảm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể dữ liệu, bảo vệ an ninh, quốc phòng và lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

Chiều nay 22/10, tại Kỳ họp thứ 8, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Dữ liệu.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, luật này quy định về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu; ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; Trung tâm dữ liệu quốc gia; sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu; quản lý nhà nước về dữ liệu; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu.

Chính phủ cũng khẳng định, việc hoàn thiện pháp luật, quy định những chính sách trong phát triển, ứng dụng dữ liệu vào công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội là yêu cầu rất cấp thiết; tạo điều kiện cho mọi người dân được thụ hưởng lợi ích từ hoạt động chuyển đổi số. 

Bên cạnh đó, việc xây dựng luật bảo đảm bao quát đầy đủ các nội dung, nhiệm vụ mà Chính phủ đã xác định trong công tác chuyển đổi số; tăng cường sử dụng hiệu quả thông tin trong các cơ sở dữ liệu để phục vụ công tác quản lý nhà nước, vừa khai thác, ứng dụng dữ liệu trong phát triển kinh tế - xã hội, vừa thắt chặt quản lý dữ liệu cá nhân và dữ liệu phi cá nhân, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin. 

Giám sát việc chuyển dữ liệu ra nước ngoài

Một trong những nội dung đáng chú ý là quy định về chuyển dữ liệu ra nước ngoài, cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Theo dự thảo, hoạt động cung cấp, chuyển dữ liệu ra nước ngoài, cho tổ chức, cá nhân nước ngoài phải bảo đảm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể dữ liệu, bảo vệ an ninh, quốc phòng và lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. 

Dữ liệu được phân loại là dữ liệu cốt lõi, dữ liệu quan trọng cần được cung cấp, chuyển giao bên ngoài biên giới nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cho tổ chức, cá nhân nước ngoài phải được cơ quan có thẩm quyền đánh giá tác động và chấp thuận. Đối với dữ liệu cá nhân thì thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân. 

Dự thảo cũng thể hiện rõ thẩm quyền quyết định việc cung cấp, chuyển giao dữ liệu trên. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc cung cấp, chuyển giao dữ liệu cốt lõi.

Bộ Quốc phòng chủ trì thực hiện xác định, đánh giá tác động và quyết định cung cấp, chuyển giao các dữ liệu quan trọng thuộc lĩnh vực quân sự, quốc phòng, cơ yếu.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện đánh giá tác động việc chuyển giao dữ liệu quan trọng không thuộc điểm b khoản này. Chủ quản dữ liệu quyết định việc chuyển giao dữ liệu quan trọng sau khi đã đạt đánh giá tác động.

Ngoài ra, chủ quản dữ liệu khi cần cung cấp, chuyển giao dữ liệu cốt lõi, dữ liệu quan trọng ra nước ngoài, cho tổ chức, cá nhân nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện theo quy định.

Cùng với đó là đánh giá các rủi ro mà hoạt động cung cấp, chuyển giao dữ liệu có thể ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng và lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức theo yêu cầu của luật…

Dự thảo luật giao Chính phủ quy định chi tiết.

Cơ quan thẩm tra dự án luật là Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí về quy định việc chuyển dữ liệu ra nước ngoài, cho tổ chức, cá nhân nước ngoài; đồng thời có ý kiến đề nghị cần thận trọng, chặt chẽ để bảo vệ chủ quyền số và lợi ích quốc gia nhưng cũng phải bảo đảm hài hòa với thông lệ quốc tế, không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính làm cản trở luồng dữ liệu an toàn, tự do xuyên biên giới.

Cơ quan này cũng đề nghị xác định rõ các loại dữ liệu bị cấm hoặc hạn chế chuyển ra nước ngoài, các trường hợp được thực hiện chuyển dữ liệu, quy trình chuyển dữ liệu ra nước ngoài; trách nhiệm bồi thường khi xảy ra sự cố dữ liệu…

Vấn đề này cũng được đặt ra khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp chiều 14/10. Chính phủ cho biết sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục tham khảo ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp có liên quan để hoàn thiện quy định này, bảo đảm công tác quản lý nhà nước nhưng cũng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, khơi thông dòng chảy dữ liệu.

Bài liên quan
ĐBQH: Kê đơn thuốc qua mạng sẽ hết lo 'chữ bác sĩ xấu, không đọc nổi'
Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng việc kê đơn thuốc qua mạng là cần thiết, điều này còn giúp người dân không còn lo "'chữ bác sĩ xấu, không đọc nổi".

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu nhậm chức: Giữ gìn và tăng cường sự đoàn kết trong Đảng
Phát biểu nhậm chức trước Quốc hội, Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh tiếp tục giữ gìn và tăng cường sự đoàn kết, thống nhất cao trong Đảng; cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục chăm lo xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
  • Kinh tế Việt Nam tiếp tục được dự báo tăng trưởng cao trong 2024 và 2025
    Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2024 được đánh giá tiếp tục phục hồi. Xuất nhập khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã trở thành điểm sáng nổi bật, phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam. Nhiều tổ chức quốc tế đã nâng dự đoán tăng trưởng GDP 2024 của Việt Nam so với trước đó.
  • Đề xuất Nhà nước độc quyền đầu tư và phát triển điện hạt nhân
    Theo dự án Luật Điện lực (sửa đổi), Chính phủ đề xuất Nhà nước độc quyền trong đầu tư xây dựng và vận hành các dự án nhà máy điện hạt nhân vì mục đích bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
  • Tiểu sử Chủ tịch nước Lương Cường
    Chủ tịch nước Lương Cường sinh năm 1957, quê ở thành phố Việt Trì, Phú Thọ. Ông có trình độ chuyên môn là Cử nhân Xây dựng Đảng và Chính quyền Nhà nước. VOV xin trân trọng giới thiệu tiểu sử Chủ tịch nước Lương Cường.
Mới nhất