Trả lời phỏng vấn Báo Điện tử VTC News, Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Tư liệu giáo khoa, Học viện Chính trị Công an nhân dân phân tích về tình hình xung đột leo thang giữa Thái Lan và Campuchia cũng như các giải pháp để hạ nhiệt căng thẳng này.
- Ông có bất ngờ khi Thái Lan điều tiêm kích F-16 tấn công Campuchia vào ngày 24/7 không, thưa Đại tá?
Tôi khá bất ngờ, bởi vì trước đây tôi cho rằng những cuộc xung đột ở biên giới giữa Campuchia và Thái Lan chỉ dừng lại ở mức độ các cuộc chạm súng nhỏ thôi. Thế nhưng, khi sử dụng đến tăng thiết giáp, pháo lớn hoặc máy bay F16, cường độ đột ngột gia tăng như vậy thì đáng lo ngại. Máy bay F-16 vừa là tiêm kích mới, vừa là cường kích, nó có thể là máy bay chiến đấu nhưng đồng thời cũng mang bom và ném bom được.

- Đại tá đánh giá mức độ nghiêm trọng của cuộc tấn công qua lại giữa hai bên ngày 24/7 như thế nào?
Cũng như các cuộc xung đột khác trên thế giới, bất kỳ bên nào cũng đều khuếch trương thắng lợi của mình lẫn thiệt hại của đối phương. Ta nên xét về hậu quả của hành động leo thang xung đột và những tác hại gây ra đối với hai quốc gia này.
- Ít ai ngờ cuộc xung đột giữa hai nước diễn biến nhanh đến như vậy. Theo Đại tá nguyên nhân nào là phát xuất phát điểm của cuộc xung đột này?
Có 2 nguyên nhân, một là nguyên nhân sâu xa về lịch sử và hai là liên quan chính sách của hai quốc gia này với điểm nút là ngôi đền cổ Preah Vihear.
Trước đây, cả hai dân tộc từng cùng thuộc một đế quốc, gọi là Xiêm hoặc trước nữa là đế quốc Angkor. Do sự phân rã trong triều đình bấy giờ và sắc tộc, mới hình thành nên chính quyền ở phía Nam dãy núi Dăngrek (nay là Campuchia) và phía Bắc (nay là Thái Lan).
Thực ra, các nguyên nhân về lịch sử hiện nay rất ít ảnh hưởng, bởi vì, như tôi đã nói, đó chỉ là cái cớ. Vấn đề nằm ở lợi ích kinh tế. Nhưng nếu chỉ vì lợi ích kinh tế, thì mọi chuyện còn có thể đàm phán được.
Tôi lấy ví dụ, sau năm 2008, hai nước đã có thỏa thuận chung về việc đưa khách du lịch hai bên cùng đến thăm khu đền cổ. Trong phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế (PCA), mặc dù khu vực đó thuộc quyền Campuchia, nhưng Campuchia cũng đồng ý để Thái Lan đưa khách đến thăm khu vực hai bên cùng khai thác.
Ngôi đền Preah Vihear cũng từng được Thái Lan và Campuchia cùng khai thác như vậy. Mâu thuẫn theo tôi bắt đầu từ khi hai nước nảy sinh tranh chấp về chủ quyền ngôi đền cổ Preah Vihear, lúc đó đã vượt khỏi phạm trù kinh tế, trở thành vấn đề chính trị.
Bây giờ, chúng ta cần quay lại với PCA, phán quyết của PCA có hiệu lực đến đâu? Thực tế, PCA không phải là một tòa án phán xử mà là trọng tài. Họ chỉ tuyên bố ai đúng, ai sai, chứ không có cơ chế buộc thực thi. Vì vậy, phán quyết của PCA yếu, nhiều khi bị các bên bỏ qua mà không tuân thủ.
Hai quốc gia này hiện không có hệ thống cột mốc biên giới đầy đủ và vững chắc, tất cả đều dựa trên bản đồ mà dựa trên bản đồ thì mỗi người có thể có những nhận xét khác nhau so với thực tế theo ý chí chủ quan.
Từ hai nguyên nhân đấy, mâu thuẫn chủ quyền quanh ngôi đền cổ Preah Vihear trở thành cái cớ cho cuộc xung đột.
Tính trong thế kỷ 21, đây là cuộc chạm súng nghiêm trọng nhất giữa hai quốc gia này.

- Ông nhìn nhận như thế nào về chiến lược quân sự của Thái Lan khi đã đưa vũ khí hạng nặng vào liệu điều này có làm thay đổi cán cân quân sự hay không?
Tôi nghĩ điều này không làm thay đổi cán cân quân sự, bởi vì thực ra Campuchia cũng có lực lượng của họ.
Trước đây cũng từng có nhà khoa học cho rằng muốn có hòa bình thì phải chuẩn bị tốt cho chiến tranh, nhưng chuẩn bị tốt cho chiến tranh không có nghĩa là muốn chiến tranh. Tốt nhất là không có chiến tranh.
- Nếu cán cân quân sự giữa hai bên là tương đối cân bằng, liệu có nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh toàn diện không, thưa Đại tá?
Đây là một dấu hỏi lớn, không chỉ đối với các chính trị gia trong khu vực mà cả trên thế giới. Ở đây, phải có sự kết hợp giữa ngoại giao và quân sự thì mới giải quyết được xung đột. Bản thân vũ khí không giải quyết được gì cả.
- Trưa 24/7, Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã gửi thư tới Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ yêu cầu họp khẩn, nhằm kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay ngăn chặn xung đột. Theo Đại tá, động thái này sẽ tác động như thế nào đến cuộc xung đột hiện tại?
Nếu Campuchia cung cấp đầy đủ bằng chứng cho thấy Thái Lan có những hành động vượt mức phản ứng thông thường, Hội đồng Bảo an LHQ sẽ họp. Tôi tin rằng ASEAN cũng sẽ ủng hộ việc tổ chức cuộc họp này.
Tuy nhiên, điều quan trọng là kết luận của Hội đồng Bảo an phải mang lại hiệu quả thực sự, phải dẫn đến vãn hồi hòa bình và giảm xung đột. Nếu chỉ dừng ở những tuyên bố chung chung như "kêu gọi giảm căng thẳng" mà không có biện pháp cụ thể, thì sẽ không tới.
- Theo Đại tá, liệu có những kịch bản nào có thể được đưa ra để hạ nhiệt căng thẳng hiện nay không?
Chúng ta đều biết rằng mỗi năm ASEAN tổ chức hội nghị cấp cao, theo cơ chế luân phiên giữa các nước. Năm nay, Malaysia đang là nước chủ tọa. Tôi chắc chắn rằng trong một số hội nghị – bao gồm hội nghị thượng đỉnh ASEAN và hội nghị với các đối tác, đặc biệt là đối tác quốc phòng trong khuôn khổ ADMM+ – sẽ thảo luận về tình hình này.
Để giải quyết xung đột giữa Campuchia và Thái Lan, không thể chỉ có một giải pháp hay một hướng tiếp cận, cần nhiều giải pháp, từ quốc tế đến khu vực, từ ASEAN đến các nước đối tác. Chỉ khi cùng chung tay thì mới có thể hỗ trợ hiệu quả.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, như tôi đã đề xuất trước đó, là lãnh đạo hai quốc gia cần ngồi lại với nhau để đối thoại.
- Chúng ta có thể dự đoán những kịch bản xấu nhất nếu cả hai nước không tìm được tiếng nói chung?
Đây không phải là lần đầu Campuchia và Thái Lan xung đột, và trước đây họ đã từng giải quyết được với nhau. Nhưng lần này có mức độ nghiêm trọng lớn hơn.

Để giải quyết xung đột giữa Campuchia và Thái Lan, không thể chỉ có một giải pháp hay một hướng tiếp cận, cần nhiều giải pháp, từ quốc tế đến khu vực, từ ASEAN đến các nước đối tác.
Đại tá Nguyễn Minh Tâm
Theo tôi, cần ba yếu tố. Thứ nhất là quyết tâm lớn hơn của giới lãnh đạo, ý chí chính trị của cả hai bên.
Thứ hai là sự can thiệp mạnh mẽ hơn từ cộng đồng quốc tế – không chỉ là kêu gọi mà cần tiếp xúc thực chất để xoa dịu những cái đầu nóng. Và thứ ba – quan trọng nhất – là vai trò của các nhà trung gian hòa giải, những người phải đưa ra giải pháp nhìn về tương lai.
Trong tình huống này, các quốc gia láng giềng cũng phải có trách nhiệm. Tôi tin Việt Nam sẵn sàng làm trung gian hòa giải – như đã từng làm giữa Campuchia và Lào 10 năm trước.
Tôi vẫn hy vọng hai bên sẽ dần ngừng leo thang, rồi có những giải pháp lâu dài hơn. Hiện tại, những gì đã có vẫn chưa đủ ổn – đặc biệt là vấn đề biên giới trên bộ giữa Thái Lan và Campuchia.
Tôi nghĩ đây là một cơ hội để hai nước có quyết tâm đi đến việc hoạch định một hiệp định biên giới chắc chắn. Đây sẽ là nền tảng cho một đường biên giới hòa bình trong tương lai và tránh tái diễn những xung đột tương tự.

- Rõ ràng, xung đột không chỉ ảnh hưởng tới hai quốc gia, mà còn tác động rộng đến khu vực Đông Nam Á. Đại tá đánh giá ra sao về điều này?
Việt Nam, từ khi gia nhập ASEAN năm 1995, đã luôn xác định mình là một thành viên có trách nhiệm. Việt Nam cũng đóng góp xây dựng ba trụ cột chính của ASEAN. Những trụ cột này, thứ nhất, giúp ASEAN duy trì không gian hòa bình để phát triển kinh tế. Không có hòa bình, không thể nói đến phát triển. Hòa bình ở đây không chỉ là không có chiến tranh, mà còn là loại bỏ bạo loạn và bất ổn nội bộ.
Thứ hai, các quốc gia trong khối phải có quan hệ bình đẳng, công bằng, thiện chí, hợp tác với nhau, thì trao đổi kinh tế mới thông. Nếu mâu thuẫn chính trị, quân sự, kinh tế hay văn hóa xuất hiện, thì các dòng chảy thương mại và kết nối trong khu vực sẽ bị cản trở.
Thứ ba, để giữ vững những điều đó, các bên phải nhìn về tương lai, có thiện chí. Đây không phải lần đầu ASEAN gặp mâu thuẫn kiểu này.
Với kinh nghiệm đó, trước tình hình Thái Lan – Campuchia, tôi nghĩ Việt Nam và các nước ASEAN nên sớm có biện pháp cụ thể để vãn hồi trật tự, giảm căng thẳng và ngăn chặn xung đột leo thang thành chiến tranh.
- Vậy theo Đại tá, đâu là giải pháp khả thi nhất để hạ nhiệt căng thẳng và tiến tới một quan hệ bền vững hơn giữa hai nước?
Theo tôi, không thể chỉ có một giải pháp duy nhất, mà phải là tổng hợp nhiều giải pháp: quốc tế như Liên Hợp Quốc, khu vực như ASEAN, và song phương giữa hai nước. Ba yếu tố này kết hợp lại mới tạo ra được một xung lực đủ mạnh để ngăn chặn xung đột leo thang.
Chúng ta từng có kinh nghiệm rồi: tuyên bố của Tòa PCA vẫn bị vô hiệu hóa, bị vi phạm và không có tác động thực tế. Vì vậy, phải có ít nhất ba hướng giải pháp như tôi đã nói. Và quan điểm của Việt Nam cùng các nước ASEAN vẫn là hai bên cần kiềm chế.
Theo tôi, giải pháp khả thi nhất là: hai nhà vua nên trực tiếp gặp nhau, đối thoại một cách bình đẳng, và cùng khuyên cấp dưới không nên làm điều gì khiến tình hình thêm căng thẳng.
- Xin cảm ơn ông!