"ChatGPT hiện chưa thể thay thế cho bác sĩ", PGS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định trước một số ý kiến cho rằng ChatGPT (Chat Generative Pre-training Transformer) có thể thay thế bác sĩ.
Theo ông Nga, quá trình từ chẩn đoán tới điều trị yêu cầu kinh nghiệm hành nghề và tư duy lô-gic của thầy thuốc dựa trên từng ca bệnh cụ thể để đảm bảo độ chính xác cao. Bên cạnh đó, kiến thức và hành nghề y khoa hiện còn tồn tại nhiều quan điểm, đôi khi đối nghịch nhau. Trong khi đó, siêu AI này mới trong quá trình thử nghiệm, chưa hoàn thiện.
Vị chuyên gia kỳ vọng tương lai khi đã hoàn thiện, ChatGPT sẽ có ích trong chăm sóc sức khoẻ để từng cá nhân có thể theo dõi và biết được tình trạng sức khỏe của họ, nhất là trong lĩnh vực tư vấn, giáo dục sức khỏe, kiến thức phòng bệnh và tâm lý trị liệu.
Đồng tình quan điểm ChatGPT không thay thế được bác sĩ, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Nguyên trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM phân tích, bác sĩ phải khám bệnh cho bệnh nhân, quá trình này đòi hỏi kinh nghiệm và việc này chat GPT không thể làm được.
ChatGPT phụ thuộc đầu vào, mà đầu vào thì chỉ bác sĩ biết. Nếu "tiếp xúc" với ChatGPT, bệnh nhân cũng không thể hiểu được thông tin ở lĩnh vực này. Vì vậy, ChatGPT có thể giúp người dân các kiến thức phổ thông, giúp bác sĩ tìm hiểu thêm về kiến thức y học chứ không thay đổi được quyết định của bác sĩ hay quyết định của bệnh nhân về vấn đề điều trị. Bác sĩ dẫn chứng ví dụ bệnh nhân bị vàng da, người nhà không thể biết được, chỉ bác sĩ biết dựa vào triệu chứng.
"ChatGPT sẽ hỗ trợ bác sĩ chuyên khoa sâu hơn một chút kiến thức. ChatGPT là nhiều cuốn sách, cao hơn nhiều một nghiên cứu đơn thuần, nhưng những người phân tích nghiên cứu đó ứng dụng thì vẫn là bác sĩ", bác sĩ Khanh nói.
Bác sĩ Tạ Việt Cường, Phó giám đốc Trung tâm khám, điều trị sản phụ khoa và chăm sóc sức khỏe sinh sản (Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội) cũng cho rằng, nên coi ChatGPT là công cụ giúp tham khảo thông tin về y tế, chứ không thể thay thế được bác sĩ. Sau này với sự phát triển của khoa học công nghệ hứa hẹn trí tuệ nhân tạo hỗ trợ nhiều hơn cho các bác sĩ trong quá trình cập nhật kiến thức, khám bệnh.
Với ChatGPT việc cung cấp đầu vào thông tin rất quan trọng (nguồn thông tin). Bác sĩ là người có chuyên môn mới kiểm định được các thông tin trên ChatGPT là đúng hay sai. Nhưng với người không chuyên môn khi dùng ChatGPT để tìm hiểu các thông tin y tế sẽ dễ rơi vào trạng thái "tẩu hoả nhập ma" vì không kiểm định được thông tin nào là chính xác hay có tính logic.
“Dù sao AI (trí tuệ nhân tạo) là câu chuyện của tương lai và mỗi ngày công nghệ là sự khác biệt. Sử dụng AI hỗ trợ cho bác sĩ laf Và ChatGPT chỉ dừng ở mức độ ứng dụng mang tính chất tham khảo, không thể thay thế được bác sĩ”, bác sĩ Cường nói.
Theo bác sĩ Nguyễn Duy Thịnh - phụ trách đơn vị can thiệp, khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Thanh Nhàn, ChatGPT là ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo tìm kiếm các thông tin đơn giản trong cuộc sống. Ứng dụng này không thể thay thế được cho bác sĩ. Một bệnh nhân khi chẩn đoán ra bệnh cần trải qua các bước thăm khám lâm sàng và xét nghiệm, chụp chiếu cận lâm sàng. Sau khi có kết quả bác sĩ mới thực hiện can thiệp, thủ thuật hay mổ.
Sử dụng ChatGPT để hỏi bệnh rất nguy hiểm, dẫn tới tâm lý chủ quan hoặc lo lắng quá mức. Ông Thịnh đã gặp rất nhiều trường hợp u thận nhưng không hề xuất hiện triệu chứng. Thậm chí có những trường hợp mắc bệnh khác vào viện tình cờ mới biết bị ung thư thận. Như vậy trông chờ vào một ứng dụng để hỏi bệnh rất nguy hiểm, dễ bỏ qua giai đoạn sớm chữa bệnh. Hay có người bị rối loạn tiêu hoá nhưng triệu chứng giống bệnh ung thư có thể khiến người bệnh lo lắng quá mức.
Bác sĩ Thịnh khuyến cáo, cách bảo vệ sức khoẻ tốt và đơn giản nhất là đi khám định kỳ 6 tháng lần. Một ứng dụng ChatGPT không thể giải quyết hết các vấn đề sức khoẻ.
ChatGPT (Chat Generative Pre-training Transformer) là công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) do công ty OpenAI phát triển. Điểm đặc biệt của AI này nằm ở kho kiến thức khổng lồ mà nó được cung cấp hoặc thông qua học hỏi.
Ở dạng hỏi – đáp, ChatGPT có thể hỗ trợ trả lời các câu hỏi, tìm kiếm thông tin, dịch thuật, sáng tác văn thơ, soạn nhạc, thiết kế, viết tiểu luận, sửa lỗi lập trình, làm bài kiểm tra, dạy học, tư vấn…
Theo CBS, ChatGPT trở thành ứng dụng thu hút nhiều người dùng mới nhanh nhất trong số các ứng dụng phổ thông trên mạng internet hiện nay. Báo cáo của Ngân hàng đầu tư UBS, dựa trên dữ liệu từ Similar Web, ChatGPT được OpenAI công bố cuối tháng 11/2022, thu hút 57 triệu người dùng sau một tháng. Tính đến 31/1, chatbot AI này đã đạt 100 triệu người dùng. Trung bình mỗi ngày trong tháng 1, nó thu hút 13 triệu người truy cập.
Ngày 2/2, OpenAI tung ra gói đăng ký 20 USD/tháng cho phiên bản ChatGPT Plus, cung cấp cho người dùng dịch vụ ổn định hơn, nhanh hơn cùng các tính năng tiên tiến so với bản miễn phí.