Ba lô, cặp sách là người bạn đồng hành cùng trẻ đến trường mỗi ngày nhưng nó cũng có thể là thủ phạm gây nên những chấn thương liên quan đến lưng, cổ, vai, gáy nếu không sử dụng đúng cách. Theo các chuyên gia, trọng lượng cả cặp sách và vật dụng chứa bên trong chỉ nên bằng 10 đến 15% trọng lượng cơ thể. Nếu thấy con bạn khi đi bộ có xu hướng chồm người về phía trước, chứng tỏ trẻ đang phải đeo cặp quá tải.
Đặc biệt với các bé mới vào lớp 1, sức vóc và thể trạng còn yếu, các bậc phụ huynh cần hết sức lưu tâm. Cô Nguyễn Chi Giang – giáo viên Trường Tiểu học Đặng Trần Côn, Hà Nội đưa ra lời khuyên: một chiếc cặp quá to không phù hợp với trẻ lớp 1. Phụ huynh nên chọn các loại ba lô, cặp sách nhẹ, có hai quai to bản và mềm và có đệm ở phía sau lưng thông thoáng.
Có một thực tế là nhiều em học sinh có thói quen cho tất cả sách vở và các đồ dùng khác vào cặp sách để không bị quên hoặc do lười soạn theo thời khóa biểu. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cặp sách trở thành chiếc cặp “ngàn cân”. Cô Chi Giang khuyên các em học sinh chỉ nên mang theo những thứ cần thiết. Phải đeo ba lô hay cặp sách cân đối ở cả hai vai và không nên xách vì sức nặng của cặp làm cho các cháu bị xệ vai, thậm chí là cong hoặc là vẹo cột sống.
Cùng với việc sử dụng cặp sách không đúng cách, tư học ngồi học sai là một nguyên nhân quan trọng khiến trẻ bị đau, cong vẹo cột sống và mắc tật khúc xạ. Nếu không kịp thời điều chỉnh sẽ gây tổn hại lớn đến sức khỏe. Theo ông Vũ Xuân Khang, một chuyên gia về bàn ghế học sinh, trẻ ngồi học đúng tư thế trên bộ bàn ghế đúng tiêu chuẩn sẽ khắc phục được các vấn đề này.
“Trẻ nên ngồi thẳng lưng sao cho vuông góc với phần mặt ghế. Khi ngồi, không bao giờ được tì sát ngực vào thành bàn. Đầu hơi cúi xuống với khoảng cách tầm 25cm đến 30cm so với mặt vở. Giữ bằng ngang vai và đặt hai chân song song, đồng thời vuông góc với gác chân. Không nên ngồi gác chân hoặc chân co chân duỗi. Nếu ngồi lâu, trẻ nên đi lại để giúp cơ thể lưu thông máu”, ông Xuân Khang lưu ý các bậc phụ huynh.
Việc chọn lựa cho con bộ bàn ghế có kích thước phù hợp với trẻ cũng rất quan trọng. Nhiều gia đình tận dụng bộ bàn ghế từ khi trẻ học bậc tiểu học cho đến lên đến bậc THPT, mặc dù điều này giúp tiết kiệm chi phí nhưng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như mức độ hiệu quả của học sinh.
Bên cạnh đó, để giúp trẻ có một năm học mới khỏe mạnh và an toàn, dù không gian trong phòng có sáng đến đâu, các bậc phụ huynh cũng nên trang bị cho trẻ một chiếc đèn bàn riêng. Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Văn Trinh - kỹ sư vật lý ánh sáng, đèn học cho trẻ cũng cần đảm bảo những tiêu chí như:chọn đèn bàn có khả năng điều chỉnh được trường sáng, ưu điểm là dễ dàng thay đổi được độ cao, độ thấp và chỉnh được trường sáng rộng, hẹp và đặc biệt là chỉnh được vị trí của đèn làm sao khi các em ngồi học bóng đèn không chiếu trực tiếp vào mắt, gây ra hiện tượng chói mắt, chói loá và gây ra hỏng mắt.
Anh Nguyễn Văn Trinh cũng khuyến cáo, dùng mỗi đèn bàn trong một căn phòng tối cũng khiến ảnh hưởng rất lớn đến thị lực của trẻ do mắt trẻ phải điều tiết liên tục. Vào buổi tối hay ban ngày nhưng ánh sáng không đủ, các bậc phụ huynh lưu bật cả đèn bàn và đèn phòng để giúp con có được điều kiện học tập tốt nhất. Ngoài ra, đặt bàn học cùng phía với nguồn sáng chính để tránh tình trạng bị sấp bóng cũng là điều các bậc cha mẹ cần lưu tâm.
Vào năm học mới, tần suất và thời gian sử dụng máy vi tính của trẻ cũng tăng lên đáng kể, ảnh hưởng thị lực. Thạc sỹ bác sỹ Phạm Thị Hằng - Trưởng khoa Khúc xạ Bệnh viện Mắt Quốc Tế DND khuyên các bậc phụ huynh lưu ý tư thế ngồi học của trẻ, phải ngồi đúng và đủ khoảng cách giữa mắt và máy tính. Tiếp theo là lưu ý điều kiện ánh sáng phải đầy đủ. Tuyệt đối tránh tình trạng nằm ra giường, hoặc nhìn quá gần, quá xa. Các phụ huynh cũng nên nhắc nhở các con có thời gian nghỉ ngơi hợp lý để có mắt được thư giãn, giảm tình trạng điều tiết mắt.