Nội dung trên được Bộ GD&ĐT nhấn mạnh trong công văn cung ứng sách giáo khoa cho các địa phương bị ảnh hưởng do bão Yagi.
Theo đó, Bộ yêu cầu các Sở GD&ĐT rà soát, thống kê thiệt hại về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, sách giáo khoa và đồ dùng học tập do bão lũ gây ra để có phương án khắc phục và báo cáo cấp có thẩm quyền.
Các địa phương cần kịp thời hỗ trợ học sinh, gia đình chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh bị thiệt hại do mưa bão sớm ổn định học tập, đồng thời thực hiện các giải pháp đảm bảo dạy học an toàn, hiệu quả.
Với các đơn vị biên soạn, phát hành sách giáo khoa, Bộ yêu cầu phải chủ động phối hợp với các địa phương để nắm bắt tình hình sách hư hại do mưa lũ để khẩn trương in ấn bổ sung và cung ứng kịp thời cho giáo viên, học sinh tổ chức dạy học, "không được để xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung sách giáo khoa".
Chỉ đạo trên được Bộ GD&ĐT đưa ra sau khi siêu bão Yagi đổ bộ vào các tỉnh thành khu vực phía Bắc, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Ít nhất 27 tỉnh thành phải cho học sinh nghỉ học tránh bão.
Tính đến chiều 9/9, hơn 10 địa phương bị ngập lụt diện rộng, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất như Quảng Ninh, Hải Phòng, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang. Hoạt động dạy và học ở các tỉnh này phải tạm ngừng.
Bộ trưởng GD&ĐT cũng đề nghị các địa phương tiếp tục biện pháp phòng tránh mưa ngập, lên phương án bảo đảm an toàn các công trình trường học, di dời máy móc, thiết bị dạy học, tài liệu, hồ sơ lên tầng cao hoặc chuyển đến nơi không có nguy cơ ngập lụt để tránh hư hại.
Đồng thời, Bộ trưởng yêu cầu lên phương án dọn vệ sinh trường lớp, có biện pháp phòng ngừa dịch bệnh đảm bảo sạch sẽ, an toàn khi học sinh trở lại trường học và có kế hoạch dạy bù trong thời gian học sinh nghỉ học. Sẵn sàng cho người dân vào tránh trú trong các cơ sở giáo dục có điều kiện cơ sở vật chất an toàn.
Các địa phương tổng hợp thiệt hại và lên phương án xử lý báo cáo UBND cấp tỉnh để khắc phục, đồng thời báo cáo về Bộ GD&ĐT để tổng hợp báo cáo Thủ tướng.