Thông tin nước ngập vào nội thành Hà Nội là không chính xác
Phóng viên Hoàng Quang Huy/VOV1 cho biết, các chuyên gia Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn khẳng định, mặc dù lũ trên sông Hồng ở Hà Nội đang tiếp tục lên cao nhưng người dân ở khu vực nội thành không nên quá hoang mang, lo lắng vì lũ sẽ chỉ khiến các khu vực ven đê của một số quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Long Biên bị ngập chứ không ngập trong nội thành.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, từ đêm qua đến sáng nay, lũ trên sông Hồng tiếp tục xu hướng tăng, lúc 10 giờ sáng nay, mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội đã lên 11,02m, thấp hơn báo động 3 là 0,48m. Với tình hình lũ tăng như vậy, trong những giờ tới, mực nước sông Hồng tại Hà Nội còn tăng nhưng lên chậm, trong khi mực nước ở thượng nguồn biến đối chậm. Với mực nước lũ sông Hồng ở Hà Nội như vậy thì vùng hạ du của các sông sẽ lên mức báo động 3.
Tìm thấy 25 thi thể, 70 người còn mất tích vụ lũ quét ở Làng Nủ
Theo báo cáo của chính quyền địa phương, đến 11h trưa nay, đã có 25 người chết, 70 người mất tích trong trận lũ quét kinh hoàng tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.
Như tin đã đưa, vụ lũ quét, sạt lở kinh hoàng tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, theo thông tin từ chính quyền địa phương, đến thời điểm hiện tại đã xác định có 37 hộ gia đình với tổng cộng 158 khẩu bị ảnh hưởng.
Bắt đầu từ hơn 13h, 100 chiến sỹ đã được phân công tìm kiếm các nạn nhân dọc suối Nủ từ sông Chảy vào; 200 chiến sỹ vào hỗ trợ tại thôn Làng Nủ. Ngoài ra lực lượng công an, quân đội, dân quân của huyện Bảo Yên và tỉnh Lào Cai khoảng 300 người cùng tham gia tìm kiếm, dẫn đường...
Hà Nội: Hạn chế phương tiện lưu thông trên đường 70
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa ra thông báo hạn chế các phương tiện lưu thông trên tuyến đường 70, đoạn qua UBND phường Phúc La và nút giao Phúc La – Cầu Bươu (quận Hà Đông) do ngập sâu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Sở Giao thông vận tải Hà Nội giao Phòng Quản lý vận tải thông báo cho các bến xe, các doanh nghiệp vận tải nắm bắt lộ trình để hướng dẫn phân luồng từ xa, điều chỉnh lộ trình tuyến cho phù hợp; Thanh tra sở phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội bố trí lực lượng hướng dẫn phân luồng, điều tiết giao thông trên tuyến đường 70.
Hoàn lưu bão số 3: 296 người chết, mất tích
Theo báo cáo của các địa phương, một số thiệt hại thống kê đến 13h30 ngày 11/9 như sau:
Về người: 296 người chết, mất tích (155 người chết, 141 người mất tích), cụ thể:
+ Lào Cai: 155 người (53 người chết, 102 người mất tích), gồm: Bảo Yên 109, Sa Pa 08, Bát Xát 13, Si Ma Cai 07, Bắc Hà 15, Văn Bàn 02.
+ Cao Bằng: 52 người tại huyện Nguyên Bình (29 người chết, 23 người mất tích).
+ Yên Bái: 44 người (40 người chết, 4 người mất tích), gồm: TP Yên Bái 21, Lục Yên: 14, Văn Yên 6, Văn Chấn 01, Trấn Yên 2.
+ Quảng Ninh: 13 người chết (do bão 12 người; lũ cuốn 1 người). + Hải Phòng: 2 người chết do bão.
+ Hải Dương: 1 người chết do bão.
+ Hà Nội: 1 người chết do bão.
+ Hòa Bình: 5 người chết do sạt lở đất.
+ Lạng Sơn: 3 người chết do lũ cuốn, sạt lở đất.
+ Bắc Giang: 2 người chết do lũ cuốn.
+ Tuyên Quang: 3 người do lũ (2 người chết, 1 người mất tích).
+ Hà Giang: 2 người (1 người chết; 1 người mất tích).
+ Lai Châu: 1 người chết do sạt lở đất.
+ Vĩnh Phúc: 2 người (1 chết, 1 người mất tích do lật thuyền).
+ Phú Thọ: 10 người (8 người mất tích tại sự cố sập cầu Phong Châu; 1 người mất tích do lũ; 1 người chết do sạt lở đất). Ghi chú: Tăng 4 người chết, mất tích (tại tỉnh Yên Bái) so với báo cáo lúc 11h ngày 11/9 (TP Yên Bái: 1, Lục Yên 1, Văn Yên 2)
Hưng Yên báo động 3 trên tuyến đê tả sông Hồng
Theo TTXVN, lúc 10 giờ ngày 11/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hưng Yên đã ban hành công điện hỏa tốc gửi các sở, ngành và các địa phương về việc phát lệnh báo động 3 trên tuyến đê tả sông Hồng.
Cụ thể, mực nước trên sông Hồng vào lúc 9 giờ, ngày 11/9, tại trạm thủy văn Hưng Yên là 7,02m (trên báo động 3: 2cm) và tiếp tục lên. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu huyện Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động, thành phố Hưng Yên và các sở, ngành thực hiện việc canh gác đê theo cấp báo động; tuần tra, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố đê điều ngay từ giờ đầu.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động và thành phố Hưng Yên tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc canh gác đê của địa phương; chuẩn bị sẵn sàng các loại vật tư, phương tiện, nhân lực theo phương án hộ đê, phòng, chống thiên tai của địa phương và của ngành theo phương châm "4 tại chỗ".
Cùng với đó, các địa phương triển khai các biện pháp phòng, tránh lũ; tăng cường kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt nhất là các khu vực dân cư ngoài bãi sông, phải có biện pháp chủ động để đảm bảo an toàn cho người và tài sản; thường xuyên rà soát, kiểm tra an toàn các tuyến đê bối và có biện pháp tránh vỡ bối đột ngột. Các địa phương chủ động, sẵn sàng và triển khai phương án sơ tán dân ngoài vùng bãi sông nhất là ở khu vực nguy hiểm, mất an toàn khi có ngập lụt xảy ra theo phương án của địa phương, không để xảy ra bị động, bất ngờ, chậm trễ dẫn đến thiệt hại về người và tài sản.
Hơn 600 người tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn tại thôn Làng Nủ
Phóng viên An Kiên/VOV Tây Bắc đưa tin: Trưa nay, 300 chiến sỹ của quân khu 2 đã có mặt tại xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Bắt đầu từ hơn 13h, 100 chiến sỹ đã được phân công tìm kiếm các nạn nhân dọc suối Nủ từ sông Chảy vào; 200 chiến sỹ vào hỗ trợ tại thôn Làng Nủ. Ngoài ra lực lượng công an, quân đội, dân quân của huyện Bảo Yên và tỉnh Lào Cai khoảng 300 người cùng tham gia tìm kiếm, dẫn đường...
Chỉ huy tại hiện trường, Trung tướng Phạm Hồng Chương, Tư lệnh quân khu 2 và Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong đã phân công cụ thể cho các lực lượng, đồng thời chỉ đạo công tác tìm kiếm phải khẩn trương nhưng đặt an toàn cho các lực lượng cứu hộ. Trước mắt nhanh chóng hỗ trợ kinh phí để lo an táng cho những người bị thiệt mạng. Huyện Bảo Yên cũng đã thành lập đầu mối tiếp nhận, phân bố các nguồn hỗ trợ, đồng thời chỉ đạo việc tiếp nhận ủng hộ.
3 kíp cấp cứu thuộc Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản Nhi và Bệnh viện đa khoa huyện Bảo Thắng hiện đang cùng bệnh viện địa phương túc trực, cấp cứu người bị thương. Tại thôn Làng Nủ, 1 kíp y, bác sĩ trực, sẵn sàng cấp cứu tại chỗ trước khi đưa các nạn nhân về Bệnh viện huyện điều trị.
Hải Dương phát lệnh báo động 3 trên sông Thái Bình
Theo PV Thanh Nga/VOV-Đông Bắc, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương, mực nước thực đo lúc 6h ngày 11/9 trên sông Thái Bình tại Phả Lại là 5,79m (dưới báo động III: 0,21m); tại Cát Khê 5,16 m (trên báo động III: 0,16m). Cảnh báo lũ trên các sông tỉnh Hải Dương của Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh Hải Dương lúc 6 giờ ngày 11/9, trong 12-24 giờ tới mực nước các sông tiếp tục lên nhanh, trên sông Thái Bình tại Phả Lại, Cát Khê đạt mức báo động III và tiếp tục lên.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, thị xã, các cấp, ngành triển khai lực lượng, thực hiện nghiêm ngặt tuần tra canh gác đê điều và thường trực, trực ban chống lụt theo cấp báo động, phát hiện và xử lý kịp thời mọi diễn biến hư hỏng của đê, kè, cống ngay từ giờ đầu. UBND các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh thực hiện ngay việc cảnh báo đến các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng, tránh; xác định các khu vực cụ thể có các hộ dân sinh sống ngoài bãi sông không bảo đảm an toàn (kể cả trong các đê bối) để triển khai ngay phương án di dời người và tài sản, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Lũ sông Hồng lên cao, nước tràn bờ đê sông Trung Thủy Nông (Gia Lâm, Hà Nội)
Phóng viên Văn Hải/VOV1 đang có mặt tại xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội thông tin, sáng nay, lũ sông Hồng tại Hà Nội đạt gần 11 m, trên mức báo động số 2 khiến nhiều khu dân cư vùng thấp trũng ngập trong nước. Tại những khu vực xung yếu, nước đã tràn bờ đê sông nội đồng.
Lũ sông Hồng dâng cao, khiến nước tràn bờ đê sông Trung Thủy Nông thuộc xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Nước bắt đầu tràn đê lúc hơn 8h, lực lượng chức năng đã kịp thời có mặt để xử lý. Ngay sau đó, Đài Truyền thanh xã Văn Đức kêu gọi người dân tăng cường lực lượng để be bờ chắn nước tràn.
Dưới trời mưa như trút nước, hàng trăm chiến sĩ, công an, bộ đội, cán bộ và người dân xã Văn Đức, Gia Lâm, Hà Nội cùng xã lân cận là Xuân Quan, thị trấn Văn Giang, huyện Văn Giang, Hưng Yên đã triển khai phương án dùng bao cát ngăn không cho nước tràn đê
Phóng viên Hà Khánh/VOV-TP.HCM cho hay, sáng nay, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP.HCM tổ chức phát động quyên góp hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3.
Tại buổi quyên góp, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Nguyễn Phước Lộc khẳng định, TP với truyền thống đoàn kết, nghĩa tình, luôn thể hiện tình dân tộc, nghĩa đồng bào, luôn thể hiện tình cảm “thương người như thể thương thân”, sẵn sàng giúp đỡ đồng bào trong mọi hoàn cảnh khó khăn.
Phóng viên Kim Thanh/VOV1 đưa tin, sáng nay (11/9), Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã đến thị sát tình hình hồ thủy điện Thác Bà (tỉnh Yên Bái) và kiểm tra công tác vận hành công trình này. Thời điểm kiểm tra, trời đã bớt mưa; hồ thủy điện đang vận hành ổn định, lưu lượng nước về hồ ở mức hơn 3.100 m3/giây.
Trao đổi với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo tỉnh Yên Bái, Giám đốc Thủy điện Thác Bà, Phó Thủ tướng Lê Thành Long yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt lưu ý, trong mọi tình huống thì ưu tiên cao nhất luôn là sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, đến thời điểm này, hồ thủy điện Thác Bà bảo đảm an toàn. Sẽ mất khoảng 1-2 ngày nữa thì hồ sẽ về mực nước cho phép và bà con nhân dân trong khu vực vẫn phải ở nơi tránh trú để đề phòng trường hợp bất trắc có thể xảy ra.
Nhiều trường ở Hà Nội tạm dừng học trực tiếp
Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, tính đến 9 giờ hôm nay (11/9), toàn thành phố có 126 trường tạm dừng đón học sinh học tập trực tiếp tại trường do ảnh hưởng của mưa lớn. Như vậy, so với ngày hôm qua, số trường nghỉ học tăng gần 10 đơn vị. Nếu thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, trời còn mưa lớn thì dự báo số lượng trường phải tạm dừng học trực tiếp sẽ còn nhiều hơn.
Căn cứ tình hình thực tế tại địa bàn và diễn biến của thời tiết, nhiều Phòng Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường đã chủ động triển khai các hình thức dạy học ứng phó nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh, hỗ trợ cho gia đình học sinh.
Người dân Hà Nội gấp rút gói hàng nghìn bánh chưng gửi người dân vùng lũ
Phóng viên Kim Thanh/VOV1 đưa tin, nhằm chia sẻ với người dân những tỉnh đang chịu thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, những ngày vừa qua, bà con phật tử chùa Đình Quán, Cầu Diễn, Hà Nội khẩn trương gói hàng nghìn chiếc bánh chưng để kịp gửi đi cứu trợ vùng lũ lụt các tỉnh miền Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Tuyên Quang.
Sáng nay (11/9), Đoàn thiện nguyện do sư thầy trụ trì chùa Đình Quán đã khởi hành, mang theo 1.600 bánh chưng, 600 bánh tẻ, 1600 chai nước, 2000 hộp sữa, 400 bánh mì ruốc, quần áo ấm, pin sạc dự phòng, Đèn bão, đèn pin, thuốc tiêu chảy, men tiêu hóa ... tới vùng lũ lụt tỉnh Thái Nguyên.
Hiện Nhà chùa đang tiếp tục gói bánh chưng để ngày mai (12/9), Đoàn sẽ khởi hành đi Yên Bái, ngày 13/9 đi Lào Cai cứu trợ đồng bào vùng lũ. Đặc biệt, chùa Đình Quán sẽ cung cấp mỗi ngày 500 chiếc bánh cho dân tránh lũ từ ngoài bãi sông Hồng.
Nhóm phóng viên An Kiên-Thanh Thủy/VOV-Tây Bắc đưa tin, suốt đêm qua đến nay, các lực lượng của tỉnh Lào Cai và huyện Bảo Yên đã khẩn trương cứu hộ, cứu nạn, nỗ lực từng giờ thông đường, mở các tuyến cứu hộ từ thành phố Lào Cai tới hiện trường sạt lở, tạo điều kiện thuận lợi cho tiếp cận chi viện. Ngay sáng sớm nay, lãnh đạo tỉnh cùng các cơ quan chức năng; lực lượng công an, quân đội đã có mặt tại thôn Làng Nủ để chỉ đạo, tham gia khắc phục. Công tác cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm người mất tích tại đây đang gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp, với khoảng hơn 1 triệu m3 đất bùn và trời vẫn mưa, nguy cơ sạt lở vẫn còn.
Theo số liệu mới nhất của Văn phòng UBND tỉnh Lào Cai, tính đến 9h sáng nay (11/9), toàn thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên có 167 hộ, với 760 khẩu. Tại khu vực sạt lở có 37 hộ, 158 khẩu; trong đó có 4 khẩu nơi khác đến. Hiện có 22 người tử vong, 17 người bị thương, 73 người chưa tìm thấy, 46 người an toàn.
Sáng nay, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong và Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường cùng các Sở, ngành chức của tỉnh đã có mặt tại thôn Làng Nủ trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Sư đoàn 316, Quân khu 2 và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã cử 200 người; 80 chiến sỹ công an cơ động của Bộ Tư lệnh cơ động tại Lào Cai cùng hàng trăm người của huyện Bảo Yên và xã Phúc Khánh phối hơp tham gia công tác tìm kiếm, cứu nạn.
Tiếp cận hiện trường, phát hiện thêm nhiều thi thể tại Nguyên Bình, Cao Bằng
Nhóm phóng viên Công Luận-La Ngà-Thảo Vân/VOV Đông Bắc cho biết, ngày 10/9, các lực lượng cứu hộ đã tiếp cận được tất cả 3 điểm sạt lở nghiêm trọng khiến nhiều người chết, mất tích tại Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng và phát hiện thêm nhiều thi thể.
Theo thông tin từ UBND huyện Nguyên Bình đến cuối chiều 10/9, tại điểm Lũng Súng, xã Yên Lạc, các lực lượng cứu hộ đã tìm thấy toàn bộ 11 thi thể nạn nhân mất tích và ngoài ra 10 người khác bị thương cũng đã được chăm sóc y tế.
Tại xóm Lũng Lỳ, xã Ca Thành tìm thấy thêm 2 thi thể, nâng tổng số người chết tại đây lên 4 người và hiện còn 5 người mất tích.
Còn tại điểm xảy ra sự cố Km180+680 QL34 tại xóm Khuổi Ngọa, xã Ca Thành đã phát hiện có 12 người tử vong, 2 người bị thương và hiện còn khoảng 18 người mất tích.
Ngoài ra, nạn nhân đuối nước tại xã Vũ Minh cũng đã được tìm thấy.
Như vậy, đến cuối chiều 10/9, tại Nguyên Bình xác định có 29 người chết, 15 người bị thương và còn khoảng 23 người mất tích.
Ngày 10/9, tại Nguyên Bình tiếp tục có mưa to, khối lượng đất đá sạt trượt lớn, nước chảy siết nên việc tìm kiếm cứu nạn gặp nhiều khó khăn. Tại các các điểm Lũng Lỳ (xã Ca Thành), Lũng Súng (xã Yên Lạc) các phương tiện, thiết bị kỹ thuật lớn không thể tiếp cận do đường bị sạt lở nghiêm trọng
Cảnh báo lũ đặc biệt lớn trên sông Thao, lũ trên sông Hồng
Theo bản tin lũ trên các sông Bắc Bộ mới nhất của Trung tâm Dự báo KTTVQG, lũ trên sông Hồng tại Hà Nội đang lên có khả năng đạt đỉnh vào trưa nay ở mức trên báo động 2.
Lũ trên sông Thao tại Yên Bái đang xuống nhưng vẫn ở trên mức nước lũ lịch sử năm 1968 (34,42m); tại Phú Thọ đang biến đổi chậm.
Lũ trên sông Lô (Tuyên Quang, Phú Thọ), sông Cầu (Bắc Ninh), sông Thương (Bắc Giang), sông Thái Bình (Hải Dương), sông Hồng (Hà Nội), sông Hoàng Long (Ninh Bình) đang lên; sông Lục Nam (Bắc Giang) đang xuống.
Mực nước lúc 7h/11/9, trên các sông như sau:
Trên sông Thao tại Yên Bái 34,51m, trên BĐ3 2,51m, trên mức lũ lịch sử năm 1968 (34,42m) 0,09m.
Tại Phú Thọ 18,33m, trên BĐ2 0,13m
Trên sông Cầu tại Đáp Cầu 7,20m, trên BĐ3 0,90m.
Trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương 7,09m, trên BĐ3 0,79m.
Trên sông Lục Nam tại Lục Nam 6,04m, dưới BĐ3 0,26m.
Trên sông Lô tại Tuyên Quang 27,72m, trên BĐ3 1,72m, tại Vụ Quang 21,01m, trên BĐ3 0,51m.
Trên sông Hoàng Long tại Bến Đế 4,47m, trên mức BĐ3 0,47m.
Trên sông Thái Bình tại Phả Lại 5,83m, dưới mức BĐ3 0,17m; - Trên sông Hồng tại Hà Nội 10,86m, trên BĐ2 0,36m
Dự báo trong 12 giờ tới: Lũ trên sông Thao tại Yên Bái tiếp tục xuống nhưng vẫn trên mức BĐ3; tại Phú Thọ sẽ xuống dưới mức BĐ2.
Lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang và Vụ Quang sẽ xuống mức BĐ3.
Lũ trên sông Cầu tiếp tục lên và ở trên mức BĐ3 - Lũ trên sông Thương sẽ biến đổi chậm ở trên mức BĐ3 - Lũ trên sông Lục Nam xuống chậm nhưng vẫn ở trên mức BĐ2 - Lũ trên sông Thái Bình tiếp tục lên mức BĐ3 - Lũ trên sông Hoàng Long sẽ biến đổi chậm trên mức BĐ3.
Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội có khả năng đạt đỉnh vào trưa nay, trên mức BĐ2 và dưới BĐ3.
Hoàn lưu bão số 3: 200 người chết và mất tích
Cụ thể:
- Cao Bằng: 52 người tại huyện Nguyên Bình (29 người chết, 23 người mất tích).
- Lào Cai: 66 người (45 người chết, 21 người mất tích). Trong đó, Sa Pa 9 người, Bát Xát 13 người, Si Ma Cai 7 người, Bắc Hà 15 người, Văn Bàn 2 người, Bảo Yên 20. Hiện còn nhiều người mất tích do lũ quét, sạt lở đất tại xã Phúc Khánh huyện Bảo Yên.
Mưa lớn tại Sa Pa (Lào Cai) trong những ngày qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của nhân dân
- Yên Bái: 40 người do sạt lở đất (37 người chết, 3 người mất tích). Trong đó, Lục Yên: 13 người, TP Yên Bái 20 người, Văn Chấn 1 người, Văn Yên 4 người, Trấn Yên 2 người.
- Quảng Ninh: 13 người chết (do bão 12 người; lũ cuốn 1 người).
- Hải Phòng: 2 người chết do bão.
- Hải Dương: 1 người chết do bão.
- Hà Nội: 1 người chết do bão.
- Hòa Bình: 5 người chết do sạt lở đất.
- Lạng Sơn: 3 người chết do lũ cuốn, sạt lở đất.
- Bắc Giang: 1 người chết do lũ cuốn.
- Tuyên Quang: 2 người mất tích do lũ cuốn.
- Hà Giang: 2 người chết và mất tích.
- Lai Châu: 1 người chết do sạt lở đất.
- Phú Thọ: 9 người (8 người mất tích tại sự cố sập cầu Phong Châu; 1 người chết do sạt lở đất.
- Vĩnh Phúc: 2 người (1 chết, 1 người mất tích do lật thuyền).
Đóng 1 cửa xả đáy còn lại hồ thủy điện Hòa Bình
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có Công điện lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình đóng 1 cửa xả đáy còn lại của hồ thủy điện Hòa Bình vào lúc 9 giờ sáng nay.
Hồi 7 giờ sáng nay(11/9), mực nước thượng lưu hồ Hòa Bình ở cao trình 111,65 mét, lưu lượng đến hồ 1.947 mét khối/giây, lưu lượng xả 3 nghìn 910 mét khối/giây.
Thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình đóng 1 cửa xả đáy còn lại hồ thủy điện Hòa Bình vào hồi 9 giờ sáng nay. Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, an toàn công trình, lưu lượng đến hồ, mực nước thượng, hạ lưu hồ chứa kịp thời báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai) và các cơ quan liên quan theo quy định.
Thông tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn cho biết, mực nước thực đo vào lúc 8h ngày 11/9 trên nhiều sông ở Tây Bắc đang giảm.
Lập sở chỉ huy tiền phương tại thôn Làng Nủ để tìm kiếm nạn nhân
Đêm qua (10/9), ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Bảo Yên về tình hình khắc phục hậu quả thiên tai, công tác tìm kiếm, cứu nạn tại khu vực xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh.
Đêm qua (10/9), ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Bảo Yên về tình hình khắc phục hậu quả thiên tai, công tác tìm kiếm, cứu nạn tại khu vực xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh.
Sau khi nghe lãnh đạo huyện Bảo Yên báo cáo nhanh tình hình thiệt hại và công tác tìm kiếm, cứu nạn, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo địa phương thành lập Sở Chỉ huy tiền phương tại khu vực xảy ra lũ quét để chỉ đạo kịp thời công tác khắc phục hậu quả, tìm kiếm, cứu nạn.
Đồng thời lưu ý, sẽ có ngay các lực lượng quân đội, công an, lực lượng cứu hộ, cứu nạn chuyên nghiệp vào hỗ trợ công tác tìm kiếm, cứu nạn, vì vậy các lực lượng cần làm tốt công tác phối hợp hiệp đồng, tính toán phương án phân bổ nhân lực, bố trí lực lượng phù hợp.
Ông Trịnh Xuân Trường cũng yêu cầu huyện xác định, làm rõ địa hình, thủy văn khu vực xảy ra lũ quét, sạt lở đất, thống kê chi tiết thiệt hại để công tác tìm kiếm, cứu nạn được hiệu quả. Cùng với đó, phải chú ý đảm bảo an toàn cho các lực lượng. Huyện cần khẩn trương chỉ đạo các đơn vị triển khai phương tiện, nhân lực khắc phục chia cắt giao thông, đảm bảo thông tin liên lạc để công tác cứu hộ, cứu nạn được thuận lợi.
Đóng tiếp 1 cửa xả đáy hồ thủy điện Tuyên Quang
6 giờ sáng nay (11/9), mực nước thượng lưu hồ Tuyên Quang ở cao trình 117,95 mét, lưu lượng đến hồ 3.280 mét khối/giây, lưu lượng xả 4.346 mét khối/giây.
Thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Tuyên Quang đóng tiếp 1 cửa xả đáy hồ thủy điện Tuyên Quang vào hồi 8 giờ sáng nay (11/9). Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, an toàn công trình, lưu lượng đến hồ, mực nước thượng, hạ lưu hồ chứa kịp thời báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai) và các cơ quan liên quan theo quy định.
Để giảm áp lực lũ cho hạ du, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có Công văn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội chủ động các giải pháp an toàn các công trình và hoạt động ven sông khi hồ thủy điện Tuyên Quang đóng tiếp 1 cửa xả đáy vào lúc 8 giờ sáng nay.
Vụ lũ quét, sạt lở kinh hoàng tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, theo thông tin từ chính quyền địa phương, đến thời điểm hiện tại đã xác định có 37 hộ gia đình với tổng cộng 158 khẩu bị ảnh hưởng.
Có 18 nạn nhân đã tìm thấy thi thể. 17 người đã được đưa về điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Bảo Yên, phần lớn đều trong trạng thái đa chấn thương. Do tình trạng diễn biến nặng nên ngay trong đêm đã có 5 trường hợp phải chuyển xuống điều trị tại Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội. 48 người đã xác nhận an toàn, hiện vẫn còn 77 người đang mất tích.
Từ chiều và đêm qua, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lào Cai và 3 kíp cấp cứu thuộc Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản Nhi và Bệnh viện đa khoa huyện Bảo Thắng đã tới Bảo Yên để hỗ trợ cứu nạn.
Còn Bệnh viện đa khoa huyện Bảo Yên đã cử 1 kíp y, bác sĩ tiếp cận hiện trường sạt lở để cấp cứu tại chỗ trước khi đưa các nạn nhân về trung tâm huyện điều trị.
Sáng 11/9, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia phát tin lũ đặc biệt lớn trên sông Thao; tin lũ khẩn cấp trên sông Lô, sông Cầu, sông Thương, sông Hoàng Long; tin lũ trên sông Thái Bình, sông Lục Nam và sông Hồng.
Lũ trên sông Thao tại Yên Bái đang xuống nhưng vẫn ở trên mức nước lũ lịch sử năm 1968 (34,42m); tại Phú Thọ đang biến đổi chậm. Lũ trên sông Lô (Tuyên Quang, Phú Thọ), sông Cầu (Bắc Ninh), sông Thương (Bắc Giang), sông Thái Bình (Hải Dương), sông Hồng (Hà Nội), sông Hoàng Long (Ninh Bình) đang lên; sông Lục Nam (Bắc Giang) đang xuống.
Mực nước lúc 5h ngày 11/9, trên các sông như sau:
- Trên sông Thao tại Yên Bái 34,79m, trên BĐ3 2,79m, trên mức lũ lịch sử năm 1968 (34,42m) 0,37m; tại Phú Thọ 18,27m, trên BĐ2 0,07m; - Trên sông Cầu tại Đáp Cầu 7,14m, trên BĐ3 0,84m; - Trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương 7,05m, trên BĐ3 0,75m; - Trên sông Lô tại Tuyên Quang 27,73m, trên BĐ3 1,73m; tại Vụ Quang 20,89m, trên BĐ3 0,39m.
- Trên sông Hoàng Long tại Bến Đế 4,46m, trên mức BĐ3 0,46m; - Trên sông Thái Bình tại Phả Lại 5,77m, dưới mức BĐ3 0,23m; - Trên sông Hồng tại Hà Nội 10,76m, trên BĐ2 0,26m. 2. Dự báo: Trong 12 giờ tới: - Lũ trên sông Thao tại Yên Bái tiếp tục xuống nhưng vẫn trên mức BĐ3; tại Phú Thọ biến đổi chậm ở mức BĐ2.
- Lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang có khả năng đạt đỉnh 27,80m, trên BĐ3 1,80m vào sáng sớm nay (11/9) sau đó xuống chậm; tại Vụ Quang tiếp tục lên và đạt đỉnh ở mức 21,00m, trên mức BĐ3 0,50m vào trưa nay (11/9) sau đó xuống; - Lũ trên sông Cầu tiếp tục lên và ở trên mức BĐ3
- Lũ trên sông Thương sẽ biến đổi chậm ở trên mức BĐ3
- Lũ trên sông Lục Nam xuống chậm nhưng vẫn ở trên mức BĐ2 - Lũ trên sông Thái Bình tiếp tục lên mức BĐ3
- Lũ trên sông Hoàng Long sẽ biến đổi chậm trên mức BĐ3
- Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội có khả năng đạt đỉnh vào trưa ngày 11/9 và trên mức BĐ2