Cao tốc Cam Lộ-La Sơn vừa thông xe đã mãn tải, QL1 vẫn “hấp thụ” được ô tô?

Phi Long/VOV.VN | 02/04/2024, 23:04

Theo Cục Đường bộ Việt Nam, do cao tốc Cam Lộ-La Sơn chưa thu phí dẫn đến nhiều loại xe đi vào dẫn đến quá tải, nên cần phải “san sẻ” bớt lượng xe ô tô sang Quốc lộ 1.

Cao tốc Cam Lộ-La Sơn mãn tải

Cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản gửi Ban ATGT, Phỏng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế tiếp thu, giải trình về phương án phân luồng giao thông Dự án cao tốc Cam Lộ-La Sơn.

Theo báo cáo của Cục Đường bộ Việt Nam, Dự án cao tốc Cam Lộ-La Sơn được triển khai từ tháng 9/2019 và cơ bản hoàn thành đưa vào khai thác từ ngày 31/12/2022, dự án được đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả khi thu hút một lượng lớn phương tiện tham gia giao thông, góp phần chia sẻ một phần lưu lượng xe trên Quốc lộ 1.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Ảnh, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam thừa nhận việc chưa đưa vào thu phí dẫn đến thu hút nhiều loại phương tiện tham gia giao thông trên tuyến cao tốc Cam Lộ-La Sơn (tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư), đặc biệt là các xe tải trọng lớn, xe container, nên đã làm mất cân bằng về lưu lượng phương tiện tham gia giao thông và khả năng thông hành của cả 2 tuyến đường.

“Đối chiếu số liệu đếm xe của Tư vấn thiết kế (do Ban QLDA đường Hồ Chí Minh lựa chọn) và số liệu thu thập tại các trạm thu phí trên Quốc lộ 1 cho thấy với năng lực thông hành của tuyến cao tốc là 9.200-11.000 xe tiêu chuẩn (PCU)/ngày đêm và tuyến Quốc lộ 1 là 31.000-33.000 PCU thì tuyến cao tốc Cam Lộ-La Sơn đã mãn tải, còn trên Quốc lộ 1 vẫn chưa mãn tải, có thể cho phép phân luồng một số xe sang tuyến Quốc lộ 1,” ông Ảnh đánh giá.

Qua theo dõi trong thời gian đưa vào khai thác tạm đến nay (15 tháng), với đặc thù quy mô mặt cắt ngang còn hạn chế (2 làn xe), điều kiện địa hình đi qua các vùng đồi núi, về đêm hay có hiện tượng sương mù dẫn đến mặt đường ẩm ướt, trơn trượt, tầm nhìn hạn chế, các xe tải nặng khi đi trên các đoạn đèo dốc thường không đạt được tốc độ tối thiểu theo quy định (thực tế tốc độ chỉ đạt 35-40km/h so với yêu cầu 60km/h).

Mặt khác, tuyến có quy mô 2 làn xe, khoảng 8-10km mới bố trí một điểm tránh vượt xe, việc các xe tải nặng leo dốc với tốc độ chậm dẫn đến các xe phía sau phải xếp hàng nối đuôi đã tạo tâm lý ức chế đối với người tham gia giao thông trên tuyến, dễ xảy ra việc vượt xe tự phát tại những vị trí cấm vượt, tăng nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông và giảm năng lực thông hành của tuyến.

Ngoài ra, do điều kiện địa hình tuyến khó khăn, các xe tải nặng dễ bị hư hỏng khi tham gia giao thông trên tuyến, kết hợp mặt cắt ngang đường hẹp, khi xe bị hư hỏng hoặc sự cố các xe này thường dừng, đỗ chiếm một phần làn xe chạy dẫn đến nguy cơ tai nạn cho các xe cùng chiều khi lái xe thiếu tập trung quan sát hoặc khi điều kiện thời tiết bất lợi, tầm nhìn bị hạn chế (theo số liệu thống kê, phần lớn các vụ tai nạn trong thời gian qua đều trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến các xe tải nặng).

Đối với nhóm các xe khách trên 30 chỗ, xe khách giường nằm, trong điều kiện địa hình khó khăn, trên tuyến có nhiều vực sâu, nếu xảy ra tai nạn đối với nhóm đối tượng này sẽ có nguy cơ thương vong rất lớn.

“Trong thực tế thời gian khai thác tạm vừa qua, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã từng kiến nghị và được Ban ATGT tỉnh Thừa Thiên-Huế ủng hộ việc phân luồng đối với các xe tải nặng trên 10 tấn (số lượng phương tiện phân luồng nhiều hơn so với phương án lần này) không lưu thông trên tuyến cao tốc trong thời gian 4 tháng để thi công điểm sụt trượt Km69+800 và thực tế số vụ tai nạn trên Quốc lộ 1 trong thời gian này không tăng đột biến so với những tháng trước đó”, lãnh đạo Cục đường bộ cho biết.

Quốc lộ 1 vẫn “hấp thụ” được khoảng 3.000 xe/ngày

Theo ông Ảnh, qua các hội nghị, ý kiến về phân luồng điều tiết giao thông trên tuyến cao tốc Cam Lộ-La Sơn, các đơn vị chức năng thống nhất sẽ phân luồng khoảng 3.000 PCU sang các tuyến khác, không đi vào tuyến Cam Lộ-La Sơn (tương đương xe khách trên 30 chỗ, xe khách giường nằm, xe kéo rơ-moóc, xe sơ mi rơ-moóc) đang lưu thông trên tuyến này.

“Việc phân luồng xe khách lớn còn phù hợp với hạn chế về quy mô giai đoạn phân kỳ đầu tư, chưa được đầu tư xây dựng các trạm dừng nghỉ, cửa hàng xăng dầu, nhiều đoạn tuyến chưa được phủ sóng viễn thông…nên khi xảy ra tai nạn giao thông hoặc xe bị hư hỏng, người tham gia giao thông không kịp thời liên lạc được với lực lượng chức năng và cứu hộ, cứu nạn để đề nghị được trợ giúp kịp thời”, lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam nói thêm.

Hiện nay, Bộ GTVT đang chỉ đạo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh thực hiện các thủ tục đầu tư mở rộng tuyến cao tốc Cam Lộ-La Sơn lên 4 làn xe hoàn chỉnh. Nếu được Quốc hội thông qua và cho phép áp dụng cơ chế đặc thù, dự kiến dự án sẽ cơ bản thi công hoàn thành vào cuối năm 2025, khi đó sẽ đảm bảo khai thác một cách an toàn cho tất cả các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đồng thời giảm tải rất nhiều cho Quốc lộ 1.

Khi tổ chức phân luồng giao thông theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, công bố, Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Ban ATGT, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương tích cực phối hợp tạo điều kiện để Ban QLDA đường Hồ Chí Minh triển khai cắm biển chỉ dẫn, phân luồng từ xa trên các tuyến đường địa phương;

Tăng cường tuần tra, kiểm tra xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trên các tuyến; phối hợp kiểm tra, rà soát hiện trường, phát hiện kịp thời các bất cập về kết cấu hạ tầng, tổ chức giao thông, điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông để đề xuất, kiến nghị giải pháp xử lý, khắc phục nhằm nâng cao an toàn giao thông.

Ngày 1/4, Cục Đường bộ có văn bản thông báo về việc quyết định điều tiết, phân luồng giao thông tại dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn.

Cụ thể, theo phương án điều tiết, phân luồng giao thông mới được phê duyệt, Cục Đường bộ bổ sung các loại xe khách trên 30 chỗ, xe khách giường nằm và xe từ 6 trục trở lên (gồm cả xe thân liền và tổ hợp xe đầu kéo) vào danh sách các loại xe bị cấm di chuyển trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Phương án mới sẽ được áp dụng từ 6h ngày 4/4.

Bài liên quan
Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông
Chiều 29/4, tiếp tục chương trình công tác, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương nơi có dự án đi qua đã đi kiểm tra các dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông  giai đoạn 2021 - 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông
Chiều 29/4, tiếp tục chương trình công tác, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương nơi có dự án đi qua đã đi kiểm tra các dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông  giai đoạn 2021 - 2025.
  • Những điểm lý tưởng ngắm pháo hoa tối 30/4 ở TP.HCM
    Công viên bờ sông Sài Gòn, Bến Bạch Đằng, các quán cà phê ở tòa nhà cao nhất Việt Nam là địa điểm lý tưởng “bắt trọn” khoảnh khắc pháo hoa rực sáng tối 30/4.
  • Lượng khách đi máy bay qua Nội Bài và Tân Sơn Nhất bất ngờ giảm mạnh
    Thống kê của ngành hàng không cho thấy, sau 2 ngày đầu của kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, lượng hành khách đi, đến Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã giảm tương đối nhiều, nhất là lượng khách đi các tuyến nội địa.
  • Thiêng liêng hành trình ra Trường Sa ngày Giải phóng
    Chào mừng 49 năm ngày Giải phóng hoàn toàn Trường Sa (29/4/1975 – 29/4/2024), sáng nay, đoàn công tác số 14 trên tàu Kiểm Ngư 491/CĐKN 4 - Vùng 4 Hải Quân do Đại tá Cao Văn Sơn, Phó Chủ nhiệm Hậu cần Quân chủng Hải Quân làm trưởng đoàn đã khởi hành đi thăm động viên quân và dân huyện đảo Trường Sa, nhà giàn DK-1.
Mới nhất