Cần cơ chế mới cho TP.HCM xử lý quỹ đất nhà ở xã hội trong dự án thương mại

Duy Phương/VOV-TP.HCM | 05/06/2023, 08:59

Nhà ở xã hội là loại hình được người dân tại TP.HCM đặc biệt quan tâm, vì đây là đô thị có tốc độ tăng dân số cơ học nhanh. Tuy vậy, quy định về việc dành 20% quỹ đất dự án nhà ở thương mại để làm nhà ở xã hội tại đây chưa được thực hiện hiệu quả. Với đô thị có tính chất đặc thù như TP.HCM, rất cần cơ chế để tạo sự đột phá về lĩnh vực nhà ở xã hội.

Doanh nghiệp khó thực hiện

Qua rà soát, Sở Xây dựng TP.HCM thống kê có 33 dự án nhà ở thương mại thuộc diện dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. Trong đó có 14 dự án đã có đất sạch. Còn lại 19 dự án, chủ đầu tư chưa thực hiện xong việc bồi thường giải phóng mặt bằng.

Năm 2022, TP.HCM có một loạt dự án nhà ở xã hội thuộc diện dành 20% quỹ đất dự án nhà ở thương mại được động thổ, khởi công nhưng đến nay vẫn để không. Một trong số đó là dự án nhà ở xã hội MR1 thuộc dự án Khu dân cư Tân Thuận Tây (Quận 7).

Chủ đầu tư dự án này là Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Xuân Mai Sài Gòn đã xây xong và đưa vào sử dụng 4 block nhà ở thương mại. Hiện, phần diện tích đất cho nhà ở xã hội đang được sử dụng làm bãi giữ xe.

Ông Bùi Khắc Sơn - Chủ tịch HĐQT Công ty Xuân Mai cho biết, doanh nghiệp không mặn mà vì quy định dành 20% quỹ đất thương mại để xây nhà ở xã hội còn mang tính hình thức, khó thực hiện: “Điều này cũng phải sửa lại. Một khu đô thị để dành ra một quỹ nhà ở xã hội thì rất khó thực hiện. Rất khó để quy hoạch và đưa ra giá bán”.

Đề xuất cho TP.HCM tự quyết

Rõ ràng, với quy định khung cứng nhắc về nhà ở xã hội dùng cho cả nước mà đem áp dụng ở TP.HCM thì sẽ có sự khập khiễng. Bởi vậy, đối với việc quản lý đô thị, Khoản 3, Điều 6 dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 đang được trình Quốc hội, có quy định chính sách thí điểm giao TP.HCM tự quyết định linh hoạt trong việc bố trí quỹ đất nhà ở xã hội cho phù hợp thực tiễn.

Nếu được đồng ý thông qua, điều này có thể xem là việc “cởi trói” nút thắt về chính sách để TP.HCM dễ dàng hơn trong kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội.
Về mặt chính sách, ông Mai Thanh Tùng - Phó phòng Phát triển nhà, Sở Xây dựng TP cho biết, văn bản kiến nghị của TP.HCM gửi Quốc hội về điều chỉnh Nghị quyết 54 sẽ có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi nhất.

“UBND TP kiến nghị Quốc hội cho phép TP được chủ động quyết định việc thực hiện nghĩa vụ 20% quỹ đất. Có thể doanh nghiệp thực hiện bằng tiền hoặc đổi vị trí đất khác tương đương để tạo được khu nhà ở xã hội sạch sẽ”, ông Mai Thanh Tùng nói.

Đánh giá về đề xuất cơ chế cho TP.HCM tự quyết với việc bố trí quỹ đất nhà ở xã hội như dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, các chuyên gia thống nhất rằng, trên thực tiễn, những dự án nằm “lẫn” với nhà ở thương mại sẽ gây khó khăn cho người thu nhập thấp khi phải trả các loại phí dịch vụ cao cấp.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, nên thay đổi quy định dành 20% quỹ đất của dự án nhà ở thương mại trên 2 ha. Cụ thể, không cần phân biệt quy mô, diện tích dự án mà chỉ quy lại thực hiện bằng hai hình thức: “Thứ nhất, có thể xây tại dự án nếu chủ đầu tư thấy phù hợp. Thứ hai là hoán đổi bằng quỹ nhà có giá trị tương đương, có thể quy định thành công thức cố định”.

Để lĩnh vực nhà ở xã hội có sự khởi sắc, TP.HCM rất cần thêm cơ chế mới, đặc thù để giải quyết những vấn đề đang không phù hợp với thực tiễn tại thành phố./.

Bài liên quan
Căn hộ chung cư ngày càng đắt đỏ, nhà ở xã hội hóa ‘vàng ròng’
Thời gian gần đây, giá căn hộ chung cư ở Hà Nội tăng phi mã, vì thế những dự án nhà ở xã hội vừa túi tiền trở thành hàng "nóng" được nhiều người săn mua.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng: Vùng Đồng bằng sông Hồng phải tăng trưởng 2 con số
"Phải có giải pháp để tăng trưởng 2 con số, bởi nếu vùng Đồng bằng sông Hồng không tăng trưởng 2 con số thì vùng nào tăng trưởng được!", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
  • TP.HCM xếp thứ hai thế giới về ô nhiễm không khí
    Sáng sớm 14/1, TP.HCM tiếp tục xuất hiện sương mù dày đặc, chỉ số chất lượng không khí ở mức rất xấu, có lúc ở vị trí thứ 2 thế giới.
  • Chế độ nghỉ hưu trước tuổi từ 1/1/2025
    Điều 2 Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025 quy định cụ thể chế độ nghỉ hưu trước tuổi đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng như sau.
  • Thông tư mới về dạy thêm học thêm: "Quản chứ không cấm"
    Ngày 30/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Thông tư có hiệu lực từ 14/02/2025, với rất nhiều điểm mới so với quy định hiện hành tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.
Mới nhất