Cải cách hành chính tại TP.HCM: Kết quả từ những con số

Hà Khánh/VOV-TP.HCM | 21/03/2024, 15:28

Năm 2023 TP.HCM đã hoàn thành 88/88 nhiệm vụ về cải cách hành chính (CCHC), tỷ lệ 100%. Kết quả này là minh chứng cho nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong thời gian qua. Tuy nhiên, TP.HCM không tự mãn mà đã nhanh chóng bắt tay ngay vào thực hiện các nhiệm vụ CCHC trong năm 2024 với những mục tiêu cao hơn bởi, nếu đứng im sẽ bị tụt lại.

Nhiều mô hình hay

Thời gian qua, Quận 1 đã mở rộng mô hình “Tiếp nhận thủ tục hành chính không giấy” gắn với ký kết hợp tác dịch vụ đảm bảo với Bưu chính công ích và tích hợp thanh toán trực tuyến thông qua trung gian đối với thủ tục hành chính toàn trình; tiếp nhận thủ tục hành chính “Không giấy” trên địa bàn Quận 1. Nhờ đó, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến các năm từ 2019 đến 2023 đều đạt trên 92%. Thời gian hoàn thành đăng ký giảm từ 5 phút xuống còn 1-2 phút.

Các thông tin trên CMND/CCCD của người dân được hệ thống bóc, tách và điền sẵn, giúp giảm tỷ lệ từ chối do sai thông tin. Tỷ lệ từ chối tiếp nhận do sai sót năm giảm từ 29% vào năm 2019 xuống còn 13% vào năm 2023.

Quận cũng triển khai giải pháp cấp giấy phép điện tử đối với thủ tục cấp phép tạm sử dụng vỉa hè, cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đảm bảo phù hợp về quy định pháp lý hiện hành đối với giấy phép điện tử, giúp giảm chi phí cho người dân đối với việc lưu trữ và hạn chế rủi ro làm mất, làm hư hỏng giấy phép...

Bà Mai Thị Hồng Hoa, Phó Chủ tịch UBND Quận 1 cho biết, quận xác định công nghệ thông tin vừa là phương tiện, vừa là giải pháp hữu hiệu trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ hành chính công, nhằm nâng hiệu quả phục vụ người dân. Quận khai thác tối đa các phần mềm ứng dụng, đồng bộ dữ liệu, chia sẻ dữ liệu dùng chung phục vụ cho công tác quản lý nhà nước.

“Các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin phải giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, giảm số lượng giấy tờ không cần thiết, giảm thời gian và công sức đi lại, tạo sự chủ động cho người dân”, bà Hoa nói.

Còn tại Sở Công Thương, bình quân mỗi năm tiếp nhận trên 90.000 hồ sơ hành chính tương đương khoảng 350-400 hồ sơ/ngày. Trước khi đẩy mạnh thực hiện việc nộp hồ sơ trực tuyến và ứng dụng chữ ký số trong giải quyết thủ tục hành chính, bình quân hàng ngày có khoảng hơn 300 khách hàng đến thực hiện thủ tục hành chính tại Sở dẫn đến áp lực lên cán bộ và gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Trước thực trạng đó, Sở đã khẩn trương triển khai các giải pháp ứng dụng chữ ký số phục vụ công tác chỉ đạo điều hành cũng như giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Khi người dân, doanh nghiệp có nhu cầu nộp hồ sơ hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở, chỉ cần truy cập vào Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Thành phố, hoặc Cổng dịch vụ công Quốc gia, đăng nhập vào tài khoản đã được cấp, chọn thủ tục cần thực hiện, sau đó scan bộ hồ sơ, sử dụng chữ ký số, đính kèm file đã ký số và tiến hành gửi đi. Sau đó, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở sẽ truy cập vào tài khoản đã được cấp, tiến hành kiểm tra hồ sơ doanh nghiệp đã nộp, tiếp nhận và xử lý.

Kết quả xử lý hồ sơ là file văn bản có chữ ký số của Sở Công Thương. File kết quả sẽ được gửi tự động vào tài khoản của doanh nghiệp thực hiện TTHC.

Qua thực tiễn triển khai, năm 2023, tổng số hồ sơ tiếp nhận có sử dụng chữ ký số lên đến hơn 88.500/91.700 hồ sơ, đạt tỷ lệ 96.5%. Kết quả giải quyết TTHC có chữ ký số đạt 100%. Tổng số văn bản phát hành có sử dụng chữ ký số: 9.289/ 9.289 văn bản, đạt tỷ lệ 100%. 75% công chức có chữ ký số cá nhân.

Ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết thêm: “Kể từ khi triển khai áp dụng chữ ký số, đã mang lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp nói chung và Sở Công Thương nói riêng. Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính một cách nhanh chóng, thuận tiện, mọi lúc mọi nơi; đồng thời cũng giảm áp lực cho bộ phận tiếp nhận và trả kết quả”.

Tuy nhiên, ông Lê Huỳnh Minh Tú cũng cho biết, trong thực tế việc triển khai cũng còn những hạn chế nhất định, ảnh hưởng đến hoạt động của người dân, doanh nghiệp như vẫn còn một số cơ quan vẫn đề nghị được nhận bản cứng của kết quả giải quyết thủ tục hành chính để nộp cho các cơ quan khác; phương thức ứng dụng chữ ký số cũng chưa theo kịp các xu hướng công nghệ và mức độ phổ biến của các thiết bị di động thông minh…

Cải cách hành chính không có điểm dừng

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, năm 2024, thành phố đã ban hành kế hoạch với 21 chỉ tiêu và 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp với 98 nhiệm vụ cụ thể và đã phân công, giao nhiệm vụ cho từng cơ quan. Do đó, các đơn vị cần rà soát lại, hoàn thiện kế hoạch, tập trung triển khai, có theo dõi kết quả hàng tháng, hàng quý để đảm bảo thực hiện tốt kế hoạch.

Ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh 5 nhiệm vụ cải cách hành chính trọng tâm mà thành phố cần thực hiện. Cụ thể là các sở, ngành, quận huyện rà soát, cập nhật và triển khai kế hoạch cải cách hành chính năm 2024 của ngành và địa phương mình; từng cơ quan, tức là sở, ngành thành phố, các quận, huyện và kể cả các xã, phường, thị trấn phải có kế hoạch đưa tất cả các thủ tục hành chính lên nền tảng số; đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, tăng cường kỷ cương hành chính.

Tiếp đó là tích hợp các kết quả của chương trình chuyển đổi số Đề án 06 vào trong hoạt động cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ AI; và cuối cùng là hoàn thiện và triển khai đề án nền công vụ hiệu quả, hướng đến nâng cao năng lực phát triển thành phố.

Ông Phan Văn Mãi đề nghị cần tập trung khắc phục các hạn chế đã chỉ ra để có giải pháp khắc phục ngay, triển khai tốt hơn trong 2024, phải luôn xác định công tác “CCHC không có điểm dừng mà phải luôn được tiếp tục vì sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp”.

“Tôi muốn nhấn mạnh rằng công tác cải cách hành chính ở thành phố chúng ta không có điểm kết thúc mà nó phải luôn được tiếp tục, được cải tiến và phải được thúc đẩy bởi yêu cầu của người dân và doanh nghiệp cũng như yêu cầu phát triển của thành phố. Và đơn vị làm tốt công tác cải cách hành chính hôm nay nếu không tiếp tục duy trì, không tiếp tục đổi mới, cải tiến thì sẽ bị tụt hậu ngày mai”, ông Mãi nói.

Chủ đề năm 2024 của TP.HCM là “Quyết tâm thực hiện hiệu quả Chuyển đổi số và Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội”. Và rõ ràng, việc thực hiện tốt các mục tiêu của năm 2024 cũng như xác định vai trò tầm quan trọng của CCHC sẽ giúp cho việc phục vụ người dân và doanh nghiệp của các cơ quan chính quyền chắc chắn sẽ có nhiều cải thiện đáng kể.

Bài liên quan
Các địa chỉ đỏ và trụ sở UBND TP.HCM hút khách dịp nghỉ lễ
Hôm nay (28/4), tại các địa chỉ đỏ, điểm du lịch về nguồn, trụ sở UBND và HĐND TP.HCM đã thu hút khá đông du khách, người dân đến tham quan.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Hợp luyện toàn bộ khối diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Sáng 28/4, tại sân vận động tỉnh Điện Biên, toàn bộ 51 khối tham gia diễu binh, diễu hành trong lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ đã tiến hành hợp luyện lần đầu tiên. Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì buổi hợp luyện.
Mới nhất