Các bến cảng tại Hải Phòng chủ động ứng phó siêu bão
PV Thanh Nga/VOV-Đông Bắc thông tin, trưa 6/9, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 tại cảng Nam Đình Vũ, tuyến đê biển Hải An và một số khu, cụm công nghiệp tại quận Hải An. Công tác phòng chống bão số 3 đang được các ban ngành, đơn vị tại TP Hải Phòng triển khai khẩn trương.
Tại cảng Nam Đình Vũ (quận Hải An, TP Hải Phòng), từ 0h hôm nay (6/9) các tàu đã dời cảng, dừng bốc dỡ hàng hóa. Cảng cũng đã neo chốt cẩu, đảm bảo chịu được bão cấp 14, 15; đồng thời hạ độ cao các bãi container, xếp container thành các khối hình vuông để phòng gió lớn. Các dự án bến cảng trong KCN, KKT Hải Phòng đã thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn, nhất là các vị trí xung yếu, cầu tàu, bến cảng, khu hậu cần dịch vụ cảng,... hạn chế thiệt hại do bão số 3 xuống mức thấp nhất.
Ông Chu Đức Anh, Phó Trưởng ban Ban quản lý KKT Hải Phòng cho biết: "Ban quản lý đã chủ động xây dựng các kịch bản và chỉ đạo các dự án đang thi công, xây dựng trong khu công nghiệp, khu kinh tế kiểm tra và thực hiện đầy đủ các biện pháp để đảm bảo an toàn công trình. Đối với các công trình đang thi công, hạ thấp độ cao cẩu trục và triển khai biện pháp để đảm bảo an toàn khi có gió bão. Đối với các dự án đang hoạt động sản xuất trong khu công nghiệp, Ban quản lý cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp tuyệt đối không được chủ quan lơ là và chuẩn bị sẵn sàng tốt nhất các điều kiện để chủ động triển khai công tác ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”, không để bị động, bất ngờ".
Ghi nhận công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó bão số 3 của cảng Nam Đình Vũ và Ban quản lý KKT Hải Phòng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng yêu cầu các đơn vị tiếp tục triển khai các phương án, kịch bản ứng phó với bão; đặc biệt quan tâm các khu vực trọng yếu, đê điều, cảng biển, khu neo đậu tránh trú bão, công trình đang thi công... bảo vệ an toàn cho doanh nghiệp và tài sản, tính mạng của nhân dân.
Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hải Phòng, từ 12 giờ ngày 6/9, các quận, huyện trên địa bàn thành phố bắt đầu di dời các hộ dân ở các khu vực trũng thấp, chung cư cũ, xuống cấp, nguy hiểm đến nơi an toàn. Công tác sơ tán người dân sẽ hoàn thành trước 20 giờ hôm nay.
Bắc Kạn nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong ứng phó bão
Theo PV Công Luận/VOV-Đông Bắc, tỉnh Bắc Kạn yêu cầu các đơn vị địa phương khẩn trương rà soát các vị trí có nguy cơ sạt lở, lũ quét trước khi bão số 3 đổ bộ, đặc biệt là gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong triển khai ứng phó.
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Bắc Kạn, do ảnh hưởng của bão số 3, từ đêm 6/9 đến sáng 9/9 ở tất cả các khu vực trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có khả năng xuất hiện đợt mưa lớn với tổng lượng mưa phổ biến từ 100 – 200mm, có nơi trên 300mm. Mưa lớn có thể gây ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
UBND tỉnh Bắc Kạn đã có Công điện khẩn, yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chủ động triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”, không để bị động, bất ngờ nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân. Các địa phương căn cứ tình hình thực tế và khả năng ảnh hưởng của bão để chủ động di dời, sơ tán dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
“Bắc Kạn lo nhất là hoàn lưu sau bão là mưa to gây sạt lở, lũ quét, ngập lụt. UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị rà soát lại toàn bộ các vị trí có khả năng sạt lở, rồi cảnh báo người dân, cần thiết phải tổ chức di dời hoặc có phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối. Đặc biệt, là gắn trách nhiệm của người đứng đầu, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch cấp huyện phải chỉ đạo sát sao, không để tình trạng xảy ra tình trạng nguy cơ sạt lở mà không có biện pháp ứng phó hoặc hoặc có trường hợp người dân không chấp hành các biện pháp phòng tránh, làm sao giảm thiểu thiệt hại do cơn bão gây ra”, ông Nông Quang Nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết thêm.
Cứu hộ 9 thuyền đánh cá của ngư dân bị trôi dạt ra biển
PV Lê Hiếu-Vinh Thông/VOV-Miền Trung cho biết, lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế kịp thời cứu hộ 9 thuyền của ngư dân bị trôi dạt ra biển do ảnh hưởng của bão số 3.
Công an xã Điền Hương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế vừa huy động lực lượng cứu hộ thành công 9 thuyền của ngư dân bị trôi dạt ra biển.
Trước đó, vào khoảng 3 giờ sáng nay (6/9), do ảnh hưởng của bão số 3, tại xã Điền Hương biển động, triều cường dâng cao làm 9 thuyền đánh cá của ngư dân thôn Trung Đồng, xã Điền Hương bị cuốn trôi ra biển.
Nhận được tin báo, Công an xã Điền Hương đã huy động các lực lượng Quân sự, Biên phòng và lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở khẩn trương cứu hộ 9 thuyền đánh cá. Ngay trong đêm, lực lượng cứu hộ cũng đã đưa 10 chiếc thuyền khác ở khu vực nguy hiểm vào khu an toàn.
Bình Dương sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 3
PV Thiên Lý/VOV-TPHCM thông tin, trước diễn biến phức tạp của bão số 3, UBND tỉnh Bình Dương đã có công văn đề nghị các đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp ứng phó với mưa dông, ngập lụt và gió mạnh trên địa bàn tỉnh.
Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã xảy ra những trận mưa lớn, dông lốc, gió giật mạnh, làm gãy đổ cây xanh, gây ngập lụt cục bộ một số khu vực đô thị, gây thiệt hại về tài sản của người dân và doanh nghiệp.
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của mùa mưa bão, đặc biệt là cơn bão số 3, một cơn bão rất mạnh đã gây mưa lớn trên diện rộng và gió mạnh trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương tập trung kiểm tra công trình thủy lợi, đê bao, sẵn sàng các phương án ứng phó với các tình huống ngập lụt, sạt lở.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh chuẩn bị lực lượng, phương tiện để hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh như: chặt, cắt, tỉa cây xanh có nguy cơ bật gốc, gãy đổ trong khuôn viên, đường nội bộ và xung quanh trường; thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên về các biện pháp phòng tránh, ứng phó với các nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão.
Sở Y tế hướng dẫn các địa phương đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh khi thiên tai xảy ra, xây dựng phương án bảo đảm an toàn cho các cơ sở y tế và sẵn sàng phương tiện, thiết bị để ứng phó.
UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thị, thành phố chủ động triển khai các biện pháp phòng chống, ứng phó với bão lũ, đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản, đồng thời sẵn sàng các nguồn lực để khắc phục hậu quả.
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bình Dương, bão số 3 sẽ đi vào khu vực Bắc Bộ nhưng thời tiết ở Nam Bộ cũng sẽ bị ảnh hưởng. Tại Bình Dương những ngày tới sẽ có mưa rào và rải rác có dông, có nơi mưa vừa, mưa to. Trong mưa dông đề phòng khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Mù Cang Chải hoãn tổ chức các lễ hội để ứng phó bão
Theo PV Đinh Tuấn/VOV-Tây Bắc, để tập trung ứng phó với bão số 3 (bão YAGI), UBND huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái đã quyết định hoãn tổ chức một số lễ hội dự kiến diễn ra vào tối nay (6/9) và sáng mai (7/9).
Cụ thể, lễ hội Sơn tra lần thứ nhất, Lễ hội mùa vàng năm 2024 và Hội thảo du lịch Mù Cang Chải điểm đến “Bản sắc - An toàn - Thân thiện" dự kiến sẽ được huyện Mù Cang Chải, Yên Bái tổ chức vào tối 6/9 và sáng 7/9.
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của bão YAGI, các lễ hội đặc sắc này được lùi thời gian tổ chức sang tối 12 và sáng 13/9. Tâm điểm của sự kiện sẽ là chương trình nghệ thuật với chủ đề "Huyền thoại sơn tra”; chương trình diễu diễn đường phố biểu diễn các điệu dân vũ; công bố quyết định của Cục bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về các lễ hội được công nhận: "Lễ hội Mùa Vàng” "Festival dù lượn bay trên miền danh thắng”, "Lễ hội giã bánh dày” và Quyết định công nhận Cây di sản Việt Nam.
Trong chuỗi các hoạt động của Lễ hội, huyện Mù Cang Chải còn tổ chức Hội thi ẩm thực "Hương vị sơn tra"; thi dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải; tổ chức giải chạy Marathon "MU CANG CHAI ULTRA TRAIL” năm 2024, Lễ mừng cơm mới của đồng bào Mông...
Hiện tỉnh Yên Bái cũng tạm hoãn các cuộc họp, hội nghị chưa thực sự cấp bách; chuyển thời điểm tổ chức một số hoạt động để chủ động phòng tránh mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 3.
Sơn La hoãn các cuộc họp không thật sự cấp bách
PV Trấn Long/VOV-Tây Bắc thông tin, nhằm hạn chế các thiệt hại trước dự báo bão số 3 sẽ gây mưa lớn khi đổ bộ vào đất liền; hôm nay 6/9, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành văn bản số 3985 yêu cầu các cấp, ngành và các địa phương tập trung ứng phó khẩn cấp với bão.
Theo đó, để chủ động ứng phó với đợt mưa lớn dự báo phổ biến từ 100 - 250mm/đợt, có nơi trên 300mm trong các ngày từ 7 - 9/9, nguy cơ gây lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở một số địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó tác động của bão với tinh thần “chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất” nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân và nhà nước.
UBND các huyện, thành phố tham mưu với Thường trực huyện ủy, Ban Thường vụ huyện ủy xem xét đình hoãn các cuộc họp không thật sự cấp bách, phân công từng đồng chí trong Thường vụ, Thường trực Ủy ban trực tiếp xuống các địa bàn trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng chống tác động của bão, mưa lũ; Chỉ đạo đảm bảo an toàn công trình hồ đập thủy lợi, thủy điện, an toàn giao thông, hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chống ngập úng khu đô thị và khu công nghiệp.
Cùng với đó là chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm, xung yếu để sẵn sàng triển khai xử lý kịp thời các tình huống phát sinh khi mưa lũ.
UBND tỉnh Sơn La cũng sẽ xem xét trách nhiệm người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị lơ là, chủ quan trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống tác động của bão, mưa lũ; xử lý nghiêm chủ doanh nghiệp, phương tiện, tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản không tuân thủ chỉ đạo của các cơ quan chức năng và lực lượng có thẩm quyền trong công tác phòng, chống bão, mưa lũ.
Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai kiểm tra và chỉ đạo công tác ứng phó bão số 3
PV An Kiên/VOV-Tây Bắc thông tin, ngày 6/9, ông Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đã đi kiểm tra và chỉ đạo công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 3 tại huyện Bát Xát. Đây là một trong số địa phương nằm trong diện nguy cơ cao ảnh hưởng của bão.
Tại đây, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai đã trực tiếp kiểm tra điểm có nguy cơ sạt lở tại thôn Láo Vàng, xã Phìn Ngan và điểm sạt lở trên tuyến Tỉnh lộ 156, đoạn qua xã Bản Vược. Đây là những khu vực mất an toàn, đe dọa trực tiếp tới tính mạng của nhân dân.
Trước tình hình cấp bách, ông Đặng Xuân Phong yêu cầu huyện Bát Xát khẩn trương xây dựng phương án di dời dân ở vùng nguy cơ sạt lở đến các khu vực an toàn; đề nghị địa phương thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" khi có tình huống xảy ra, ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an toàn tính mạng và ổn định đời sống cho người dân.
Cùng trong buổi sáng, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong cũng dành thời gian đi kiểm tra hồ thải quặng đuôi tại Nhà máy Tuyển đồng Sin Quyền của huyện Bát Xát. Ông yêu cầu đơn vị chủ động xây dựng các phương án phòng ngừa, đặt công tác an toàn hồ đập lên hàng đầu để tránh xảy ra sự cố trong giai đoạn cao điểm mưa lũ, nhất là ứng phó với cơn bão số 3 này.
Trước diễn biến phức tạp và cực kỳ nguy hiểm của cơn bão số 3, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Bát Xát cũng đã chủ động triển khai các phương án phòng chống mưa lũ; kích hoạt cấp độ phòng ngừa ở mức cao nhất.
Ông Lê Huy Giang, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bát Xát cho biết: "Chúng tôi tham mưu cho huyện chỉ đạo các xã và các cơ quan chuyên môn tổ chức lực lượng tuyên truyền, cảnh báo, cắm biển tạm tại các khu vực ngầm tràn dễ xảy ra lũ lớn, cũng như các khu vực có địa chất yếu để cảnh báo tới người dân".
Chủ tịch tỉnh Cao Bằng kiểm tra vị trí xung yếu trước bão
PV Công Luận/VOV-Đông Bắc thông tin, chiều 6/9, ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng đã trực tiếp kiểm tra một số vị trí có dấu hiệu sạt trượt tại khu vực xóm Canh Biện, xã Nguyễn Huệ, huyện Hòa An và Dự án bố trí dân cư vùng thiên tai cho người dân xóm Canh Biện.
Kiểm tra an toàn hồ Phia Gào, xã Đức Long (Hòa An); vị trí sạt lở trên tuyến đường tỉnh 216, địa phận xã Trương Lương, huyện Hòa An. Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng yêu cầu chính quyền địa phương thực hiện nghiêm công tác ứng phó bão số 3 theo các công điện, chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh. Cần chủ động bám sát diễn biến mưa bão, rà soát kỹ các vị trí xung yếu và có phương án sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân cũng như công trình.
Chỉ trong thời gian cuối tháng 8, đầu tháng 9 vừa qua, Cao Bằng đã trải qua đợt mưa lũ lịch sử khiến 2 người chết, hơn 640 ngôi nhà bị ngập, thiệt hại hơn 1.600ha hoa màu cùng nhiều tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng. Đặc biệt, tại xã Quang Vinh, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng), nước ngập sâu suốt từ 23/8 đến 2/9 khiến toàn xã bị cô lập, 60 ngôi nhà, 3 trường học, 1 trạm y tế chìm sâu trong nước. Đến chiều 6/9, xã Quang Vinh vẫn còn 2 điểm nước chưa rút hết.
Ông Chung Văn Bào, Bí thư Đảng ủy xã Quang Vinh, huyện Trùng Khánh cho biết: “Hiện nay, xã đã phân công nhiệm vụ, bố trí các tổ ứng trực, sẵn sàng triển khai hỗ trợ các khu vực úng ngập. Rút kinh nghiệm từ đợt mưa trước, xã cũng đã huy động, bố trí thêm lương thực, thực phẩm, bổ sung các loại bè, mảng, xuồng cứu hộ, áo phao. Đồng thời, hỗ trợ người dân thu dọn sẵn đồ đạc, tài sản đưa lên vị trí cao trong nhà hoặc nhà hàng xóm ở cao hơn để có thể di dời trong tình huống khẩn cấp. Các hộ mới trở lại sinh sống sau ngập lụt cũng sẵn sàng quay trở lại các vị trí đã sơ tán trước đó”.