Bữa cơm nóng cho học trò bản Mông

Công Luận/VOV-Đông Bắc | 19/11/2022, 18:34

Hàng ngày, các giáo viên điểm trường Khâu Qua, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn thay phiên nấu những bữa cơm nóng với đủ món ăn đảm bảo dinh dưỡng cho những đứa trẻ nghèo nơi vùng lõi Vườn quốc gia Ba Bể. Nhờ tâm sức thầy cô, bữa ăn của các em không còn chỉ là mèn mén hay cơm trắng với rau rừng.

Đã thành công việc quen thuộc hơn một năm qua, mỗi ngày, 3 thầy giáo, cô giáo ở Điểm trường Khâu Qua lại thay phiên xuống bếp nấu ăn cho gần 40 đứa trẻ của điểm trường này. Không để ảnh hưởng đến giờ lên lớp, các thầy cô phải dậy từ sáng sớm đi chợ mua rau và thực phẩm từ chợ xã Nam Cường, cách trường gần 30km.

Điểm trường không có chế độ bán trú, nhưng dù ngày nắng, ngày mưa hay giá rét, căn bếp nhỏ luôn rộn tiếng nói, tiếng cười trẻ nhỏ mỗi giờ cơm trưa. 

Cô giáo Lục Thị Lan chia sẻ: “Các cháu ở đây sẽ được các thầy cô nấu đổi món thường xuyên, hôm thì thịt, hôm nấu cá, còn rau thì lúc bắp cải, su hào hay các loại rau chúng tôi mua ngoài chợ xã vào. Dù vất vả một một chút nhưng chúng tôi luôn cố gắng vì các cháu”.

Nằm ở vùng lõi Vườn Quốc gia Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, điểm trường Khâu Qua cách trung tâm xã đến gần 20 km đường rừng và chỉ có thể đi được xe máy vào những ngày trời nắng ráo, dân bản chủ yếu là người Mông và hầu hết đều trong diện hộ nghèo. Chính vì thế, bữa ăn trưa của những đứa trẻ được bố mẹ chuẩn bị cho từ nhà thường chỉ có gói cơm trắng, khi thì vài quả cà hay nắm rau rừng luộc.

Năm 2021, Dự án “Bữa cơm đến trường” do một nhóm thiện nguyện tại địa phương thực hiện đã dựng bếp, mua dụng cụ và hỗ trợ tiền mua thức ăn bữa trưa cho toàn bộ học sinh trong trường. Và các thầy cô đã đứng ra nhận công việc nấu ăn cho các con. Cô giáo Lèng Thị Dậu cho biết, nhờ những bữa cơm nóng, sức khỏe được bảo đảm, việc học của các em đã tiến bộ rõ rệt.

“Ở nhà thì các cháu thường chỉ ăn cơm với rau xanh thôi, đến đây các cháu được ăn cơm với thịt, trứng, cá… đổi món thường xuyên nên các cháu rất thích. So với trước đây thì sức khỏe các cháu tốt hơn, không còn hay bị ốm, học bài tiến bộ, đi học rất đầy đủ. Trước đây các cháu có khi không kịp ăn sáng, trưa đi bộ về ăn cơm nên vất vả. Giờ có cơm trưa các cháu ăn xong có thời gian nghỉ ngơi, chiều học hiệu quả hơn”, cô Dậu nói.

Anh Trần Quang Huy, Chủ nhiệm CLB Vì trẻ em nghèo Bắc Kạn, thành viên tổ chức Dự án “Bữa cơm đến trường” cho biết, thành công của mô hình thiện nguyện này có công sức rất lớn của các thầy cô ở điểm trường.

 “Dự án nếu không có các thầy cô đồng lòng, giúp sức sẽ không thể thực hiện được ở điểm trường. Qua hơn 1 năm triển khai chúng tôi thấy thầy cô ở Khâu Qua rất nhiệt tình, trách nhiệm, các thầy cô làm việc rất có tâm, thường xuyên chụp ảnh, quay clip chuẩn bị bữa ăn cho dự án, chúng tôi rất an tâm khi triển khai dự án ở đây”, anh Huy cho biết.

Từ khi có bữa cơm nóng tại trường, Khâu Qua đã không còn có trẻ nghỉ học, những em nhỏ ở tận bản Nặm Dài sang học ghép ở điểm trường này cũng không còn phải đi bộ vài cây số về ăn cơm trưa hay phải mang theo những gói cơm rau đến lớp. Sức học các con cũng nhờ đó mà được nâng lên rõ rệt.

Ông Ngôn Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể nói: “Khâu Qua là điểm trường vùng cao rất khó khăn, hầu hết các cháu đều thuộc diện hộ nghèo. Các thầy cô ngoài việc lên lớp còn nấu cơm trưa là việc làm hết sức ý nghĩa, giúp các cháu háo hức đến lớp, đến nay không có cháu nào bỏ học. Chính quyền địa phương luôn đánh giá cao và ghi nhận tình cảm và công lao các thầy cô ở điểm trường Khâu Qua”.

Các cô giáo ở điểm trường Khâu Qua đều có con nhỏ nên vẫn vượt hàng chục cây số đường đồi dốc để đi về trong ngày, vậy nhưng gần 2 năm qua, ngày mưa cũng như ngày giá rét, chưa khi nào bữa cơm bị gián đoạn bởi với các thầy cô, những đứa trẻ ở bản nghèo này cũng như đứa con của mình.

Mùa đông nơi vùng lõi rừng già sương giá bao phủ, thương trò nghèo, các thầy cô lại vận động các nhà hảo tâm, thậm chí bỏ tiền túi để mua cho các con từng chiếc áo ấm, đôi giày, dồn tình yêu thương vào những bài giảng và chăm chút cho các con có bữa ăn tươm tất.

Bản người Mông nghèo rồi sẽ đổi thay từ những đứa trẻ này và cả từ tấm lòng của những thầy giáo, cô giáo qua mỗi bài giảng và cả những bữa cơm nóng đong đầy yêu thương./.

Bài liên quan
Bữa ăn bán trú "kéo" học sinh vùng khó đến trường
Nghị định 116 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, cũng như rất nhiều các chính sách riêng có của từng tỉnh, hàng trăm nghìn học sinh vùng khó khăn ở các tỉnh Tây Bắc đang có điều kiện thuận lợi để hiện thực hóa ước mơ học chữ của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Giá chung cư Hà Nội cao ngất: Nguy cơ xuất hiện 'bong bóng'?
Thời gian gần đây, giá chung cư Hà Nội liên tục tăng mạnh khiến nhiều chuyên gia e ngại nguy cơ "bong bóng" sẽ xảy ra.
Mới nhất