Phải có chính sách hỗ trợ bà con
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) dẫn thống kê cho thấy đến chiều 20/8 có 6.631 con bò sữa bị mắc bệnh tiêu chảy, đã ghi nhận 357 con bị chết sau khi tiêm vaccine viêm da nổi cục. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống bà con nhân dân địa phương, cho thấy sự kiểm soát thiếu chặt chẽ trong công tác kiểm soát chất lượng vaccine.
Nữ đại biểu đề nghị Bộ trưởng Lê Minh Hoan thông tin cụ thể về quy trình sản xuất và việc kiểm định chất lượng của loại vaccine trên đối với bò sữa. Đồng thời, đối với những thiệt hại đã xảy ra, bà đề nghị sớm xác định rõ trách nhiệm và đưa ra phương án hỗ trợ sớm nhất cho người dân bị thiệt hại.
“Trước tiên tôi xin chia sẻ với bà con chăn nuôi ở Duy Linh, Đức Trọng, Lâm Hà và một số huyện của tỉnh Lâm Đồng về sự thật không mong muốn trong thời gian vừa qua. Tôi cảm ơn lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng thời gian vừa qua cũng đã phối hợp kịp thời và rất sát sao cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để chúng ta xử lý một tình huống, cũng là một kinh nghiệm bài học chung trong một ngành hàng chăn nuôi rất nhiều rủi ro” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ khi trả lời đại biểu Quốc hội.
Ông cho biết, 16h hằng ngày đều nhận được báo cáo từ tỉnh Lâm Đồng gửi ra để báo cáo tiến độ. “Đã thiệt hại thì phải có chính sách, dựa vào các văn bản quy phạm pháp luật. Chính sách nào tốt nhất cho bà con mình đó là chính sách Chính phủ, địa phương cũng như bộ mong muốn. Chúng tôi sẽ cùng với Lâm Đồng phân tích, chuẩn bị những phương án thỏa đáng cho bà con” – ông Lê Minh Hoan nói.
Đề cập vấn đề liên quan tới vaccine, bộ đã chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, đối chứng toàn bộ quy trình sản xuất, đăng ký lưu hành... để xác định nguyên nhân, không chỉ để xử lý tình huống bồi thường thiệt hại mà còn rút ra một bài học kinh nghiệm chung cho các doanh nghiệp và kể cả cho các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương tới địa phương.
Bên cạnh đó là kiểm tra toàn bộ quy trình với tinh thần liêm chính, khoa học, nhìn đúng bản chất vấn đề để không xảy ra những trường hợp tương tự.
Nhấn mạnh vấn đề hiện tại là có những liệu pháp chữa bệnh cho bò đang bị bệnh, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, tỉnh Lâm Đồng với Bộ NN&PTNT đã huy động toàn bộ các lực lượng thú y của 2 chi cục vùng ở phía Nam, các chuyên gia từ các tập đoàn và những doanh nghiệp khác hằng ngày ở địa bàn để đưa ra những phác đồ điều trị.
“Đã có diễn biến tốt. Tôi nhận được báo cáo hằng ngày là tốc độ bò chết giảm lại, cũng có những con bò bị tái phát và những con khỏi thì lượng sữa đã tăng dần lên” – ông Lê Minh Hoan thông tin.
Bộ trưởng đề nghị tỉnh Lâm Đồng và bà con cùng hợp tác với các cơ quan chức năng, lực lượng thú y, các chuyên gia để làm sao giảm thiểu ở mức thấp nhất thiệt hại.
“Còn tất cả những cơ chế, chính sách liên quan tới vấn đề trách nhiệm thì bộ sẽ cùng với Lâm Đồng xử lý, chúng tôi sẽ báo cáo với đại biểu” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.
Câu trả lời “đắng lòng” của bà con đốn điều, trồng sầu riêng
Cũng nêu chất vấn tới Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) đặt vấn đề phát triển nhãn hiệu, thương hiệu của các nông sản chủ lực, nhất là khi nông sản hạt điều với kim ngạch xuất khẩu đạt 3,6 tỷ USD vào 2023, còn giá sầu riêng tăng liên tục lập đỉnh với diện tích tăng từ 32.000 lên 150.000 chỉ trong 5 năm.
Cho rằng việc phát triển và bảo vệ nhãn hiệu, thương hiệu của nước ta hiện nay chưa thực sự hiệu quả, bà đề nghị Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết giải pháp bảo đảm giá trị thương hiệu điều, sầu riêng, đảm bảo ổn định vùng nguyên liệu và đời sống người dân.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết ông từng về huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước), đứng trên một vườn trồng điều và nhìn phía bên kia vườn, thấy bà con đang đốn điều để trồng sầu riêng.
“Tôi hỏi bà con rằng điều là cây gắn bó bao đời với vùng Bình Phước, tại sao bà con nỡ chặt bỏ cây để trồng sầu riêng? Bà con nói với tôi, giờ trồng sầu riêng thu nhập 1 tỷ đồng/hecta, còn trồng điều 35-40 triệu, ông nghĩ chúng tôi nên như thế nào?”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kể lại và nói đó là câu trả lời rất đắng lòng, có những vấn đề từ thực tiễn khiến bản thân ông suy nghĩ rất nhiều.
Đề cập giải pháp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh cần ứng biến theo quy luật thị trường, không thể ngăn bằng công cụ kinh tế khác. Ở Bình Phước đã tổ chức mô hình khuyến nông trồng nấm linh chi đỏ dưới tán điều, để tạo đa tầng giá trị.
Đánh giá Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Bình Phước chế biến điều rất đa đạng, Bộ trưởng nhấn mạnh cần đẩy nhanh các sản phẩm OCCOP từ cây điều. Ông cũng cho hay đã làm việc với Hiệp hội Điều Việt Nam, qua đó, lưu ý cần xây dựng chuỗi chia sẻ liên kết giữa người trồng điều với doanh nghiệp chế biến điều, khắc phục bất ổn khi dân trồng điều mà ta vẫn phải nhập điều thô từ nước ngoài.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh muốn xây dựng thương hiệu, quy chuẩn, phải có hiệp hội ngành hàng, phải có sự liên kết giữa bà con và các hiệp hội, doanh nghiệp.
Cho biết vừa ký nghị định thư thứ hai để mở thêm cánh cửa xuất khẩu các sản phầm từ sầu riêng sang Trung Quốc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói đây là niềm vui nhưng cũng còn nhiều vấn đề, muốn đưa sầu riêng thành sản phẩm quốc gia, phải có thiết chế quốc gia để điều chỉnh, có chính sách chung về khoa học công nghệ, đầu tư hạ tầng nếu muốn đi xa.