Bộ trưởng Bộ Y tế: Nguồn cung, cơ chế mua sắm có rồi, sao vẫn thiếu thuốc?

20/11/2023, 15:20

Thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, đại biểu Quốc hội tiếp tục đặt vấn đề về thiếu thuốc cục bộ. Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết đã nhận diện rõ vướng mắc.

Thực hiện vẫn vướng, vì sao?

Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đề nghị tiếp tục giải quyết vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế cục bộ tại các cơ sở y tế, các bệnh viện.

Giải trình tại phiên làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị y tế thời gian qua, nhất là sau thời gian dịch bệnh Covid-19, có nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Bộ trưởng cảm ơn Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ ngành hỗ tợ nhiều tháo gỡ chính sách cho ngành. Bà khẳng định, y tế là một trong những ngành được ưu tiên nhất liên quan cơ chế, chính sách, cụ thể là để tháo gỡ vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế.

Nữ bộ trưởng dẫn chứng như các lĩnh vực khác cần 3 báo giá thì với thuốc, vật tư y tế có khi chỉ cần 1 báo giá; trường hợp cần thiết không phải giá thấp nhất vẫn được mua nếu được Hội đồng khoa học làm rõ. Hay Luật Đấu thầu (sửa đổi) có nhiều cơ chế mua sắm đặc thù. Nghị quyết của Quốc hội cũng tháo gỡ nguồn cung thuốc và trang thiết bị y tế.

Liên quan mua thuốc, bà cho biết có 3 nơi: Bộ mua đấu thầu tập trung chiếm 16-18%, còn lại đấu thầu tập trung cấp tỉnh và cơ sở trực tiếp mua sắm cho mình.

“Nguồn cung có rồi, cơ chế chính sách mua sắm có rồi, tại sao vẫn thiếu thuốc? Tại sao vướng khi tổ chức thực hiện và thực chất ở chỗ nào?” – bà Đào Hồng Lan đặt vấn đề và cho biết tháng 8 và tháng 10/2023, bộ có văn bản đề nghị các nơi báo cáo các vấn đề còn vướng mắc để tổng hợp, trình xem xét tháo gỡ.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, ở địa phương, nhiều cơ sở giao cho đơn vị đấu thầu nhưng cán bộ trực tiếp thực hiện là bác sĩ, không rõ cơ chế mua sắm nên quá trình làm còn lúng túng.

Thư hai là vấn đề phân cấp, phân quyền. Như Bộ Y tế phân cấp toàn bộ cho đơn vị trong bộ thực hiện mua sắm. Trong khi đó, có địa phương chỉ mua được đến 100 triệu đồng, nếu cao hơn phải trình lên Sở Tài chính, lên tỉnh phê duyệt, thời gian lâu hơn.

“Mong các địa phương rà soát để thực hiện quản lý và trao quyền cho đơn vị triển khai thực hiện, tránh thủ tục phiền hà” – bà Đào Hồng Lan đề nghị.

Vay mượn khi chống dịch, giờ trả thế nào?

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) nêu thực trạng trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, nhiều ca mắc liên tục, việc thực hiện mua sắm theo quy định gặp nhiều khó khăn do giãn cách xã hội. Vì vậy các đơn vị thực hiện mượn hàng, vật tư y tế, hóa chất sát khuẩn của các nhà cung cấp, doanh nghiệp tư nhân đến nay chưa thanh toán do vướng các thủ tục.

Do đó, cử tri ngành y tế kiến nghị các cơ quan chức năng có hướng dẫn việc thanh toán nợ cho các đơn vị trong việc mua, mượn nợ trang thiết bị y tế, hóa chất sát khuẩn phòng, chống dịch COVID-19. Đối với riêng tỉnh Bình Thuận, ông Thông nói số nợ này là trên 91 tỉ đồng.

Ông nói thêm Quốc hội đã ban hành nghị quyết 99 về giám sát đã giao cho Chính phủ, Bộ Y tế nghiên cứu có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhưng đến nay, theo báo cáo Chính phủ, Bộ Y tế vẫn chưa ban hành văn bản hướng dẫn tháo gỡ bất cập này.

"Có thể nói cơ sở y tế các địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong trả nợ. Chủ nợ mòn mỏi chờ, con nợ mòn mỏi chờ hướng dẫn. Đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế sớm có hướng dẫn", ông Thông đề nghị.

Giải đáp băn khoăn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định trước đây không có quy định về vay, mượn nhưng trong bối cảnh dịch bệnh chưa có tiền lệ, đảm bảo sinh mệnh của người dân trên hết và trước hết nên thực tế có việc tạm ứng, vay mượn để đảm bảo nhu cầu chữa bệnh, xét nghiệm.

Nghị quyết 99 của Quốc hội giao Chính phủ sớm có các biện pháp cho vấn đề này trước 31/12/2024.  Song bà Đào Hồng Lan nói đây là việc khó, bộ đang phối hợp với UBND các tỉnh triển khai.

Bộ Y tế có 2 công văn đề nghị các dịa phương báo cáo tình hình vay mượn. Tổng hợp từ 48 địa phương, 7 bộ ngành cho thấy số vay mượn khoảng 1.693 tỷ đồng, trong đó vay mượn thuốc, sinh phẩm 754 tỉ đồng, kit xét nghiệm 939 tỷ đồng.

Từ đó, Bộ phân loại các hình thức va mượn, như có hợp đồng hay chưa, có đàm phán giá thế nào hay chưa có gì để có phương án xử lý triệt để. Hiện bộ đang giao các đơn vị xây dựng phương án.

“Do chưa có quy định luật pháp thì Chính phủ sẽ báo cáo UBTVQH cho cơ chế xử lý” – Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, đồng thời nhấn mạnh Luật khám bệnh, chữa bệnh hiện đã mở dần hình thức vay mượn, ứng trước nên đang triển khai hướng dẫn để thực hiện lâu dài.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Siết chặt vòng vây
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, với cách đánh lấn, ta đã từng bước siết chặt vòng vây, đưa chiến hào vào sâu trong cứ điểm địch rồi bất ngờ đột phá tiêu diệt địch.
Mới nhất