Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VOV về thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, thị trường TPDN tại Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa và tiềm năng để phát triển, đặc biệt là trong quá trình phục hồi kinh tế, doanh nghiệp cần huy động lượng vốn lớn.
PV: Có thể nói thời gian vừa qua là chặng đường sóng gió với trái phiếu doanh nghiệp. Nhìn lại những diễn biến bất ổn đó, chúng ta đúc kết được bài học gì, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Việc phát triển thị trường vốn trung, dài hạn như thị trường TPDN là công việc hết sức khó khăn. Trên thực tế Trên thực tế, khung khổ pháp lý đối với thị trường TPDN bắt đầu từ năm 1994, tuy nhiên đến năm 2016, thị trường mới bước vào giai đoạn phát triển. Trong giai đoạn này đã có phát sinh một số vấn đề ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường.
Mặc dù, Bộ Tài chính đã theo sát tình hình phát triển của thị trường nhưng không thể phủ nhận những khó khăn, thách thức, rủi ro mà thị trường phải đối mặt. Nguyên nhân chính là do một số doanh nghiệp lợi dụng cơ chế khuyến khích tự do kinh doanh, hoạt động, lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ, sử dụng vốn được quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020 cộng thêm sự thiếu thông tin của một số nhà đầu tư để tăng vốn ảo, sau đó phát hành TPDN với khối lượng lớn.
Thêm nữa, chất lượng nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân chưa cao, kiến thức tài chính, năng lực phân tích rủi ro của nhiều nhà đầu tư hạn chế; nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp là cá nhân mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao, không hiểu rõ rủi ro, quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, mặc dù đã được các cơ quan Nhà nước thông tin, tuyên truyền, cảnh báo rất nhiều lần.
Tính tuân thủ và đạo đức nghề nghiệp của một số doanh nghiệp phát hành và tổ chức cung cấp dịch vụ chưa cao. Nguyên nhân của những bất ổn trong thời gian vừa qua xuất phát từ một số tổ chức, trong đó có Ngân hàng Thương mại, đã phân phối trái phiếu cho một số lượng lớn các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ bao gồm cả những người dân gửi tiền tiết kiệm ngân hàng.
Cùng với đó, hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan quản lý Nhà nước còn gặp nhiều khó khăn do phạm vi, đối tượng liên quan đến TPDN ngày càng mở rộng, các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường ngày càng tinh vi, khó phát hiện và xử lý. Quy định pháp luật về người có liên quan, sở hữu chéo, tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật doanh nghiệp còn chưa đầy đủ. Cơ chế và nguồn lực giám sát liên thông giữa các lĩnh vực của thị trường tài chính còn hạn chế.
PV: Những bất ổn đó để lại cho chúng ta bài học như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Đứng trên góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, tôi đúc rút ra một số bài học kinh nghiệm.
Thứ nhất, phải coi trọng công tác phân tích, dự báo tình hình để chủ động, linh hoạt và ứng phó nhanh với những biến động về kinh tế - tài chính trong và ngoài nước. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo điều kiện ổn định, phát triển nhanh, an toàn, hiệu quả, bền vững thị trường TPDN.
Thứ hai, phát triển cân đối, hài hòa các kênh cung ứng vốn từ thị trường vốn, thị trường tín dụng và mối quan hệ liên thông giữa các thị trường với đối tượng sử dụng vốn là các doanh nghiệp trong nền kinh tế.
Thứ ba, trong chỉ đạo, điều hành cần sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo để ứng biến kịp thời với sự vận động của thị trường, đảm bảo mục tiêu an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững.
Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện sớm các nguy cơ, rủi ro và các sai phạm để răn đe, chấn chỉnh, đảm bảo sự an toàn của thị trường.
Thứ năm, tăng cường công tác đào tạo, tuyên truyền, phổ biến kiến thức tài chính theo các cấp độ cho các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân để hiểu rõ về rủi ro, quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật khi tham gia thị trường.
PV: Có nhiều dự cảm về triển vọng tích cực hơn cho nền kinh tế năm 2024, tuy nhiên, khó khăn vẫn là câu chuyện cộng đồng doanh nghiệp nhắc đến, đặc biệt áp lực đáo hạn trái phiếu chắc chắn sẽ là nỗi lo lớn cho các doanh nghiệp trong năm nay. Bộ trưởng nhận định như thế nào và có điều gì gửi gắm cộng đồng doanh nghiệp?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Thời gian qua, thị trường TPDN đã từng bước phát triển theo đúng định hướng, trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn quan trọng, góp phần giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Cơ quan quản lý đã xây dựng khung khổ pháp lý khuyến khích thị trường TPDN phát triển bền vững, lành mạnh, hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn cho sản xuất kinh doanh, giúp nhà đầu tư có thêm kênh đầu tư hiệu quả.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường còn khó khăn, để phát triển thị trường TPDN an toàn, lành mạnh, củng cố niềm tin của nhà đầu tư thì từng chủ thể tham gia trên thị trường cũng cần tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, DN phát hành cần phải có trách nhiệm đến cùng đối với nghĩa vụ nợ trái phiếu, chủ động minh bạch hóa tình hình tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp, kiểm toán báo cáo tài chính, công bố đầy đủ thông tin về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu, tình hình sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu.
Về phía nhà đầu tư, cần có hiểu biết đầy đủ về quy định của pháp luật, tiếp cận đầy đủ thông tin về doanh nghiệp phát hành và trái phiếu, đánh giá kỹ tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành, đánh giá mức độ rủi ro tương xứng với lợi nhuận đầu tư trái phiếu, tự quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.
Các tổ chức cung cấp dịch vụ có trách nhiệm nâng cao chất lượng dịch vụ, tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật và thực hiện nghĩa vụ báo cáo, tư vấn và cung cấp đầy đủ thông tin cho nhà đầu tư mua trái phiếu, làm rõ sự khác biệt giữa TPDN và tiền gửi tiết kiệm ngân hàng, tuyệt đối không được mời chào nhà đầu tư không đáp ứng đủ điều kiện trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mua trái phiếu.
Tinh thần chung của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam là rất bản lĩnh, luôn có tinh thần vượt khó, thích ứng nhanh với mọi tình huống. Tôi tin rằng, các doanh nghiệp sẽ biết nắm bắt cơ hội từ những giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ để thúc đẩy kinh doanh.
Các doanh nghiệp cần quan tâm hơn tới việc tăng cường năng lực quản trị, khả năng ứng phó với những biến động thị trường, cơ cấu các nguồn lực theo hướng bền vững hơn, đặc biệt là luôn phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật… có như vậy, chúng ta mới có thể phát triển thị trường an toàn, lành mạnh, bền vững. Thị trường trái phiếu năm 2024 sẽ trở lại mạnh mẽ và phát triển cả về quy mô và chất lượng, tiếp tục khẳng định là kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!