35 năm sau khi bộ phim truyền hình kinh điển Hồng lâu mộng do Vương Phù Lâm làm đạo diễn được phát sóng lần đầu tiên (1987), những thông tin hậu trường thú vị lần đầu được tiết lộ. Gây bất ngờ nhất là chuyện tuyển chọn diễn viên.
Duyên phận với vai Giả Bảo Ngọc
Theo tiết lộ của nhà sản xuất, Âu Dương Phấn Cường thực chất là cái tên cuối cùng trong danh sách ứng cử viên cho vai Giả Bảo Ngọc. Anh nhận được vai này do tất cả các ứng cử viên trước đó đều gặp vấn đề.
Ban đầu, đạo diễn Vương Phù Lâm rất hài lòng với ngoại hình và diễn xuất của Mã Quảng Nho khi anh casting. Thật không may, diễn viên họ Mã trượt cơ hội có vai diễn để đời do mặt bỗng nhiên nổi nhiều mụn, trong khi Giả Bảo Ngọc là vai diễn quan trọng, thời lượng lên hình cao. Mã Quảng Nho sau đó được giao vai Giả Thụy, một nhân vật đáng ghét, lại chết sớm, có rất ít đất diễn. Từ chỗ tưởng được nhận vai nam chính rồi lại phải đóng nhân vật phụ có tính cách tương phản, Mã Quảng Nho cảm thấy khó chấp nhận thực tế này trong thời gian dài.
Nam diễn viên Hầu Trường Vinh có diện mạo tuấn tú, cũng được đánh giá là phù hợp với vai Giả Bảo Ngọc. Anh cũng thật không may vì cứ cao lên không ngừng trong quá trình đoàn phim chuẩn bị quay. Thế nên khi bắt đầu quay, ngoại hình của anh không còn phù hợp. Hầu Trường Vinh sau đó được giao 2 vai khác trong Hồng lâu mộng 1987, đều là mỹ nam tuyệt sắc: Liễu Tương Liên và Bắc Tĩnh Vương. Hiện, anh là diễn viên cấp một quốc gia của Trung Quốc, vợ là nữ diễn viên Trần Kiếm Nguyệt, đóng Hương Lăng trong Hồng lâu mộng 1987.
Âu Dương Phấn Cường vào đoàn phim muộn nhất. Đạo diễn yêu cầu anh "chơi khăm" các nữ diễn viên trong đoàn để tìm cảm giác đóng Giả Bảo Ngọc. Ngoại hình cũng như mọi biểu hiện của anh đều rất tốt, tuy nhiên không thể phủ nhận rằng nhờ sự không may của Hầu Trường Vinh và Mã Quảng Nho mà Âu Dương Phấn Cường có vai diễn để đời.
Trần Hiểu Húc bị chê không đủ đẹp
Việc tuyển chọn diễn viên vào vai Lâm Đại Ngọc cũng rất ly kỳ. Ban đầu, ứng cử viên cho vai này là Trương Lôi, Trương Tĩnh Lâm, Thẩm Lộ, Hồ Trạch Hồng, đều là mỹ nhân. Tuy nhiên, do lớn tuổi nên Trương Lôi bị loại, được giao vai Tần Khả Khanh (một vai phụ có thời lượng lên sóng rất ít). Trương Tĩnh Lâm cũng không được chọn do khí chất không phù hợp, cô được giao vai Tình Văn và đã thể hiện xuất sắc nhân vật này, trở thành một trong những nhân vật a hoàn để lại dấu ấn không quên.
Trong khi nói chuyện với đạo diễn Vương Phù Lâm, diễn viên Hồ Trạch Hồng thể hiện tính cách cứng rắn, thẳng thắn, không có phong thái liễu yếu đào tơ, lắm sầu nhiều bệnh của Lâm Đại Ngọc nên được chuyển sang đóng Giả Tích Xuân. Còn Thẩm Lộ biểu diễn điệu nhảy disco trong quá trình tuyển chọn, không thể hiện nổi thần thái u buồn của Lâm Đại Ngọc nên cuối cùng chỉ nhận được vai nàng Thu Đồng điêu ngoa, cũng là nhân vật xuất hiện ít trên phim.
Còn Trần Hiểu Húc - người sau này gắn liền với cái tên Lâm Đại Ngọc - vốn bị đạo diễn chê là nhan sắc không đủ để nhận vai này. Tuy nhiên, vẻ mong manh, khí chất u buồn, tao nhã trời sinh của cô cuối cùng đã thuyết phục được Vương Phù Lâm.
Nhà sản xuất tiết lộ, khác với vẻ ngoài sầu muộn, Trần Hiểu Húc thực chất khá tinh nghịch. Có lần, khi đạo diễn ngồi bên hồ nghĩ cách quay cảnh tiếp theo, Trần Hiểu Húc thốt lên: "Đạo diễn nhìn giống cậu bé cô độc" (Cậu bé cô độc là tên một bài hát đang được yêu thích lúc đó). Từ hôm ấy, các thành viên đoàn phim đều gọi Vương Phù Lâm bằng biệt danh này.
Những bất ngờ khác
Vai Vương Hy Phượng lúc đầu được trao cho Nhạc Vận, nhưng cô đang hẹn hò với một diễn viên Hong Kong nên bỏ vai. Vì thế cơ may thuộc về Đặng Tiệp. Vốn bị chê thấp nên khi đóng Vương Hy Phượng, Đặng Tiệp khá áp lực. Tuy nhiên, tài năng diễn xuất xuất sắc của cô đã bù đắp khuyết điểm này và tạo nên một vai diễn kinh điển.
Diễn viên Lý Đình (vai Giả Mẫu) vốn làm công tác chỉ đạo lời thoại. Sau đó, do bế tắc trong việc tì người đóng vai này nên đạo diễn để bà thử. Không ngờ khi Lý Đình mặc y phục của Giã Mẫu thì lập tức lộ ra khí chất cao quý mà hiền từ của nhân vật. Bà liền được giao ngay vai này.
Cao Hoằng Lượng - người đóng Giả Liễn - vốn là chồng của nhân viên hóa trang, chưa từng đóng phim. Đạo diễn thấy anh có ngoại hình đẹp, nên để anh thử vào vai công tử trăng hoa nhà họ Giả. Tuy không có nhiều đất diễn nhưng Cao Hoằng Lượng đã thể hiện thành công nhân vật này.
Trong 35 năm qua, Hồng lâu mộng 1987 đã được phát sóng lại hơn 1.000 lần. Năm 2008, bộ phim được bình chọn là một trong 30 tác phẩm truyền hình có sức ảnh hưởng lớn nhất suốt 30 năm lịch sử phim truyền hình Trung Quốc (tính từ 1978).
Vân Anh(Sina)