Ngày 11/4, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, đây là ca tử vong nghi do bệnh dại đầu tiên trên địa bàn tỉnh trong năm nay.
Bệnh nhân là Đ.N.Y. (9 tuổi, trú tại thôn Hoà Lộc, xã Chư Kpô, huyện Krông Búk). Bé Y. khởi phát bệnh ngày 9/4 với các triệu chứng sốt cao, nôn ói, sợ nước, sợ gió, ăn uống sặc. Gia đình cho trẻ nhập Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để điều trị.
Bệnh nhân vào viện lúc 0h12 ngày 10/4 với chẩn đoán theo dõi bệnh dại. Lúc 3h5 cùng ngày, gia đình xin cho em Y. về nhà do tình trạng quá nặng. Bé tử vong lúc 17h.
Theo người nhà bệnh nhi, khoảng cuối tháng 1, bé Y. bị chó cắn vào cẳng tay (không nhớ rõ ngày), không đi tiêm phòng dại.
Ngay sau khi phát hiện ca bệnh, ngành y tế đã điều tra, xác minh, đồng thời tư vấn cho người nhà bệnh nhân về bệnh dại và truyền thông kiến thức phòng, chống cho gia đình, cộng đồng xung quanh. Cơ quan này cũng thông báo về trường hợp bệnh cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh để phối hợp xử lý.
Từ đầu năm đến nay, nhiều tỉnh, thành trên cả nước ghi nhận hàng loạt trường hợp người bị chó dại cắn.
Theo ghi nhận của Zing, trong tháng 1, khoa Cấp cứu của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, ghi nhận 230 ca cấp cứu do vật nuôi cắn cần tiêm mũi mới hoặc mũi nhắc lại và 126 ca trong tháng 2.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Nghệ An cũng cho hay tháng 1 và 2, tỉnh này có 1.454 người bị các loại động vật chó, mèo cắn, cào gây thương tích phải đi tiêm vaccine phòng dại, trong đó, 326 người bị cắn ở mức độ 3 (bị một hay nhiều vết cắn xuyên da hoặc vết cào, vết liếm trên da hở).
Tính đến đầu tháng 4, Nghệ An báo cáo 3 trường hợp tử vong vì bệnh dại. Tất cả trường hợp đều được đưa đến bệnh viện khi đã có dấu hiệu phát bệnh dại và không được tiêm phòng dại trước đó.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Cà Mau, từ đầu năm đến nay, địa phương này phát hiện 7 ổ dịch dại trên đàn chó. Năm trước đó, toàn tỉnh Cà Mau báo cáo 15 ổ dại trên đàn chó và hơn 5.800 trường hợp bị động vật cắn phải điều trị dự phòng dại.