Tính đến ngày 13/4/1975, các cánh quân của ta đã hành tiến áp sát và chuẩn bị tiến công "lá chắn thép" Phan Rang, phòng tuyến "tử thủ" Sài Gòn từ xa của quân địch.
Trưa cùng ngày, Bộ Tổng Tư lệnh điện cho Bộ Chỉ huy Chiến dịch Xuân Lộc - Long Khánh, chỉ thị: Ở hướng Xuân Lộc hiện không nên thêm lực lượng. Với lực lượng sẵn có, chuyển cách đánh cho thích hợp để đạt những yêu cầu đề ra.
Thượng tướng Trần Văn Trà, Phó Tư lệnh Bộ chỉ huy chiến dịch, đến Sở chỉ huy cùng Tư lệnh Quân đoàn 4 nghiên cứu diễn biến trận đánh, quyết định tổ chức lại lực lượng, thay đổi cách đánh Chiến dịch Xuân Lộc.
Xuất phát từ nhận định cơ bản là đối với toàn tuyến phòng thủ Sài Gòn của địch, Xuân Lộc chỉ có giá trị khi được nối liền với Biên Hòa, Bộ chỉ huy chiến dịch và Quân đoàn 4 chủ trương lập thế trận mới, cô lập và cắt rời Xuân Lộc ra khỏi Biên Hòa bằng cách đánh chiếm ngã ba Dầu Dây, cắt Đường 1, chặn quân địch từ Biên Hòa, Trảng Bom lên phản kích và đánh chiếm Tân Phong, cắt Đường 2 đi Bà Rịa.
Quyết định thay đổi cách đánh đã mở ra hướng phát triển mới ở mặt trận Xuân Lộc, phản ánh sự nhạy bén, bám sát thực tiễn và quyết đoán của Bộ Chỉ huy trong quá trình điều hành chiến dịch.

Ngày 13/4/1975, Bộ Tư lệnh chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định nhất trí đề nghị lên Bộ Chính trị cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn được mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Thành ủy Sài Gòn - Gia Định tập trung khâu chỉ đạo chuẩn bị cho đòn nổi dậy phát động quần chúng, rải truyền đơn phát triển thực lực. Các cấp đều được tăng cường cán bộ, đảng viên và các cơ sở quần chúng. Biệt động thành nắm chắc các lực lượng quan trọng, như 60 tổ biệt động, hơn 300 quần chúng có vũ trang, để sẵn sàng phát động quần chúng nổi dậy.
Ngoài ra, lực lượng đứng ở vùng ven cũng được lệnh sẵn sàng tiến vào nội đô, lực lượng hậu cần bảo đảm cho chiến dịch cũng được triển khai hoạt động. Các đoàn bảo đảm tốt nhất cho các hướng của mình như: 210, 814, 235, 220, 230, 240. Các hướng hậu cần đã kết hợp chặt chẽ với cơ sở hậu cần vùng ven và nội đô thành đội để tiếp nhận sự chi viện của Trung ương, xây dựng thế trận cung cấp liên hoàn rộng khắp.
Ở Quân khu 8, ngày 13/4/1975, hai trung đoàn 24, 88 và 2 tiểu đoàn của tỉnh Long An nổ súng tiến công địch ở Tân Trụ.
Ở Quân khu 9, từ 13 đến 20/4/1975, lực lượng của Quân khu đánh nhỏ lẻ, diệt 2 đại đội thuộc trung đoàn 31 và 3 xe M113 trên Quốc lộ 4 và vùng ven, đồng thời tích cực chuẩn bị sẵn sàng đánh chiếm, cắt đứt con lộ này, bao vây, pháo kích vào sân bay Trà Nóc, sẵn sàng đánh chiếm hai thị xã Vĩnh Long, Trà Vinh.
Cũng trong ngày 13/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp điện chỉ thị cho đồng chí Hai Mạnh và Khu ủy khu 5, nhấn mạnh thời cơ đánh chiếm các đảo ở ngoài khơi: Nếu địch đã rút toàn bộ hay đại bộ phận lực lượng thì đánh chiếm ngay các đảo.