Bài học về tạo thời cơ, chớp thời cơ trong đại thắng mùa Xuân năm 1975

Trường Giang/VOV | 02/04/2025, 10:10

VOVLIVE - Nghệ thuật tạo thời cơ, nắm thời cơ và hành động đúng thời cơ là một trong những yếu tố quyết định đến thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Đầu năm 1975, trước những chuyển biến mau lẹ trên chiến trường, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã hạ quyết tâm chiến lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Bằng các đòn tiến công chiến lược như: Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế - Đà Nẵng và đòn quyết chiến chiến lược cuối cùng, Chiến dịch Hồ Chí Minh đã làm sụp đổ hoàn toàn chính quyền tay sai Việt Nam Cộng hòa sau hơn 20 năm đế quốc Mỹ dựng nên.

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc và mang tầm vóc thời đại. Chiến thắng này đã để lại cho chúng ta nhiều bài học, kinh nghiệm quý báu, đặc biệt là bài học về tạo thời cơ, nắm thời cơ, chớp thời cơ vào những thời điểm quyết định. Phóng viên VOV phỏng vấn Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thanh, Chủ nhiệm Khoa Chiến dịch, Học viện Quốc phòng về nội dung này.

Tất cả các quân đoàn cơ động tiếp cận với Sài Gòn với một thế trận bao vây

PV: Để thực hiện quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo các lực lượng tổ chức hành quân thần tốc từ xa, trên nhiều hướng để tập trung lực lượng cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng – Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đây có được coi là một trong những nét đặc sắc nhất của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến tranh giải phóng dân tộc?

Đại tá Nguyễn Quốc Thanh: Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã đi vào lịch sử của dân tộc ta như một mốc son chói lọi. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm, cùng nhìn lại thời khắc lịch sử đó để càng thêm tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc.

Trong đó, việc tổ chức hành quân thần tốc để tập trung lực lượng là một trong những nét đặc sắc nhất. Một trong những nhân tố góp phần quyết định thắng lợi của trận quyết chiến chiến lược, Chiến dịch Hồ Chí Minh. Nét đặc sắc đó là thể hiện của nghệ thuật tiến hành chiến tranh nhân dân, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hy sinh để gấp rút đẩy nhanh, mạnh tốc độ hành quân, bảo đảm cho trận quyết chiến giành toàn thắng.

Theo dõi những chuyển biến trên chiến trường, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương nhận định thời cơ chiến lược đã chín muồi. Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp thay mặt Thường trực Quân ủy ký bức điện gửi đến toàn mặt trận với nội dung; “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng”.

Theo mệnh lệnh thần tốc, các quân đoàn lập tức hành quân xa trên nhiều hướng để tập trung lực lượng. Ví dụ như Quân đoàn 1 đang đứng chân ở Ninh Bình, chỉ có 4 ngày làm công tác chuẩn bị cho hơn 30.000 người hành quân thần tốc 12 ngày đêm, trải qua một chặng đường dài hơn 1.700 km để đến vị trí tập kết Đồn Xoài bằng đường thủy, đường sắt và đường bộ, sẵn sàng nhận nhiệm vụ tác chiến. Như vậy là tất cả các quân đoàn đã cơ động tiếp cận với Sài Gòn với một thế trận bao vây tạo nên một thế hiểm và mạnh, sẵn sàng cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.

PV: Khi nghiên cứu về lịch sử quân sự, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, trong chiến tranh, thời gian là lực lượng, thời gian là sức mạnh. Điều này được minh chứng rõ nét, sinh động trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thưa ông?

Đại tá Nguyễn Quốc Thanh: Nhận định đó thì hoàn toàn đúng và rất phù hợp với nghệ thuật quân sự. Vấn đề đó cũng được thể hiện rõ nét trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trước thời khắc giải phóng Đà Nẵng, vào lúc 18h ngày 27/3/1975, trong bức điện của Bộ Chính trị gửi cho Chiến dịch đã nhận định và đánh giá như sau: Trong lúc này, thời gian là lực lượng, phải hành động hết sức táo bạo, bất ngờ, làm cho địch không kịp trở tay.

Vì sao chúng ta xác định thời gian là sức mạnh, là lực lượng? Vì trong quân sự, tư tưởng chắc thắng và thần tốc luôn luôn có mối quan hệ biện chứng với nhau. Như chúng ta đều biết, nghệ thuật tạo thời cơ, nắm thời cơ và hành động đúng thời cơ là một trong những yếu tố quyết định đến thắng lợi. Nhưng thời cơ thường chỉ diễn ra trong một thời gian rất ngắn. Vì vậy, để chớp lấy thời cơ đó thì yếu tố thời gian là vấn đề hết sức quan trọng.

Ở đây, khi thời cơ chiến lược xuất hiện, chúng ta cũng bắt đầu cuộc chạy đua với thời gian. Cuộc chạy đua thời gian này càng ngày càng trở nên gấp rút. Khi cả ta và địch đều rất chú ý đến sử dụng yếu tố thời gian. Âm mưu của địch là ngăn chặn đà tiến công của ta, cho đà tiến công của ta chậm lại, kéo dài cuộc chiến đến mùa mưa để họ còn có hy vọng và một cách nào đó, một lực lượng nào đó cứu họ.

Còn ta thì ngược lại, chúng ta thần tốc và giáng sức tiêu diệt chúng trước mùa mưa. Yếu tố thời gian đã trở thành lực lượng và sức mạnh khi ta hình thành thế bao vây chặt Sài Gòn với thời gian ngắn nhất. Như tôi vừa nói, tất cả các quân đoàn hành quân thần tốc từ tất cả các hướng để tiến về Sài Gòn. Chớp thời cơ, 17h chiều 26/4/1975, ta nổ súng mở màn chiến dịch.

Từ 5 hướng, các quân đoàn đồng loạt tiến công vào Sài Gòn. Đến ngày 28/4, ta đã chọc thủng tuyến vòng ngoài. Từ chiều 29/4, quân ta tổng tiến công, các quân đoàn tiến công theo cách đánh hành tiến, nhằm thẳng các mục tiêu đã được phân công và nhanh chóng đánh chiếm mục tiêu. Các quân đoàn khi tiến về Sài Gòn đều đánh theo cách hành tiến, đảm bảo yêu cầu về thời gian. Thời gian là lực lượng ở chỗ đó.

Đúc rút nhiều bài học, kinh nghiệm quý trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc

PV: Quá trình mà cánh quân cơ động và tham gia tác chiến thì lực lượng, phương tiện, binh khí kỹ thuật rất lớn. Vậy vấn đề chỉ huy, hiệp đồng tác chiến giữa các lực lượng được thực hiện như thế nào?

Đại tá Nguyễn Quốc Thanh: Trong nghệ thuật tác chiến, vấn đề chỉ huy hiệp đồng tác chiến là hết sức quan trọng. Trong tác chiến, công tác chỉ huy hiệp đồng luôn giữ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, nhằm thống nhất phối hợp hành động của tất cả các lực lượng tham gia.

Với quyết tâm chiến lược là giải phóng Sài Gòn, cơ quan tiền phương của Bộ là Đoàn A75 đã rời Tây Nguyên để vào miền Đông Nam Bộ về cơ quan của Bộ Chỉ huy Miền, phía Tây thị trấn Lộc Ninh, thành lập Sở chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn nhằm mục đích thống nhất về mặt chỉ huy và hiệp đồng tác chiến cho tất cả các lực lượng tham gia chiến dịch.

Về bảo đảm thông tin cho chỉ huy hiệp đồng, ta đã hình thành một hệ thống gồm mạng thông tin chiến lược và chiến dịch, huy động một lực lượng lớn thông tin chưa từng thấy, từ thông tin hữu tuyến điện cho đến vô tuyến điện, đến thông tin vận động, bảo đảm cho sự chỉ đạo chiến lược, chỉ huy chiến dịch thông suốt nhanh chóng từ đầu đến cuộc tổng tiến công và đến kết thúc cuộc tổng tiến công.

Đặc biệt, đường dây thông tin hữu tuyến kéo dài đến tận Lộc Ninh. Từ Hà Nội có thể chỉ đạo trực tiếp tới nhiều chiến trường, truyền lệnh đến các cánh quân trên các hướng trong quá trình cơ động chiến đấu. Bộ Tổng Tư lệnh trực tiếp nắm và chỉ huy các hướng tác chiến đến tận Bắc của Sài Gòn.

Thực hiện theo nền nếp báo cáo thì xin Chỉ thị của Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị đến từng giờ trong từng tình huống khẩn trương và phức tạp. Tổ chức chặt chẽ trực chiến nắm tin, báo cáo cấp trên và truyền lệnh thông báo hướng dẫn hành động cho các chiến trường. Vì vậy, Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ huy hiệp đồng các cánh quân thần tốc hình thành thế bao vây Sài Gòn theo đúng kế hoạch và theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị.

PV: Theo ông, việc Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương nhận định đúng thời cơ, chớp lấy thời cơ để cơ động lực lượng dồn sức cho trận quyết chiến cuối cùng, kết thúc cuộc chiến tranh có được coi là một trong những bài học cần được nghiên cứu, vận dụng, bổ sung và phát triển cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay?

Đại tá Nguyễn Quốc Thanh: Nghiên cứu về cơ động lực lượng thần tốc, chúng ta có thể đúc rút ra nhiều bài học, kinh nghiệm quý để vận dụng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, có thể kể đến một số bài học như sự chỉ đạo đúng đắn sáng tạo của cấp chiến lược là nhân tố cơ bản để quyết định thắng lợi của chiến dịch.

Ở đây, chúng ta thấy Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã sáng suốt đánh giá tình hình, nhận định thời cơ, chỉ đạo hành động của các lực lượng đúng thời cơ, không thể sớm hơn hoặc không thể muộn hơn là luôn bám sát hành động và luôn đôn đốc các cánh quân tiến về Sài Gòn, kịp thời.

Đặc biệt, đối với cơ động lực lượng, chúng ta cần kế thừa, đó là học tạo thời cơ, nắm thời cơ, chớp thời cơ trong quá trình tác chiến. Trong tác chiến, khi điều kiện thuận lợi xuất hiện thời cơ, đòi hỏi chủ thể phải hành động kiên quyết, kịp thời, phù hợp với thời cơ và sức mạnh để chiến thắng địch. Ngược lại nếu ta bỏ lỡ thời cơ, sẽ dẫn tới không đạt được kết quả mong muốn hoặc là thất bại.

PV: Để có thể cơ động nhanh, đáp ứng theo yêu cầu tác chiến của chiến tranh hiện đại đặt ra cho công tác huấn luyện, rèn luyện bộ đội những yêu cầu như thế nào?

Đại tá Nguyễn Quốc Thanh: Hiện nay chúng ta chứng kiến cuộc chiến tranh công nghệ cao, để nâng cao sức cơ động của bộ đội hiện nay, theo tôi cần phải tăng cường công tác huấn luyện, rèn luyện, hành quân xa, mang vác nặng, không ngừng nâng cao thể lực cho bộ đội theo một chương trình có tính khoa học.

Bên cạnh đó, cần đảm bảo đủ các phương tiện cơ giới, thường xuyên huấn luyện, rèn luyện nâng cao khả năng cơ động cho các đơn vị cơ giới này. Và nhất là các đơn vị thuộc các quân, binh chủng được trang bị các loại vũ khí, phương tiện hiện đại.

Phải xây dựng hệ thống chỉ huy hiệp đồng thông tin liên hạc theo hướng chính quy, hiện đại, thông suốt, giảm khâu trung gian, nhằm nâng cao khả năng cơ động cho các lực lượng. Tức là truyền một thông tin đến lực lượng cơ động là với thời gian nhanh nhất, để cơ động lực lượng nhanh nhất, kịp thời nhất để đánh địch khi có chiến tranh xảy ra.

PV: Xin cảm ơn ông.

Bài liên quan
Những chiếc xe tăng làm nên chiến tích lẫy lừng trong Đại thắng mùa Xuân 1975
Những chiếc xe tăng và bộ đội tăng - thiết giáp đã tạo nên hàng loạt chiến tích lẫy lừng trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Chủ tịch Quốc hội và Phu nhân đến Yerevan, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Armenia
VOVLIVE - Rạng sáng 2/4, (theo giờ Hà Nội) Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân đã đến sân bay Quốc tế Zvartnots, Yerevan, bắt đầu chuyến thăm chính thức Cộng hòa Armenia theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan từ ngày 2 đến ngày 5/4/2025.
Mới nhất