Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Đổi mới để làm rõ ranh giới lãnh đạo, quản lý

20/09/2024, 09:33

Bài viết "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới" của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu lên những vấn đề cấp bách cần đổi mới trong phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Trong đó, cần tiếp tục đổi mới để làm rõ ranh giới giữa vai trò lãnh đạo của Đảng và chức năng quản lý của Nhà nước.

Ranh giới “lãnh đạo” và “quản lý” còn mơ hồ

Ông Võ Ái Dân, Nguyên Vụ trưởng Vụ Công tác phía Nam Văn phòng Quốc hội đánh giá, các vấn đề mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đặt ra trong bài viết "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới" rất sát thực tiễn.

Nhắc lại quãng thời gian từng phục vụ ở Quốc hội, từng tiếp xúc với nhiều lãnh đạo cấp cao, ông Võ Ái Dân cho biết, đã có lãnh đạo cấp cao từng nói với ông rằng: Cái khó lớn nhất lãnh đạo Đảng là làm theo vị trí của tổ chức Đảng, làm cho đúng chức năng của Đảng.

Ông cho rằng, một "cái yếu" của Đảng ta đã tồn tại từ trước đến nay là vẫn còn tình trạng "bao biện, ôm đồm" việc của người khác, của cơ quan chức năng khác, dẫn đến thực tế khi gặp vấn đề phức tạp thì đẩy qua đẩy lại, khó quá thì đẩy lên trên.

"Cho nên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đặt vấn đề này thực tế đi đúng vào trọng tâm cái yếu của mình đã chỉ ra. Cái yếu này không chỉ mới đây mà cái yếu này có từ lâu. Đó là một thực tế", ông Võ Ái Dân đánh giá.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Sơn, Khoa Xây dựng Đảng, Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh, vấn đề Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu lên trong bài viết là yêu cầu cấp bách, giúp Đảng nâng cao vai trò lãnh đạo, cầm quyền trong tình hình mới; đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân. Đồng thời giúp bảo vệ và phát huy những thành quả cách mạng đã đạt được.

Một trong những công tác trọng tâm được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đặt ra là việc thực hiện nghiêm phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, không để diễn ra tình trạng Đảng bao biện, làm thay chức năng của Nhà nước nhưng không được buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng. Hai yêu cầu đó phải đi song song như đôi cánh của một con chim, mà nếu quá coi trọng hoặc coi nhẹ "cánh" nào thì đều không đạt.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Sơn cho biết, đây là nhìn nhận sâu sát vì một thực tế hiện nay việc vận hành hệ thống chính trị của chúng ta chưa có sự rõ ràng trong phân định ranh giới giữa “lãnh đạo” và “quản lý”, dẫn tới mô hình tổ chức có sự chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ, gây khó khăn trong phân công, phân cấp, phân quyền và trách nhiệm.

Sự chồng chéo này làm ranh giới giữa “lãnh đạo” và “quản lý” có nơi, có việc trở nên mờ nhạt. Cấp lãnh đạo có thể viện dẫn lý do "lãnh đạo" để can thiệp vào công tác chuyên môn, thậm chí ra quyết định thay cho cấp dưới; cấp ủy Đảng làm thay, quyết thay cho chính quyền.

Ngược lại, việc can thiệp quá sâu của cấp trên dẫn đến tình trạng cấp dưới trông chờ, lệ thuộc vào cấp trên, dễ dẫn đến bao biện, làm thay hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo. Và sự trì trệ trong công việc và làm giảm năng lực của cấp dưới xuất phát từ nguyên nhân này.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Sơn, hậu quả sự chồng chéo trên làm giảm hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, làm suy yếu trách nhiệm cá nhân. Bởi khi ranh giới không rõ ràng, trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trở nên mơ hồ sẽ gây khó khăn trong đánh giá, khen thưởng hoặc xử lý kỷ luật.

Bên cạnh đó, sự trông chờ vào những chỉ đạo chi tiết từ cấp trên cũng làm giảm tính chủ động, sáng tạo của cấp dưới. Đồng thời dễ dẫn đến tiêu cực, tham nhũng vì ranh giới không rõ ràng, cơ hội để lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi cá nhân sẽ tăng lên.

"Để khắc phục những bất cập đó, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, chẳng hạn như việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống quy định của Đảng về cơ chế lãnh đạo, cầm quyền của Đảng bằng pháp luật và thông qua pháp luật. Quy định rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân của hệ thống tổ chức của Đảng và hệ thống chính quyền Nhà nước và cả hệ thống chính trị. Song song với đó là tinh gọn bộ máy; từng bước xây dựng một văn hóa lãnh đạo, văn hóa Đảng một cách lành mạnh. Và cuối cùng là thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, kịp thời đồng thời phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm", Tiến sĩ Nguyễn Hữu Sơn đề xuất.

Phải nhuẫn nhuyễn, đồng bộ

Từ góc độ đảng bộ cơ sở, ông Nguyễn Hữu Lê, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước cho rằng, bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, có thể coi như là một thông điệp quan trọng, góp phần định hướng công tác xây dựng Đảng, nhất là nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong giai đoạn cách mạng hiện nay.

Trong bài viết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhiều lần nhắc đến cụm từ “lãnh đạo”, cũng như giải thích việc lãnh đạo của Đảng là gì, ông Nguyễn Hữu Lê cho rằng, bản thân ông cũng như Đảng ủy cấp cơ sở đều xác định phương thức lãnh đạo của Đảng là bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách, các chủ trương bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức công tác kiểm tra.

"Đối với cấp cơ sở, cấp cuối cùng như chúng tôi sát với nhân dân thì nó phải có sự cụ thể hóa, gần gũi, thiết thực, làm cho công tác tuyên truyền, vận động, nêu gương của cán bộ, đảng viên phải thật sự hiệu quả. Các chủ trương chính sách phải xuất phát từ thực tiễn của cuộc sống. Qua quá trình tổng hợp chắt lọc thì các chủ trương chính sách này phải quay lại phục vụ đời sống của Nhân dân".

Trong bài viết "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới" của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, một công tác trọng tâm đặt ra cũng rất đáng quan tâm nữa là việc tiếp tục đổi mới công tác kiểm tra, giám sát.

Theo ông Võ Ái Dân, nguyên Vụ trưởng Vụ Công tác phía Nam Văn phòng Quốc hội, đây là vấn đề rất quan trọng, bởi kiểm tra, giám sát là công tác “giữ cửa cho Đảng”; người được giao nhiệm vụ giám sát, kiểm tra phải là người dũng cảm, có trí tuệ và phải kiên trì, đặc biệt là phải lắng nghe tiếng nói phản biện, nhiều chiều từ người dân.

Công tác kiểm tra, giám sát phải lấy “xây dựng Đảng” làm cốt lõi, vì có như vậy qua kiểm tra, giám sát mới tìm thấy được những nhân tố mới cho sự phát triển của Đảng, của xã hội.

"Hiện nay có một khuynh hướng là tìm cái sai, khuyết điểm. Mà kiểm tra, giám sát của Đảng là tìm ra những gì phát sinh mới, có lợi cho dân, để từ đó làm bài học tốt cho công việc hiện tại và sắp tới. Xây dựng Đảng là quan trọng nhất. Xây dựng là phát hiện ra cái tốt, cái hay, cái mới, cái tiến bộ. Đoàn kiểm tra, giám sát phải nghĩ được rằng, tìm ra được cái đó, còn quý hơn là tìm ra sai phạm".

Dẫn lời của V.I Lênin ở cuối bài viết: “Khi tình hình đã thay đổi và chúng ta phải giải quyết nhiệm vụ thuộc loại khác thì không nên nhìn lại đằng sau và sử dụng những phương pháp của ngày hôm qua”, bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã khẳng định, việc đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng là yêu cầu, là quy luật tất yếu, từ đó thống nhất nhận thức, hành động chung vì sự phát triển của đất nước.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Toàn cảnh Lễ đón Thủ tướng Nga thăm chính thức Việt Nam
Ngày 14/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Lễ đón Thủ tướng Nga Mikhail Vladimirovich Mishustin sang thăm chính thức Việt Nam.
  • TP.HCM xếp thứ hai thế giới về ô nhiễm không khí
    Sáng sớm 14/1, TP.HCM tiếp tục xuất hiện sương mù dày đặc, chỉ số chất lượng không khí ở mức rất xấu, có lúc ở vị trí thứ 2 thế giới.
  • Chế độ nghỉ hưu trước tuổi từ 1/1/2025
    Điều 2 Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025 quy định cụ thể chế độ nghỉ hưu trước tuổi đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng như sau.
  • Thông tư mới về dạy thêm học thêm: "Quản chứ không cấm"
    Ngày 30/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Thông tư có hiệu lực từ 14/02/2025, với rất nhiều điểm mới so với quy định hiện hành tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.
Mới nhất