Bắc Giang bắt đầu thu hoạch vải thiều, giá tại vườn khoảng 35.000 đồng/kg

Thành Lâm | 16/05/2024, 14:49

VOVLIVE - Nhiều vườn vải thiều tại Bắc Giang bắt đầu cho thu hoạch, mặc dù sản lượng dự kiến giảm 50% nhưng giá thu mua tại vườn cũng không tăng quá mạnh.

Trả lời VTC News, ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Bắc Giang cho biết, hiện nay tại một số vườn vải chín sớm trên địa bàn huyện Tân Yên và Lục Ngạn, người dân đã bắt đầu thu hoạch.

"Một số vườn vải chín sớm đã được người dân thu hoạch, mức giá thu mua tại vườn dao động khoảng 35.0000 - 40.000 đồng/kg. Vải chính vụ sẽ được thu hoạch trong khoảng 1 tháng tới. Chúng tôi đang lên kế hoạch đưa quả vải đi xuất khẩu, dự kiến giá vải xuất khẩu năm nay sẽ tăng", ông Tặng nói.

Nhiều vườn vải chín sớm tại Bắc Giang đã cho thu hoạch. (Ảnh minh họa: Sở NNPTNN Bắc Giang)
Nhiều vườn vải chín sớm tại Bắc Giang đã cho thu hoạch. (Ảnh minh họa: Sở NNPTNN Bắc Giang)

Trước đó, theo ghi nhận của VTC News, nông dân trồng vải ở Bắc Giang đang trải qua những ngày buồn chưa từng có, bởi trong vài chục năm trong nghề, chưa bao giờ họ thấy vải mất mùa như thế. Thậm chí, nhiều vườn vải gần như hoàn toàn không ra trái, khiến người trồng phải chặt bỏ để đợi cho mùa sau.

Nguyên nhân khiến cây vải không kết trái là do thời tiết năm nay bất thường. Mùa đông năm nay ấm, không có các đợt rét kéo dài. Thời điểm cây ra hoa, thời tiết lại xuất hiện mưa nhiều khiến hoa bị chột, thúc đẩy lộc non phát triển, hoa không thể phát triển phôi thành quả.

Lãnh đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Ngạn cho biết, mùa vụ 2024, huyện xây dựng kế hoạch sản lượng vải thu hoạch là 98.500 tấn, tuy nhiên với tình hình hiện tại, sản lượng ước tính chỉ đạt được hơn 40.000 tấn.

Trước nguy cơ mất mùa vải thiều, nhiều doanh nghiệp cũng phải giảm sản lượng xuất khẩu. 

Ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc điều hành Công ty CP Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu cho biết, công ty của ông vừa phải gửi thư cho các đối tác quốc tế, thông báo việc chỉ có thể phân phối khoảng 20% sản lượng vải thiều theo hợp đồng đã ký trước đó.

Theo ông Hưng, kế hoạch lúc đầu, công ty dự định thu mua khoảng 2.000 tấn vải để xuất khẩu và sản xuất các sản phẩm từ quả vải. Thế nhưng hiện nay, kế hoạch đã phải thay đổi, cố gắng đạt được mức thu mua 500 tấn.

Theo khảo sát của chúng tôi, những vườn mà sản lượng năm ngoái đạt khoảng 300 tấn thì năm nay dự kiến chỉ thu được khoảng 10 tấn. Trong khoảng 10 năm làm xuất khẩu quả vải thiều, chưa bao giờ chúng tôi thấy tình trạng mất mùa nghiêm trọng như thế này. Có thể gọi là lịch sử đấy”, ông Hưng nhấn mạnh.

Hiện tỉnh Bắc Giang đang duy trì và kiểm soát chặt chẽ 223 mã vùng trồng vải thiều, với diện tích khoảng 17.198 ha. “Trong năm 2024, vải thiều Bắc Giang được đánh giá có chất lượng cao nhất từ trước tới nay”, đại diện Sở Công Thương Bắc Giang thông tin.

Các kênh tiêu thụ vải thiều thông qua các thương nhân phân phối, chợ đầu mối các tỉnh phía Bắc (Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng...), các tỉnh, thành phố miền Trung và miền Nam (Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn - TP.HCM, Dầu Dây - Đồng Nai, Hòa Cường - Đà Nẵng...), các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị (GO, Mega Market, Saigon Co.op, Hapro, Aeon…), các chợ truyền thống thông qua các thương nhân, doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ...và trên các sàn thương mại điện tử lớn trong nước và quốc tế (Voso, Sendo, Tiki, Shopee, Lazada, Postmart, Alibaba, Amazon…); bán trực tuyến trên nền tảng online, mạng xã hội Facebook, Zalo, Youtube…

Thành Lâm
Bài liên quan
Cách bảo quản vải thiều tươi lâu, không khô vỏ
Loại trái cây mùa hè này rất nhanh héo và trở nên kém ngon, bạn cần biết cách bảo quản vải thiều tươi lâu, không khô vỏ nếu mua nhiều hoặc cần để dành.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư Tô Lâm: "Chuyển mình chậm là lạc hậu với thế giới"
VOVLIVE - Trao đổi với các học viên cán bộ quy hoạch Uỷ viên Trung ương Đảng khoá XIV, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, cần phải có kế hoạch dài hạn để đạt được mục tiêu đã đề ra. Bởi thế giới đang thay đổi liên tục, chuyển mình chậm là lạc hậu với thế giới.
Mới nhất