Giá vàng tăng điên cuồng, làm gì để hạ nhiệt?

Ngọc Vy | 17/04/2025, 13:30

Thời gian gần đây, giá vàng trong nước liên tục "phi mã" và lập những đỉnh cao nhất lịch sử, vậy cần làm gì để chặn đứng đà tăng điên cuồng này?

Cần sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước

Theo ông Nguyễn Quang Huy, chuyên gia tài chính, Đại học Nguyễn Trãi, trong bối cảnh giá vàng thế giới vượt 3.300 USD/ounce và giá vàng trong nước lên đến 118 triệu đồng/lượng, chênh lệch lớn giữa hai thị trường đang đặt ra nhiều thách thức cho việc điều hành kinh tế vĩ mô.

Để kiểm soát tình trạng tăng "nóng" và hạn chế rủi ro đầu cơ, việc ổn định thị trường vàng cần được thực hiện một cách thận trọng, tinh tế và hiệu quả.

Ngân hàng Nhà nước với vai trò là cơ quan quản lý thị trường cần tiếp tục áp dụng các chính sách và công cụ điều tiết phù hợp nhằm cân đối cung - cầu, đảm bảo thanh khoản, ổn định tâm lý thị trường và giảm thiểu các hoạt động đầu cơ không lành mạnh gây bất ổn.

Bên cạnh đó, cơ chế thanh tra, giám sát cũng cần được tăng cường để kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi đầu cơ ảnh hưởng tới thị trường.

Song song với đó, cần thực hiện chiến lược truyền thông đồng bộ, lan tỏa thông điệp đầu tư thông minh, tài chính cá nhân chủ động, thay thế dần tâm lý tích trữ vàng vật chất như một kênh “giữ của” truyền thống. Truyền thông nên tiếp cận nhiều tầng lớp - đặc biệt là phụ nữ và người lớn tuổi - bằng hình thức gần gũi, dễ hiểu.

Để hạ nhiệt giá vàng, cần sự vào cuộc của Ngân hàng Nhà nước. (Ảnh: Công Hiếu).
Để hạ nhiệt giá vàng, cần sự vào cuộc của Ngân hàng Nhà nước. (Ảnh: Công Hiếu).

Cuối cùng, sự phối hợp liên ngành giữa Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, cơ quan truyền thông và doanh nghiệp vàng là yếu tố then chốt để xây dựng một thị trường vàng minh bạch, ổn định, hài hòa với xu hướng quốc tế và bền vững trong dài hạn.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân - Đại học Kinh tế TP.HCM cũng cho rằng, lượng cầu tăng cao nhưng nguồn cung khan hiếm khiến giá vàng tăng đột biến, rất có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ phải can thiệp.

Theo tôi, sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước sẽ không quá mạnh như trước đây, bởi hiện có quá nhiều vấn đề cần được ưu tiên hơn thị trường vàng. Trong đó, vấn đề thuế quan và tỷ giá đang rất căng thẳng. Rất khó để sử dụng ngoại tệ nhằm can thiệp vào thị trường vàng ở thời điểm này,” ông Huân nhận định.

Tuy nhiên, ông cho rằng Ngân hàng Nhà nước có thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính hoặc định hướng thị trường. Còn việc yêu cầu các ngân hàng thương mại bán vàng ra thị trường sẽ là điều rất khó thực hiện vì nguồn cung khan hiếm là có thật.

Có thể xây dựng thị trường vàng tín chỉ do Ngân hàng Nhà nước quản lý, hạn chế người dân sở hữu vàng nguyên liệu mới có thể xử lý dứt điểm vấn đề của thị trường vàng và hiện tượng vàng hóa nền kinh tế. Việc cho phép nhập khẩu vàng ở thời điểm này là không khả thi”, ông Huân nói.

Tăng nhập khẩu vàng

TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích, việc nhập khẩu vàng sẽ giúp đáp ứng một phần nhu cầu mua của người dân. Khi nguồn cung hạn chế thì dễ dẫn đến giá tăng cao. Vì thế tăng nguồn cung là giải pháp căn cơ để hạ nhiệt giá vàng.

Tăng nhập khẩu vàng sẽ giúp thị trường vàng bình ổn về giá. (Ảnh: Minh Đức).
Tăng nhập khẩu vàng sẽ giúp thị trường vàng bình ổn về giá. (Ảnh: Minh Đức).

Thời gian qua, nguồn cung vàng miếng SJC chủ yếu là do Ngân hàng Nhà nước bán bình ổn, đó chỉ là giải pháp tạm thời. Trong khi đó do giá vàng ngày càng tăng, người dân không bán ra nên nguồn cung càng khan hiếm. Vì vậy, cơ quan quản lý cần cho các nhà kinh doanh nhập khẩu vàng và chuyển sang vai trò là nhà quản lý, giám sát”, TS. Nguyễn Trí Hiếu đề xuất.

Ông Nguyễn Quang Huy, chuyên gia tài chính, Đại học Nguyễn Trãi cũng nhấn mạnh quan điểm cần phải sửa đổi toàn diện Nghị định 24 để quản lý thị trường vàng hiệu quả hơn.

Theo ông, việc duy trì độc quyền nhập khẩu vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước đang khiến thị trường thiếu cạnh tranh, tạo ra khoảng cách lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới. Vì vậy, ông đề xuất sớm cho phép các đơn vị tham gia nhập khẩu vàng miếng dựa trên các tiêu chí chặt chẽ về tín nhiệm, tài chính, năng lực quản trị rủi ro, trách nhiệm xã hội…trong đó vẫn có sự tham gia của những đơn vị kinh tế có yếu tố Nhà nước mang tính dẫn dắt để đảm bảo an ninh tiền tệ quốc gia và các đơn vị kinh tế tư nhân đảm bảo tính cạnh tranh theo yếu tố thị trường.

Cùng với đó, ông Huy cũng nhấn mạnh cần xem xét mở sàn giao dịch vàng, cho phép giao dịch vàng tài khoản, vàng phái sinh để đa dạng hóa kênh đầu tư, hạn chế giao dịch vàng vật chất trong dân.

Người dân ngừng gom mua

Theo các chuyên gia, bên cạnh sự tác động của giá thế giới thì giá vàng sẽ hạ khi người dân không đổ xô mua vào.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo, người dân không nên đổ xô đi mua vàng khi thị trường đang "nóng", vì điều này càng dễ đẩy giá tăng thêm. Ngoài ra, việc mua vàng trong bối cảnh giá tăng cao như hiện nay sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Không có tài sản nào tăng mãi mà không có điều chỉnh. Nhà đầu tư cần giữ tâm lý tỉnh táo, thận trọng, tránh lao vào thị trường vàng theo cảm xúc, chạy theo đám đông. Thay vào đó nên đa dạng hóa danh mục đầu tư, tập trung vào các lĩnh vực mang lại giá trị dài hạn và bền vững. Bởi việc đầu tư mua vàng ở vùng đỉnh có nguy cơ thua lỗ lớn trong trường hợp thị trường đảo chiều”, ông Hiếu nói.

Tương tự, ông Huy cũng phân tích, nguồn cung vàng SJC đang khan hiếm, trong khi nhu cầu mua vào tăng nhanh. Chênh lệch giá vàng trong nước - thế giới tăng mạnh phản ánh cung cầu lệch pha rõ rệt. Tâm lý “FOMO” (sợ bỏ lỡ cơ hội) khiến nhiều người đổ xô đi mua vàng trong giai đoạn giá tăng mạnh, vô tình tiếp sức thêm cho làn sóng tăng giá.

Thị trường vàng không bao giờ đi theo đường thẳng. Giá có thể tăng rất mạnh trong ngắn hạn nhưng cũng dễ dàng điều chỉnh khi có những yếu tố sau: Tâm lý thị trường thay đổi, chính sách điều hành có can thiệp để ổn định giá, lực bán chốt lời tăng cao từ các tổ chức tài chính quốc tế. Do đó, người dân cần bình tĩnh, quan sát kỹ diễn biến thị trường và không chạy theo tâm lý đám đông”, ông Huy khuyến cáo.

Chuyên gia Trần Duy Phương cũng nhấn mạnh, tâm lý đổ xô đi mua vàng cũng là nguyên nhân khiến giá vàng tăng nóng. Vì vậy, cần có những cảnh báo cụ thể để người dân cũng như nhà đầu tư có cái nhìn đúng về đầu tư vàng thời điểm giá leo thang.

Theo ông, việc người dân đổ xô đi mua vàng tích trữ lúc giá tăng kỷ lục sẽ dễ bị mắc kẹt trong vòng lặp tài chính, dẫn đến rủi ro rất cao. “Người dân không nên mua vì tâm lý đám đông, mua để "lướt sóng" bởi giá vàng đang có nhiều biến động khó lường. Nếu có nhu cầu mua vào thì có thể chờ thời điểm giá điều chỉnh xuống”, ông Phương tư vấn.

Ông Phương nhấn mạnh, việc đầu tư vàng chỉ có thể giúp nhà đầu tư lãi về vốn, tức là khoản chênh lệch giữa giá bán với giá mua ban đầu mà không tạo ra tiền lãi ổn định. Vì thế, việc đầu tư vàng nên nhìn rộng ra để có bức tranh toàn cảnh chứ không chỉ tập trung đầu tư vàng khi đang sốt nóng.

Việc các nhà đầu tư và người dân càng tìm mua vàng, cộng thêm cơ cấu thị trường manh mún và tính minh bạch hạn chế càng tạo cơ hội cho hoạt động đầu cơ, làm khuếch đại biến động giá, dẫn đến "bong bóng" vàng và dễ xảy ra các vụ sụp đổ sau đó.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân khuyến cáo nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ trước khi mua vàng trong giai đoạn giá đang ở mức cao.

"Giai đoạn này mua vàng còn tương đối nhiều rủi ro do giá vàng vẫn đang ở mức tương đối cao. Nhà đầu tư nên chờ đợi những phiên điều chỉnh giảm để mua vào sẽ hợp lý hơn, hạn chế mua đuổi bán tháo trong thời điểm giá vàng diễn biến tăng như hiện tại. Đồng thời nên đa dạng hóa danh mục đầu tư để tránh rủi ro ở mức tối đa", vị chuyên gia nêu quan điểm.

Nhìn chung, thay vì chạy theo tâm lý đám đông, nhà đầu tư nên theo dõi các yếu tố kinh tế vĩ mô, chính sách tài chính và thương mại toàn cầu để đưa ra quyết định hợp lý, tránh rủi ro khi giá vàng có thể điều chỉnh trong thời gian tới.

Ngọc Vy
Bài liên quan
Giá vàng còn 'điên loạn' đến mức nào?
Trong một ngày liên tiếp lập đỉnh, giá vàng đã chạm mốc cao chưa từng có 115,5 triệu đồng/lượng, tuy vậy nhiều chuyên gia dự báo đà tăng vẫn chưa dừng lại.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư: Việt Nam cam kết phát triển bền vững, chuyển đổi năng lượng
VOVLIVE - Tại lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 lần thứ tư (P4G), Tổng Bí thư Tô Lâm tái khẳng định cam kết phát triển bền vững, chuyển đổi năng lượng và mục tiêu trung hòa các-bon năm 2050 của Việt Nam.
Mới nhất