Áo dài và nét văn hóa Việt ở nơi xa xứ

08/03/2023, 23:00

Những người phụ nữ Việt ở nước ngoài luôn khoác lên mình chiếc áo dài truyền thống mang ý nghĩa nhắn gửi trái tim luôn hướng về quê hương.

Gìn giữ những nét văn hóa truyền thống luôn là mong muốn của những người con việt sống xa quê. Đặc biệt, những người phụ nữ Việt ở nước ngoài luôn khoác lên mình chiếc áo dài truyền thống mang ý nghĩa nhắn gửi trái tim luôn hướng về quê hương.

Chị Nguyễn Minh Hạnh trong nhiều năm du học tại Pháp rất thích được quảng bá văn hóa Việt Nam cũng như tìm hiểu thêm về văn hóa Việt Nam. Tham gia trình diễn áo dài là sự lựa chọn đầu tiên của chị.

Áo dài và nét văn hóa Việt ở nơi xa xứ - ảnh 1Áo dài Việt được trình diễn tại một sự kiện văn hóa tại Pháp

Năm 2015, khi vừa tốt nghiệp Đại học, chị đăng ký tham gia làm người mẫu trình diễn áo dài trong một sự kiện quan trọng của Hội doanh nhân  Việt Nam tại Pháp. Mong muốn có những trải nghiệm tốt hơn trong các sự kiện văn hóa, chị Nguyễn Minh Hạnh thường xuyên đưa ra những ý tưởng về trình diễn áo dài với mục đích quảng bá, giới thiệu văn hóa Việt Nam, hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế. Chị Nguyễn Minh Hạnh chia sẻ câu chuyện về những lần tham gia trình diễn áo dài và các sự kiện văn hóa như sau: “Hội doanh nhân đang tìm người mẫu cho buổi trình diễn áo dài của Hội. Tôi tham gia với tư cách là người mẫu trình diễn áo dài. Tham gia rất thú vị đây là sự kiện lớn. Qua đó, tìm hiểu văn hóa Việt Nam được mở rông hơn. Tôi có nói với lãnh đạo Hội là tôi tham gia nhiều sư kiện áo dài ở Tuluse, Lyon và Milan".

Với bạn bè nước ngoài, hình ảnh áo dài xuất hiện ở đâu thì mọi người đều biết đó là Việt Nam. Áo dài, trang phục dân tộc truyền thống của người Việt ở nước ngoài đã cho thấy tình cảm, sự trân quý của những người con xa xứ với quê hương, đất nước. Áo dài luôn được mặc trong những dịp lễ, tết, trong những sự kiện đặc biệt bà con cảm nhận được sự gần gũi của quê hương. Ông Nguyễn Mạnh Lâm, kiều bào tại Thái Lan khẳng định: "Tình yêu quê hương thắm thiết,đậm đà bản sắc của dân tộc Việt Nam, luôn gắn sâu với tình nghĩa của bà con việt kiều,gắn sâu với tình nghĩa đấy nên bà con việt kiều ở Thái Lan vẫn học tiếng Việt, giữ gìn bản sắc của dân tộc Việt Nam. Ví dụ như đơn giản mặc áo dài.Bà con việt kiều những ngày lễ tết, hội hè, những ngày gặp mặt kiều bào tại Thái Lan đều trang phục dân tộc là áo dài để thấy được rằng, họ luôn hướng về quê hương đất nước. Áo dài tình cảm đẹp đẽ lắm, tự hào lắm tình nghĩa của người Việt kiều xa xứ nhưng luôn hướng về Tổ quốc thân yêu".

Áo dài và nét văn hóa Việt ở nơi xa xứ - ảnh 2Chị Minh Hạnh, trong trang phục áo dài tại sự kiện

Việc quảng bá hình ảnh Việt Nam thông qua những nét văn hóa truyền thống luôn được bà con gìn giữ. Những thông tin về Việt Nam cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài đã giúp cho bà con thêm hiểu và tin yêu vào đất nước. Đặc biệt, hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè nước ngoài qua những người phụ nữ với trang phục áo dài luôn thân thiện và hoạt động quảng bá này luôn được các hội đoàn người Việt coi trọng. Anh Võ Trung Âu, nguyên là Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Hungary cho biết: "Chúng tôi lúc nào cũng muốn tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam qua cuộc thi áo dài. Như vậy thì lúc nào cũng gìn giữ văn hóa, cũng có lớp dạy tiếng Việt cho con em thế hệ thứ hai, thứ ba tại Hung. Vì vậy, lúc nào văn hóa, niềm tự tin,tự hào dân tộc cũng sẽ nằm trong thế hệ thứ hai, thứ ba đó. Hàng năm, các bạn đều có chương trình về Việt Nam tham gia hoặc thăm gia đình đó là nét văn hóa dân tộc. Chúng tôi luôn truyền tải thông tin về tình hình trong nước, những thành công, thành tựu về đất nước để các bạn luôn tự tin, chia sẻ với các bạn quốc tế. Từ đó, có tình yêu với đất nước hơn".

Áo dài và nét văn hóa Việt ở nơi xa xứ - ảnh 3Chị Nguyễn Diệu Linh( đứng thứ hai từ bên trái) và các thành viên của Làng Vestc- Jesenice (Cộng hòa Sec)

Hòa nhập cuộc sống ở nước sở tại, những gia đình người Việt ở nước ngoài vẫn luôn mong muốn gìn giữ văn hóa Việt. Chị Nguyễn Diệu Linh, kiều bào tại Cộng hòa Séc đã luôn luôn ý thức được việc gìn giữ văn hóa cho các con mình. Chị nhớ lời của một cô giáo người Sec đã nói với chị: điều quan trọng nhất là phải giữ được tiếng Việt và văn hóa Việt để các con hiểu về văn hóa nguồn cội: "Con của em từ bé ở nhà phải nói tiếng Việt nhờ vào một người hiệu trưởng. Bà chia sẻ với em điều quan trọng nhất là các con phải giữ được tiếng mẹ đẻ. Vì thế, cách tốt nhất ở nhà  phải nói tiếng Việt với con. Đến giờ phút này, gia đình em vẫn duy trì việc đó. Có nghĩa rằng là trong nhà khi nói chuyện phải nói tiếng Việt với con. Mỗi ngày dành ra 1 tiếng để trò chuyện với con bằng tiếng Việt. Nhà em truyền thống, các con rất truyền thống. Giữ ngôn ngữ, giữ bữa cơm tối trong gia đình".

Giá trị văn hóa Việt Nam được đề cao, được gìn giữ hay không phụ thuộc vào nhận thức của mỗi người con đất Việt. Càng đi xa, họ càng thấm thía nỗi nhớ quê hương da diết và cảm nhận rõ hơn việc gìn giữ những giá trị nguồn cội. Áo dài Việt, ngôn ngữ Việt vẫn là một phần quan trọng trong đời sống của bà con người Việt ở nước ngoài.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể để phát triển nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn
Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng, Việt Nam sẽ đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực cho công nghiệp bán dẫn vào năm 2030.
Mới nhất