Theo ThS.BS Nguyễn Thu Trang, khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 cho biết, một số loại lá cây quanh nhà có thể trở thành thức uống mát lành, tốt cho cơ thể trong mùa hè.
Lá chè xanh
Lá chè xanh tươi chứa nhiều chất chống oxy hóa mạnh mẽ như catechin, ngoài tác dụng thanh nhiệt, giải độc, còn hỗ trợ trong phòng chống ung thư, tốt cho hệ xương khớp và làm đẹp da.
“Tuy nhiên, không nên uống chè xanh quá đặc, dễ bị kích thích thần kinh gây khó ngủ. Người có bệnh dạ dày nên thận trọng, không nên uống chè xanh khi đói”, Bác sĩ Trang lưu ý.

Lá vối
Một trong những loại lá phổ biến nhất được dùng để nấu nước uống trong hè là lá vối. ThS.BS Nguyễn Thu Trang cho biết, lá vối vị đắng nhẹ, tính mát, tác dụng tiêu thực, kháng khuẩn và lợi tiểu.
Uống nước lá vối không chỉ giúp giải nhiệt mà còn hỗ trợ tiêu hóa, giảm acid uric máu, có lợi cho bệnh nhân mắc bệnh gout (gút). Đặc biệt với những người hay ăn nhiều đạm hoặc dầu mỡ. Mỗi ngày có thể dùng khoảng 20–30g lá vối tươi hoặc 15g lá vối khô nấu cùng 1–1,5 lít nước, uống thay trà.
Lá mã đề
Lá mã đề được Đông y xếp vào nhóm thảo dược, tác dụng lợi tiểu, lợi mật, chống viêm. Mỗi ngày chỉ cần dùng khoảng 10–15g lá mã đề khô nấu cùng 1 lít nước là đủ cho nhu cầu cơ thể trong ngày hè.
Lá mã đề đặc biệt tác dụng tốt trong hỗ trợ điều trị các bệnh viêm đường tiết niệu, sỏi tiết niệu, viêm gan mật, giúp giảm phù nề nhẹ do giữ nước, sử dụng tốt trong mùa hè với khí thấp nhiệt chiếm ưu thế.

Lá rau má
Rau má cũng là cái tên quen thuộc trong nhiều bài thuốc dân gian. Rau má vị đắng nhẹ, tính hàn, giúp thanh nhiệt, làm mát máu, hỗ trợ da dẻ mịn màng trong mùa nắng.
Có thể giã lấy nước cốt uống trực tiếp hoặc nấu loãng làm nước mát. Rau má tuy mát nhưng không nên lạm dụng vì dễ gây lạnh bụng hoặc đầy bụng, nhất là ở người thể hàn.
Lá dâu tằm
Lá dâu tằm là nguyên liệu thường bị lãng quên nhưng lại có nhiều lợi ích trong Đông y. Lá dâu vị ngọt, tính hàn, tác dụng thanh phế, bổ âm, thường dùng trong các bài thuốc chữa ho nhiệt và mất ngủ do can nhiệt. Có thể phơi khô lá dâu tằm rồi nấu nước uống mỗi ngày.
ThS.BS Nguyễn Thu Trang lưu ý: “Mặc dù các loại lá nói trên đều có công dụng thanh can, giải nhiệt, nhưng việc dùng cần phù hợp với thể trạng từng người. Không nên tự ý kết hợp quá nhiều loại trong một ngày và cần chú ý đến tình trạng tiêu hóa, huyết áp và lịch sử bệnh nền trước khi sử dụng thường xuyên”.
Việc quay về với thảo dược tự nhiên không chỉ là thói quen truyền thống mà còn là xu hướng sống xanh, giúp cơ thể điều tiết tốt hơn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Mùa hè oi bức không chỉ gây cảm giác khó chịu bên ngoài mà còn ảnh hưởng đến hoạt động nội tạng bên trong, đặc biệt là tạng can. Theo các chuyên gia Đông y, cần kết hợp với lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống hợp lý và nghỉ ngơi đầy đủ thì hiệu quả mới đạt được tối ưu.