5 điều rút ra sau một tuần cơn bão thuế quan của ông Trump làm chao đảo thế giới

12/04/2025, 16:02

VOVLIVE - Ông Trump đang ở đâu trong việc thực hiện các mục tiêu của mình sau một tuần cơn bão thuế quan càn quét và làm chao đảo thế giới?

Tuần trước, Tổng thống Donald Trump đã thông báo một kế hoạch thuế quan lớn có thể làm đảo lộn trật tự kinh tế toàn cầu cũng như các mối quan hệ thương mại lâu đời với các đồng minh của Mỹ.

Tuy nhiên, kế hoạch đó hoặc ít nhất một phần đáng kể của nó đã tạm thời được đóng băng sau khi ông Trump quyết định tạm dừng áp mức thuế cao hơn đối với hầu hết các quốc gia trong 90 ngày giữa bối cảnh Washington đang ngày càng tiến gần một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Vậy với sự đảo ngược một phần này, liệu ông Trump có tiến gần hơn việc hiện thực hóa các mục tiêu của mình về thương mại hay không?

Các thỏa thuận thương mại 

Kế hoạch thương mại ban đầu của ông Trump đã gây chấn động trên phạm vi toàn cầu với mức thuế cơ bản cố định 10% cho hầu hết đối tác và các mức thuế bổ sung "có đi có lại" đối với 60 nền kinh tế mà ông cho là vi phạm tồi tệ nhất.

Động thái này đã khiến cả đồng minh lẫn đối thủ của Mỹ phải chao đảo, khi họ đối mặt với nguy cơ hứng chịu một cú giáng nghiêm trọng vào nền kinh tế của mình.

Nhà Trắng đã nhanh chóng thông báo rằng hàng loạt lãnh đạo thế giới đã liên hệ với Tổng thống Trump để đàm phán và đưa ra các nhượng bộ thương mại – “hơn 75 quốc gia”, theo lời Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent.

Mặc dù chính quyền chưa công bố danh sách tất cả các quốc gia mà ông Trump nói hôm 8/4 là "đang ra sức lấy lòng tôi" và sẵn sàng làm mọi thứ nhưng Mỹ đã xác nhận họ đang tiến hành đàm phán với Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước khác.

Điểm mấu chốt rút ra ở đây là các đối tác thương mại của Mỹ có 90 ngày để đạt được một thỏa thuận nào đó với ông Trump và thời gian đang cạn dần. Tuy nhiên, việc các cuộc đàm phán đang diễn ra cho thấy Tổng thống có khả năng cao sẽ đạt được một số nhượng bộ nhất định từ các bên liên quan.

Thúc đẩy ngành công nghiệp Mỹ

Tổng thống Trump từ lâu đã khẳng định rằng thuế quan là công cụ hiệu quả để khôi phục nền sản xuất của Mỹ bằng cách bảo vệ nó khỏi sự cạnh tranh không công bằng từ nước ngoài. Mặc dù một số nhà máy có thể tăng sản lượng trong các cơ sở hiện có nhưng những bước đi thực chất hơn sẽ cần thời gian. Để các lãnh đạo doanh nghiệp thực sự đưa ra quyết định "hồi hương" dây chuyền sản xuất và đầu tư vào các nhà máy mới tại Mỹ, họ cần sự chắc chắn rằng "luật chơi" sẽ ổn định.

Tuy nhiên, các động thái tăng – giảm thuế thất thường của Tổng thống Trump trong tuần qua lại bộc lộ sự thiếu ổn định. Hiện tại, rất khó để đoán định đâu sẽ là mức thuế cuối cùng và ngành nào sẽ được hưởng mức bảo hộ cao nhất, hôm nay có thể là ngành ô tô và thép, nhưng ngày mai lại có thể là điện tử công nghệ cao.

Điều rút ra ở đây là khi thuế quan được áp dụng hoặc gỡ bỏ gần như theo ý muốn cá nhân của Tổng thống, các doanh nghiệp, cả ở Mỹ lẫn quốc tế nhiều khả năng sẽ "án binh bất động", chờ cục diện rõ ràng hơn trước khi đưa ra các cam kết đầu tư lớn.

Đối đầu với Trung Quốc

Ngay sau khi Tổng thống Trump bất ngờ đảo chiều chính sách thuế quan vào ngày 9/4, nhiều quan chức Nhà Trắng, bao gồm cả Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent đã nhanh chóng lên tiếng rằng mục tiêu thực sự của ông là "giáng đòn" vào đối thủ chính: Trung Quốc.

Nếu Tổng thống Trump thực sự muốn một cuộc đối đầu về ý chí với Trung Quốc để xem bên nào chịu được lâu hơn cả về kinh tế lẫn chính trị thì ông đã có được điều đó, ngay cả khi gần đây Tổng thống và các trợ lý của ông tỏ ý muốn tìm một giải pháp.

Ngày 9/4, Tổng thống Trump nói rằng ông không đổ lỗi cho Trung Quốc mà là cho các lãnh đạo Mỹ trước đây đã để mọi chuyện rơi vào tình trạng hiện tại. Trước đó một ngày, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết, Tổng thống sẽ “cực kỳ rộng lượng” nếu Trung Quốc chủ động đề nghị đàm phán.

Ngay cả khi đây là cuộc đấu mà ông Trump chủ động khơi mào thì việc khiêu chiến với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn là một nước cờ đầy rủi ro. Trong quá trình đó, Mỹ có thể đã làm phật lòng chính những đồng minh mà họ cần nhất trong cuộc đối đầu này.

Tăng nguồn thu ngân sách

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm ngoái, ông Trump thường tuyên bố rằng các mức thuế quan mà ông đề xuất sẽ mang lại nguồn thu khổng lồ cho ngân sách Mỹ, theo đó, số tiền này có thể dùng để giảm thâm hụt ngân sách, cắt giảm thuế và tài trợ cho các chương trình mới của chính phủ.

Một nghiên cứu vào năm 2024 của tổ chức phi đảng phái Tax Foundation ước tính rằng, mức thuế 10% mà ông Trump hiện đang áp lên các quốc gia ít nhất trong 90 ngày sẽ tạo ra khoảng 2.000 tỷ USD doanh thu mới cho ngân sách Mỹ trong vòng 10 năm tới.

Để so sánh, theo Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng (Bipartisan Policy Center), các khoản cắt giảm thuế mà Quốc hội mới đây đưa vào bản dự thảo ngân sách mang tính không ràng buộc ước tính sẽ làm thất thu khoảng 5.000 tỷ USD trong cùng khoảng thời gian.

Ông Trump muốn thu thêm ngân sách từ thuế quan và nếu ông giữ nguyên mức thuế cơ bản, cộng với các mức thuế bổ sung áp lên một số mặt hàng nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc thì trước mắt, ông sẽ đạt được mục tiêu đó. Tuy nhiên, nếu người tiêu dùng Mỹ chuyển dần sang hàng nội địa, “dòng tiền” từ thuế quan có thể sẽ dần cạn kiệt.

Giá cả tiêu dùng ở Mỹ sẽ giảm?

Các nhà phân tích và chuyên gia đã đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau về lý do khiến ông Trump bất ngờ có động thái mạnh tay như vậy trong chính sách thương mại tuần qua. Có phải ông đang cố ép lãi suất giảm, làm đồng USD yếu đi, hay muốn đưa thế giới ngồi vào bàn đàm phán để ký kết một thỏa thuận thương mại toàn cầu mới? Bản thân nhà lãnh đạo Mỹ không nói nhiều về những toan tính phức tạp kiểu đó.

Tuy nhiên, có một điều mà ông liên tục nhấn mạnh, đó là mong muốn giảm chi phí sinh hoạt cho người dân Mỹ và ông khẳng định chính sách thương mại của mình sẽ giúp đạt được điều đó. Giá năng lượng đã giảm trong tuần qua kể từ khi ông công bố kế hoạch áp thuế, nhưng nhiều khả năng đó là do thị trường lo ngại các cuộc chiến thương mại sẽ kéo nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái.

Tuy vậy, giới kinh tế học gần như đồng thuận rằng các loại thuế mới sẽ khiến giá tiêu dùng tăng lên, vì các khoản thuế sẽ được cộng thẳng vào giá các mặt hàng nhập khẩu và khi đó, hàng nội địa Mỹ sẽ ít bị cạnh tranh hơn. Năm ngoái, tổ chức Tax Foundation ước tính mức thuế phổ quát 10% sẽ khiến mỗi hộ gia đình Mỹ phải chi thêm trung bình 1.253 USD chỉ trong năm đầu tiên. Các nhà kinh tế cũng cảnh báo rằng người thu nhập thấp sẽ là nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Việc giá cả tăng là một xu hướng đi ngược với tuyên bố của ông Trump và đây có thể trở thành gánh nặng chính trị lớn đối với cá nhân ông cũng như tương lai bầu cử của đảng Cộng hòa.

Bài liên quan
Trung Quốc tuyên bố không sợ mối đe dọa thuế quan của Mỹ
VOVLIVE - Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh không quan tâm đến cuộc chiến thuế quan, nhưng sẽ không sợ nếu Mỹ tiếp tục các mối đe dọa.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
“Vua nha đam” GC Food đặt mục tiêu tăng trưởng 24% trong năm 2025
VOVLIVE - Định hướng phát triển của GC Food trong năm 2025 không chỉ tập trung vào tăng trưởng kinh tế mà còn gắn liền với cam kết phát triển bền vững thông qua chiến lược ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị). Đây là mục tiêu được đưa ra tại Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2025 của GC Food diễn ra ngày 10/4 tại TP.HCM.
Mới nhất