Nếu muốn mua smartphone, điều bạn làm đầu tiên có lẽ là tìm bảng cấu hình. Dù đây là một cách không tồi, thông số trên giấy tờ lại khác xa so với thực tế. Các nhà sản xuất có thể giấu giếm hoạt động nghèo nàn của một thiết bị bằng những con số to tát. Chúng chỉ có tác dụng gây ấn tượng về lý thuyết, không hơn không kém.
1. Số lượng nhân và tốc độ vi xử lý
Vào những ngày đầu điện toán, chúng ta thường cho rằng nhiều hơn sẽ tốt hơn. Song, kiến thức này không còn đúng vào thời điểm hiện tại nữa. Chẳng hạn, hãy so sánh iPhone 13 Pro Max và Samsung Galaxy A53 5G.
iPhone 13 Pro Max trang bị vi xử lý 6 nhân, bao gồm 2 lõi Avalanche xung nhịp 3.23 GHz, 4 lõi Blizzard 1.82 GHz, còn Samsung Galaxy A53 5G sở hữu 8 nhân, bao gồm 2 lõi Cortex-A78 2.4 GHz, 6 lõi Cortex-A55 2.0 GHz. Tổng cộng, tốc độ xung nhịp của iPhone là 13,74 GHz còn của Galaxy là 16,8 GHz.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào kết quả phép đo hiệu chuẩn GeekBench, điểm số của iPhone là 4.645, gần gấp đôi điểm số 1.891 của Galaxy A53 5G. Trong trường hợp này, chip của iPhone mạnh hơn hẳn dù thông số kỹ thuật thấp hơn. Do đó, nếu muốn đối chiếu hiệu suất chip giữa hai máy, bạn nên kiểm tra loại chip đang sử dụng và kết quả đo hiệu chuẩn.
2. Độ phân giải màn hình
Độ phân giải màn hình cũng là yếu tố quan trọng khi chọn mua smartphone nhưng đó chưa phải là tất cả. Độ phân giải FHD (1920 x 1080 pixel) đủ dùng cho màn hình 6.5 inch trở xuống.
Song, bạn phải cân nhắc cả độ sáng màn hình và độ chính xác của màu sắc. Màn hình độ phân giải cao để làm gì nếu không thể nhìn trực tiếp dưới ánh sáng mặt trời? Thay vì nhìn vào số điểm ảnh, bạn nên xem thiết bị dùng loại màn hình nào.
Màn hình đẹp nhất và sáng nhất hiện nay là AMOLED hoặc OLED. Màn hình IPS cũng khá tốt nhưng nên tránh màn hình TFT. Bạn cũng nên tìm hiểu độ sáng màn hình. Độ sáng trung bình 800 nit sẽ giúp bạn xem được màn hình ngay cả khi nắng mạnh.
3. Megapixel
Cuộc đua megapixel (MP) xuất phát từ các nhà sản xuất máy ảnh ống rời. Nó ảnh hưởng đến người tiêu dùng khi nhiều người cho rằng số “chấm” máy ảnh nhiều hơn đồng nghĩa với ảnh chụp đẹp hơn.
Khi smartphone bắt đầu trang bị camera, nhà sản xuất cũng nhồi nhét nhiều điểm ảnh vào cảm biến nhất có thể. Tuy nhiên, hãy xem xét ví dụ giữa iPhone 13 Pro Max và Samsung A53 5G. Camera trên iPhone chỉ dùng cảm biến 12MP, còn trên A53 5G là 64MP. Song, theo các đánh giá thực tế, iPhone là smartphone chụp ảnh đẹp nhất năm 2022 còn A53 thậm chí không được nhắc tên.
Vì vậy, nếu xem trọng tính năng chụp ảnh trên điện thoại, đừng chỉ dựa vào số “chấm”. Thay vào đó, bạn nên nghiên cứu các tính năng khác như kích thước cảm biến (càng lớn càng tốt), chống rung quang học, năng lực xử lý.
4. Zoom kỹ thuật số hoặc kết hợp
Một yếu tố khác mà các nhà sản xuất thường “khoe” đó là khả năng zoom. Một số cho biết điện thoại sở hữu tính năng zoom kết hợp, số khác lại khẳng định có thể zoom 100 lần.
Tuy nhiên, nếu chỉ phóng to một cảnh mà không dùng đến ống kính quang học, chất lượng và độ phân giải ảnh sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Về cơ bản, zoom kỹ thuật số chỉ cắt cúp hình ảnh. Nếu chỉ zoom 1,5 hay 2x, chất lượng sẽ không gặp vấn đề lớn, đặc biệt khi dùng cảm biến hơn 50MP. Song, nếu zoom 3x hoặc hơn, hình ảnh cuối cùng sẽ bị nhòe. Đặc biệt, nếu zoom 100x, điện thoại phải chống rung quang học tốt, bạn cũng cần cầm máy chắc tay (hoặc dùng tripod, gimbal).
Do đó, khi tìm hiểu nhiếp ảnh di động, bạn nên cân nhắc các thông số về zoom quang. Nếu dùng ống kính để zoom, bạn sẽ không làm ảnh hưởng đến độ phân giải ảnh vì ống kính giúp bạn tiến gần đến vật thể hơn. Ống kính góc siêu rộng sẽ giúp bạn chụp được những tấm ảnh độc đáo. Nếu không có nó, bạn có thể gặp khó khăn khi chụp cảnh mở rộng, chụp ảnh nhóm hay tự sướng.
Nhìn chung, khi mua điện thoại mới, bạn chỉ nên xem thông số như yếu tố tham khảo. Để hiểu rõ hơn về một thiết bị, bạn nên đọc thêm các bài đánh giá thực tế hoặc đến tận cửa hàng để trải nghiệm./.