Chủ tịch Tập Cận Bình dự Diễn đàn cấp cao “Vành đai và Con đường”
VOV.VN - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ dự lễ khai mạc Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” (BRI) lần thứ ba vào tuần tới và có bài phát biểu quan trọng.
Hôm nay (17/10), Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai, Con đường” lần thứ 3 khai mạc tại Trung Quốc với sự tham dự của đại diện hơn 140 quốc gia và hơn 30 tổ chức quốc tế.
Diễn ra vào kịp kỷ niệm 10 năm ra đời sáng kiến “Vành đai, Con đường”, sự kiện lần này sẽ đánh giá những thành tựu mà sáng kiến đã đạt được đối với sự phát triển kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng sẽ thảo luận về các biện pháp thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ sáng kiến với chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của bối cảnh kinh tế thế giới hiện tại.
Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ ba đang tổ chức tại Bắc Kinh trong 2 ngày 17 và 18/10, được Trung Quốc nhìn nhận là hoạt động ngoại giao trong nước quan trọng nhất trong năm nay và cũng là sự kiện long trọng nhất kỷ niệm 10 năm sáng kiến BRI.
Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) được đánh giá là tổ hợp siêu dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất và tham vọng nhất trong lịch sử nhân loại. BRI cũng được coi là một phần quan trọng của “giấc mơ Trung Quốc”, phản ánh tầm nhìn của nước này và Chủ tịch Tập Cận Bình về “sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa”.
Việc thúc đẩy xây dựng “Một vành đai, một con đường”, tiền thân của Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) đã được Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa vào Điều lệ Đảng từ Đại hội XIX năm 2017. Điều này đã cho thấy sự coi trọng cũng như tầm quan trọng của BRI trong các chiến lược của Trung Quốc và quyết tâm của Bắc Kinh trong việc thúc đẩy sáng kiến này.
Diễn đàn lần này sẽ là dịp để Trung Quốc nêu bật những thành công và đóng góp của mình vào sự phát triển của nước tham gia BRI, đặc biệt trong việc tăng cường kết nối giữa Trung Quốc và nhiều quốc gia từ châu Á sang châu Âu trên 5 phương diện là chính sách, kết cấu hạ tầng, thương mại, tài chính và kết nối con người, cũng như các nỗ lực tăng cường cơ sở hạ tầng cứng, cơ sở hạ tầng mềm và quan hệ văn hóa của Trung Quốc với các nước.
Sự kiện này mang ý nghĩa quan trọng đối với nước chủ nhà Trung Quốc, bởi đây không chỉ là dịp để nhìn lại thành tựu hợp tác, đúc rút những kinh nghiệm gặt hái được trong một thập kỷ qua, mà còn là cơ hội để nước này chỉ ra và tìm hướng giải quyết cho những thiếu sót và vấn đề còn tồn tại để làm tốt hơn trong thời gian tới và vạch ra lộ trình, phương hướng hợp tác trong tương lai, nhằm tiếp tục xây dựng BRI chất lượng cao sau một thập kỷ biến sáng kiến này từ tầm nhìn thành hiện thực, từ ý tưởng thành hành động thực tế.
Trong một thập kỷ qua, BRI đã phát triển một cách nhanh chóng cả về mức độ phức tạp về mặt địa lý và lĩnh vực hợp tác. Theo Sách Trắng về BRI do Trung Quốc công bố mới đây, tính đến nay, sáng kiến này đã thu hút sự tham gia của hơn 150 nước, tức hơn 3/4 quốc gia trên thế giới và hơn 30 tổ chức quốc tế. Các lĩnh vực hợp tác trải dài từ cơ sở hạ tầng đến công nghệ và thậm chí cả hợp tác trong lĩnh vực hàng hải và không gian vũ trụ. Tính đến cuối năm 2021, GDP của hơn 150 quốc gia ký thỏa thuận BRI với Trung Quốc là 20,03 nghìn tỷ USD, chiếm 23% GDP toàn cầu. Tổng dân số 3,68 tỷ người, chiếm 47% tổng dân số thế giới.
Sau một thời gian mở rộng về quy mô, BRI đang có những điều chỉnh. Các khoản đầu tư đã bắt đầu giảm xuống, cụ thể là các dự án của sáng kiến này ở châu Phi đã giảm cả về số lượng và giá trị của các khoản vay. Theo Trung tâm Chính sách phát triển toàn cầu của Đại học Boston, kể từ những năm trước đại dịch 2017 - 2019 đến giai đoạn hậu đại dịch 2020 - 2022, mức cho vay trung bình đã giảm 37% từ 213,03 triệu USD xuống còn 135,15 triệu USD. Về các khoản cho vay, con số này đã giảm từ 184 xuống còn 32 trong thời kỳ hậu đại dịch.
Trong một phát biểu mới đây khi công bố Sách Trắng về BRI, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Quách Đình Đình nhấn mạnh, Trung Quốc sẽ “tập trung thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại trong BRI ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất hơn”. Bắc Kinh cũng sẽ bồi dưỡng những động lực tăng trưởng kinh tế mới, phối hợp thúc đẩy các dự án trọng điểm và dự án “nhỏ mà đẹp”.
Cụm từ “nhỏ mà đẹp” là một khái niệm mới dùng để miêu tả các khoản đầu tư mới của Trung Quốc, ngụ ý Bắc Kinh sẽ tập trung vào các dự án nhỏ hơn nhưng có mục tiêu rõ ràng hơn. Hay nói một cách khác, nước này sẽ trở nên chọn lọc hơn trong các dự án theo đuổi và có thể sẽ tập trung vào các quốc gia có tầm quan trọng hơn.
Trong khi đó, khi đề cập đến các khoản vay, ông Tùng Lượng, Phó chủ nghiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cho biết, nước này sẽ cùng với các quốc gia liên quan không ngừng cải thiện hệ thống đầu tư và tài chính dài hạn, ổn định, bền vững và có thể kiểm soát rủi ro, đồng thời “tích cực đổi mới các mô hình đầu tư và tài trợ, mở rộng các kênh đầu tư và tài trợ, kiện toàn hệ thống bảo đảm vốn ổn định, minh bạch và chất lượng cao”.
Theo số liệu mới nhất do Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc cập nhật với truyền thông nước này, tính đến nay đã có đại diện của hơn 140 quốc gia và hơn 30 tổ chức quốc tế xác nhận tham gia diễn đàn, bao gồm lãnh đạo cấp cao các nước, người đứng đầu các tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp… Số lượng đại biểu đăng ký đã vượt 4.000 người.
Ông cũng cho biết, diễn đàn sẽ thông qua Tuyên bố Chủ tịch, tổng hợp đồng thuận mà các bên tham gia đạt được, làm rõ phương hướng và các lĩnh vực hợp tác trong điểm trong việc thúc đẩy xây dựng chất lượng cao “Vành đai và Con đường” trong giai đoạn tiếp theo. Diễn đàn cũng sẽ công bố danh sách các văn kiện về thành quả hợp tác đa phương và danh sách các dự án hợp tác thực chất, tổng hợp một cách toàn diện các kết quả hình thành trong khuôn khổ 3 diễn đàn cấp cao và 6 diễn đàn chuyên đề trong khuôn khổ sự kiện. Các doanh nghiệp Trung Quốc và các nước cũng sẽ ký kết một số dự án hợp tác tại Hội nghị doanh nhân.
Theo nhận định của Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, kết quả dự kiến mà diễn đàn lần này đạt được sẽ khá phong phú và có thể vượt qua cả hai kỳ trước, bao gồm các thành quả về văn kiện hợp tác, sáng kiến hợp tác, cơ chế hợp tác cũng như các dự án, vốn và giải pháp…
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, kết quả Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ 3 dự kiến sẽ phong phú hơn 2 lần tổ chức trước. Bước sang một giai đoạn hợp tác mới, sáng kiến sẽ tiếp tục tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế thế giới, mang lại cơ hội phát triển chung cho các quốc gia tham gia sáng kiến cũng như chính Trung Quốc.