Khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng, ông sẽ yêu cầu các nước châu Âu chi mạnh tay hơn cho quốc phòng. Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên (2017-2021), ông cũng đã không ít lần chỉ trích họ vì mức chi tiêu quốc phòng “quá thấp”, đặc biệt là Đức – một trong những quốc gia đầu tàu ở châu Âu.
Sự khó đoán của ông Trump là điều khiến các chính trị châu Âu lo lắng nhất. Liệu ông có một lần nữa chỉ trích Đức gay gắt như ông đã làm trong nhiệm kỳ đầu tiên tại nhiệm không? Liệu ông có chỉ trích NATO, hay thậm chí đe dọa rời khỏi liên minh?
Thật khó có câu trả lời và điều này đang gây ra sự bất an ở Berlin.
Vai trò cốt lõi của Mỹ trong NATO
Mối quan hệ giữa Đức và Mỹ dựa trên một nền tảng vững chắc. Ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương, hầu như không ai nghi ngờ gì về điều này. Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh Mỹ sẽ bảo vệ “từng tấc lãnh thổ NATO” trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công.
Đây là lời trấn an của Mỹ với các thành viên NATO ở châu Âu. Trong trường hợp xảy ra xung đột, Đức, với hơn 180.000 quân nhưng thiếu trang bị hiện đại sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào sự bảo vệ của liên minh quân sự này.
Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Donald Trump mọi thứ sẽ khác so với thời Tổng thống Joe Biden. Ông Trump cho rằng, châu Âu chỉ đóng vai trò phụ thuộc, tụt hậu xa so với Trung Quốc và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ông cũng coi việc phòng thủ của châu Âu chủ yếu phải là là trách nhiệm của châu Âu chứ không phải của Mỹ.
Hiện tại, Mỹ đóng góp phần lớn vào NATO, cung cấp nhiều binh sĩ nhất và duy trì năng lực cốt lõi về tình báo và hậu cần. Ông Trump, người thường cho rằng việc là thành viên NATO quá tốn kém đối với Mỹ, có thể giảm đáng kể sự đóng góp đó.
Ngay sau khi ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã nhanh chóng lên tiếng rằng: “Châu Âu chúng ta cần phải làm nhiều hơn cho an ninh của chính mình. Chúng ta phải chia sẻ gánh nặng một cách công bằng”.
Ông cũng kêu gọi những người đồng cấp của mình từ Pháp, Ba Lan, Anh và Italy thảo luận về năng lực phòng thủ của châu Âu.
Tuy nhiên, xây dựng một NATO châu Âu không phải chuyện dễ dàng. Ngân sách quốc phòng Đức, dù tăng đáng kể, vẫn chưa đủ để đáp ứng các yêu cầu hiện đại hóa. Việc duy trì mức chi tiêu 2% GDP đòi hỏi Berlin phải đưa ra các quyết định chính trị khó khăn, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng chính trị hiện nay và cuộc bầu cử sớm vào tháng 2/2025.
An ninh đổi bằng tiền?
Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Trump thường xuyên chỉ trích Đức vì chi tiêu quốc phòng không đủ, thậm chí cáo buộc Đức nợ NATO “một khoản tiền khổng lồ”.
Khi đó, Thủ tướng Angela Merkel thuộc đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) trung hữu đã tỏ ra giận dữ về những bình luận của ông Trump.
Ông Trump được cho là sẽ lại nêu vấn đề chi tiêu quốc phòng của NATO khi ông trở lại Nhà Trắng. Ông cũng từng đề cập đến vấn đề này trong chiến dịch tranh cử, nói rằng những nước thành viên NATO không đáp ứng mục tiêu chi tiêu 2% GDP cho quốc phòng sẽ không được Mỹ bảo vệ.
Chuyên gia an ninh Ulrike Franke thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu cho rằng những tuyên bố như vậy có thể làm suy yếu NATO
“Sự tin cậy của NATO vốn dựa trên niềm tin rằng các đồng minh khác sẽ giúp đỡ khi họ cần”, bà Franke nói.
Cựu chiến lược gia trưởng của NATO Stefanie Babst cho hay, bà lo ngại về nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump.
“Ông Trump không coi NATO là một liên minh chia sẻ các giá trị mà là một tổ chức dịch vụ. Bất kỳ ai trả tiền đều được bảo vệ - điều này thực sự có hại cho NATO. Cuối cùng, đối thủ bên ngoài sẽ được hưởng lợi từ sự bất hòa trong NATO”, bà Babst nói.
Vậy Đức, như ông Trump cáo buộc là “con nợ” của NATO, có bị gạt ra ngoài lời hứa bảo vệ của chính quyền mới ở Mỹ hay không, mặc dù nước này là nơi triển khai vũ khí hạt nhân đóng vai trò răn đe của Mỹ?
Đức và châu Âu sẽ phải làm gì?
Năm nay là lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ Đức chi tiêu quốc phòng tối thiểu 2% GDP, một tiêu chí mà Berlin đạt được nhờ quỹ đặc biệt trị giá 100 tỷ euro được chính phủ nước này thông qua sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Tuy nhiên, đến năm 2026 hoặc 2027, số tiền này nói trên sẽ được sử dụng hết.
Nhiệm vụ của chính phủ mới tại Đức (sau cuộc bầu cử vào tháng 2/2025) là tiếp tục tăng ngân sách quốc phòng. Nếu không, chi tiêu quốc phòng của Đức có thể lại rơi xuống dưới ngưỡng 2% GDP.
Trong nhiệm kỳ trước, ông Trump thậm chí còn từng dọa sẽ rút một phần lực lượng Mỹ tại Đức như một “biện pháp trừng phạt” đối với việc chi tiêu quốc phòng không đủ của Berlin.
Bên cạnh việc tăng chi tiêu quốc phòng, các nước lớn ở châu Âu, bao gồm Đức, phải chủ động hơn trong các vấn đề ngay trên lục địa của họ, thay vì trông chờ vào sự dẫn dắt của Mỹ.
Với vấn đề Ukraine, các nước châu Âu cần phải tìm ra các điều kiện khả thi để chấn dứt xung đột, trước khi ông Trump có thể đưa ra một “thỏa thuận” không phù hợp với lợi ích của khu vực.
“Nếu ông Trump tìm cách đạt được thỏa thuận với Nga, Ukraine rất có thể sẽ không ngồi vào bàn đàm phán — và cả châu Âu cũng vậy. Không ai muốn chấp nhận mình bị gạt ra ngoài. Do đó, các nước có vai trò quan trọng ở châu Âu (Ba Lan, Anh, Pháp, Italy và Đức) nên thành lập một nhóm liên lạc với Ukraine để tìm hiểu các điều kiện cho lệnh ngừng bắn và hòa bình cuối cùng trước khi ông Trump nhậm chức”, ông Thomas Kleine-Brockhoff, Giám đốc Hội đồng quan hệ đối ngoại Đức nhận định.
Việc ông Trump trở lại Nhà Trắng có thể đặt ra những thách thức lớn đối với Đức và châu Âu, từ việc tăng chi tiêu quốc phòng đến vai trò trong NATO và cuộc xung đột tại Ukraine. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để Đức cũng như châu Âu chứng minh sự sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm lớn hơn trong an ninh khu vực và giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ.