Xung đột bế tắc, ngoại giao xa vời
Trong khi những lời kêu gọi đàm phán để chấm dứt xung đột xuất hiện ngày càng nhiều thì với việc Nga và Ukraine tuyên bố sẽ tiếp tục chiến đấu, các điều kiện để tiến tới đàm phán dường như vẫn chưa chín muồi. Nga quyết tâm đạt được các mục tiêu của mình, trong đó có việc kiểm soát phần lớn Donbass. Ukraine được cho là đang chuẩn bị cho cuộc phản công nhằm chia cắt hành lang trên đất liền nối Donbass với Crimea để dọn đường cho việc đẩy lùi hoàn toàn quân đội Nga.
Trong tình hình đó, một số nhà quan sát cho rằng phương Tây cần hướng tiếp cận mới, thừa nhận các thực tế trên song không hy sinh các nguyên tắc của mình. Theo đó, Mỹ và đồng minh sẽ theo đuổi chiến lược 2 giai đoạn nhằm tăng cường khả năng quân sự của Ukraine và sau đó, khi giao tranh dần ngã ngũ vào cuối năm nay, họ sẽ thúc đẩy Moscow và Kiev ngồi vào bàn đàm phán. Với kế hoạch này, giới quan sát phương Tây cho rằng Washington và đồng minh nên thúc đẩy vận chuyển vũ khí cho Ukraine về số lượng và chất lượng. Mục tiêu của việc này là tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine, tăng khả năng thành công cho cuộc phản công sắp tới và tăng tổn thất cho Nga nhằm buộc Moscow phải cân nhắc đến việc ngồi vào bàn đàm phán.
Tuy nhiên, ván cược này nhiều khả năng sẽ thất bại. Thậm chí cả khi Nga và Ukraine đối mặt với tổn thất lớn, một trong hai hoặc cả hai đều muốn tiếp tục chiến đấu.
Hiện nay, giải pháp ngoại giao khó có khả năng thực hiện bởi Nga vẫn chưa hoàn thành việc kiểm soát hoàn toàn 4 vùng lãnh thổ ở Ukraine mà nước này tuyên bố sáp nhập vào tháng 9 năm ngoái trong khi NATO ngày càng mở rộng và Kiev đang xa rời Moscow hơn bao giờ hết. Ngoài ra, giới quan sát tin rằng Tổng thống Putin cho là thời gian đang đứng về phía mình sau khi Nga có thể đối phó với các lệnh trừng phạt khắc nghiệt từ phương Tây cũng như duy trì sự ủng hộ trong dân chúng. Moscow cho rằng sự ủng hộ của phương Tây cho Ukraine sẽ suy giảm khi chính Mỹ và châu Âu cũng đang đối mặt với tác động từ cuộc xung đột cũng như nhiều vấn đề trong nước của mình.
Ukraine cũng không có ý định sẽ sớm đàm phán. Giới lãnh đạo nước này đã khẳng định sẽ giành lại tất cả các vùng lãnh thổ mà Nga kiểm soát từ năm 2014, bao gồm cả Crimea. Ukraine muốn Nga chịu trách nhiệm và chi trả cho việc tái thiết sau xung đột. Ngoài ra, Kiev cũng không có lòng tin vào một thỏa thuận hòa bình với Moscow.
Thay vì tìm kiếm sự can thiệp ngoại giao từ phương Tây, giới lãnh đạo Ukraine đang kêu gọi sự hỗ trợ kinh tế và quân sự nhiều hơn. Mỹ và châu Âu cung cấp những thông tin tình báo giá trị, hỗ trợ huấn luyện và vũ khí cho Kiev nhưng họ vẫn do dự trong việc vận chuyển những hệ thống quân sự có khả năng lớn hơn như tên lửa tầm xa và chiến đấu cơ hiện đại do lo ngại điều này sẽ khiêu khích Nga leo thang căng thẳng, chẳng hạn như sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine hoặc tấn công vào một nước thành viên NATO.
Dù vậy, một số chuyên gia cho rằng, Nga sẽ không đi tới bước leo thang này bởi việc tấn công vào NATO không nằm trong lợi ích của Nga và việc sử dụng vũ khí hạt nhân cũng vậy.
Hiện nay, phương Tây đã bắt đầu xung cấp cho Ukraine xe tăng và tên lửa tầm xa nhằm giành lại lãnh thổ trong những tháng tới. Các nước châu Âu bắt đầu vận chuyển cho Kiev xe tăng Leopard trong khi Mỹ cam kết hỗ trợ 31 xe tăng Abrams sẽ đến vào mùa thu. Tuy nhiên, số lượng các phương tiện và vũ khí trên vẫn hạn chế. Trong khi một số quan điểm cho rằng phương Tây nên tự phá vỡ các giới hạn của mình thì có những quan điểm khác nhận định, dù phương Tây hỗ trợ quân sự lớn hơn cho Ukraine thì điều đó vẫn không thể thay đổi thực tế cuộc xung đột này sẽ đi vào bế tắc. Giữa lúc Kiev cạn kiệt lực lượng và đạn dược cũng như suy giảm về kinh tế thì quân đội Nga đang tăng cường đào hào chiến và bổ sung binh lính trên tiền tuyến.
Việc tăng cường hỗ trợ quân sự dù có thể giúp Ukraine đạt được một số tiến triển trên chiến trường nhưng hầu như khó có thể khiến Kiev khôi phục hoàn toàn lãnh thổ.
Sự hỗ trợ của phương Tây cho Ukraine bị thách thức nghiêm trọng
Các nhà quan sát Richard Haass và Charles Kupchan nhận định trên Foreign Affairs rằng về phía Ukraine, việc theo đuổi một chiến thắng quân sự tuyệt đối là điều bất khả thi. Quân đội Ukraine đã tổn thất 100.000 binh lính và mất đi nhiều lực lượng tinh nhuệ. Nền kinh tế nước này bị thu hẹp 30% trong khi tỷ lệ đói nghèo gia tăng trong khi những cuộc tấn công của Nga vào các cơ sở hạ tầng quan trọng chưa có dấu hiệu dừng lại. Họ cho rằng Ukraine không nên tự phá hủy mình bằng cách theo đuổi những mục tiêu nằm ngoài tầm với.
Thực tế là sự ủng hộ trên quy mô lớn của phương Tây cho Ukraine có thể gây ra cho chính các nước này những rủi ro chiến lược. Cuộc xung đột ở Ukraine đang làm suy giảm khả năng sẵn sàng của quân đội và làm hao hụt kho vũ khí phương Tây. Các cơ sở sản xuất quốc phòng không thể theo kịp mức độ sử dụng vũ khí và đạn dược của Ukraine.
Xung đột ở Ukraine cũng đang tác động sâu sắc đến kinh tế toàn cầu, làm gián đoạn chuỗi cung ứng, lạm phát tăng cao, lương thực và năng lượng thiếu hụt.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế ước tính cuộc xung đột sẽ làm giảm sản lượng kinh tế toàn cầu khoảng 2.800 tỷ USD năm 2023. Từ Pháp tới Ai Cập và Peru, những vấn đề kinh tế đang gây ra bất ổn chính trị. Cuộc xung đột này cũng dẫn đến sự phân cực trong hệ thống quốc tế và sự đối đầu Đông - Tây.
Giữa bối cảnh đó, sự đoàn kết của phương Tây bị thử thách nghiêm trọng. Mỹ đang đối mặt với sức ép chính trị gia tăng trong việc giảm ngân sách hỗ trợ Ukraine và tăng cường khả năng ở châu Á. Việc đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện sẽ khiến chính quyền Tổng thống Biden khó đảm bảo các gói hỗ trợ quy mô lớn cho Kiev. Chính sách của Mỹ với Ukraine thậm chí có thể thay đổi lớn hơn nếu đảng Cộng hòa kiểm soát Nhà Trắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024./.