Xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn: "Ma men biết sợ, văn hóa giao thông được nâng cao"

Văn Ngân/VOV.VN | 04/10/2024, 09:50

Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn tại đã kéo giảm số người chết và số vụ tai nạn giao thông xuống rõ rệt. Ý thức chấp hành pháp luật được nâng cao lên, từ những kết quả tích cực đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân, văn hóa giao thông cũng từ đó được nâng cao.

Văn hóa giao thông ngày càng tốt hơn

Nhằm thực hiện có hiệu quả chủ đề "Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn", thời gian qua cả hệ thống chính trị đã vào cuộc đặc biệt là ngành Công an đã ra quân thực hiện việc kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn tại các địa phương với tinh thần "không có ngoại lệ, không có vùng cấm" qua đó đã kéo giảm số người chết và số vụ tai nạn giao thông xuống rõ rệt.

Theo thống kê của Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, tính riêng 8 tháng đầu năm 2024 (từ ngày 15/12/2023 đến 14/8/2024), toàn quốc xảy ra 16.043 vụ tai nạn giao thông, làm chết 7.077 người, bị thương 12.248 người. So với 8 tháng đầu năm 2023, giảm 836 người chết (-10,56%). Riêng tại Thủ đô Hà Nội, theo thống kê từ 15/12/2023 đến (29/9/2024), Công an TP Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 59.423 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền ước tính 262.766 tỷ đồng, tước 21.930 giấy phép lái xe, tạm giữ 59.423 phương tiện các loại.

Theo đại diện của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, rượu, bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở Việt Nam. Ước tính có khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông và 11% số người chết do tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia. Tức là trung bình mỗi ngày, cả nước có khoảng 700 người vi phạm nồng độ cồn khi lái xe với các mức độ khác nhau.

Liên quan đến nội dung này, Trung tá Phạm Đức Hoàng - Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 14, Phòng CSGT – Công an TP. Hà Nội cho biết: "Hiện nay, ý thức chấp hành quy định của người dân đã tốt dần lên, một số người đã biết sợ, không còn nhiều tình trạng lái xe ô tô tự lái sau khi uống rượu bia. Đặc biệt là công chức, viên chức, lực lượng vũ trang giảm hẳn việc uống rượu bia trong ngày làm việc. Giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn, đặc biệt là các vụ tai nạn giao thông liên hoàn liên quan đến nồng độ cồn đã giảm. Vi phạm cũng đã giảm hẳn thể hiện bằng kết quả xử lý với cùng lực lượng, thời gian làm việc, tần suất làm việc như trước đây nhưng việc phát hiện vi phạm về nồng độ cồn cũng ít và khó hơn nhiều so với giai đoạn trước”.

Đại tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) đánh giá: “Số vụ tai nạn giao thông và số người chết được kéo giảm trong thời gian gần đây là điều đáng khích lệ. Điều này cho thấy công tác đấu tranh, xử lý vi phạm nói chung, đặc biệt là liên quan đến nồng độ cồn đã mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần ngăn chặn hành vi vi phạm là nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến tai nạn giao thông. Qua đó cũng cho thấy những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của đông đảo người dân bước đầu đã có kết quả tích cực. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta vội mừng, vì vẫn còn đó một số vụ tai nạn nghiêm trọng vẫn còn xảy ra…Để tiếp tục kéo giảm số người chết do TNGT chúng tôi quyết liệt chỉ đạo, tiếp tục thực hiện với tinh thần tăng cường tuyên truyền đi đôi với quyết liệt xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Không có vùng cấm không có ngoại lệ, làm việc xuyên đêm xuyên tết, tập trung ngăn chặn những hành vi dẫn đến TNGT, nhất là vi phạm nồng độ cồn, chất kích thích”.

Theo Đại tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục CSGT, Cục CSGT luôn xác định mục tiêu là làm sao để kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông xuống thấp nhất. Một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ra tai nạn giao thông, mất trật tự an toàn giao thông là tài xế vi phạm nồng độ cồn và chất kích thích. Vì vậy ngay từ đầu năm 2024 Cục CSGT tiếp tục chỉ đạo công an các địa phương, tập trung xử lý với tinh thần “không có vùng cấm không có ngoại lệ, làm việc xuyên đêm xuyên tết”, tập trung ngăn chặn những hành vi dẫn đến TNGT. Quyết tâm hình thành bằng được thói quen văn hóa “đã uống rượu bia không lái xe”.

Ra đường thấy an toàn hơn

TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông cho rằng: “Việc quyết liệt xử lý vi phạm nồng độ cồn của lực lượng chức năng thời gian qua đã tác động tích cực đến đời sống xã hội. Việc lựa chọn đúng một trong những nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông và mất trật tự an toàn giao thông đã giúp giảm thiểu tai nạn giao thông do lái xe sau khi sử dụng rượu bia, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân. Thúc đẩy người dân nâng cao ý thức khi tham gia giao thông, hạn chế hành vi lái xe sau khi sử dụng rượu bia. Du khách sẽ cảm thấy an tâm hơn khi du lịch tại một quốc gia có luật lệ giao thông nghiêm minh và an toàn".

TS. Nguyễn Hữu Đức cho biết thêm: "Trong thời gian tới cần tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của việc lái xe sau khi sử dụng rượu bia và lợi ích của việc chấp hành luật giao thông. Việc xử lý nghiêm lái xe vi phạm nồng độ cồn là cần thiết để đảm bảo an toàn giao thông và sức khỏe cộng đồng”.

Theo lực lượng chức năng, số lượng người vi phạm liên quan đến nồng độ cồn khi tham gia giao thông đã giảm, ý thức chấp hành pháp luật được nâng cao lên, từ những kết quả tích cực đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Anh Phạm Hồng Phúc (sống tại quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Trong suốt 2 năm qua, hàng ngày, hàng giờ người dân chúng tôi được tuyên truyền về việc xử lý nồng độ cồn các cơ quan thông tấn báo chí, phát thanh trên loa công cộng, nhắn tin đến từng điện thoại cá nhân và mạng xã hội... Ở nhà thì vợ con, bố mẹ khuyên răn, ra đường thường xuyên gặp chốt kiểm tra cùng với hình phạt tương đối cao như hiện nay, việc chấp hành nồng độ cồn đã đi vào đời sống từng người dân, từng gia đình”.

Theo anh Phạm Hồng Phúc, trước đây, việc uống rượu bia xong lái xe về nhà là chuyện bình thường, tuy nhiên bây giờ thì không dám. Không chỉ sợ bị phạt nặng, mà còn tự ý thức để bảo vệ bản thân và những người xung quanh.

“Thời gian qua, lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn dày đặc trên các tuyến phố Hà Nội. Thực hiện 24/24h, hầu hết xe nào có dấu hiệu khả nghi đều bị kiểm tra. Bản thân tôi trước đây vẫn thỉnh thoảng uống rượu, bia xong lái xe, bây giờ chỉ dám đi xe ôm hay taxi hoặc hai vợ chồng cùng đi, chồng uống thì vợ không uống để chở nhau về”, anh Phạm Hồng Phúc chia sẻ.

Chị Đào Hồng Lan (sống tại quận Hoàng Mai) chia sẻ: "Nghĩ lại những năm trước cao điểm xử lý nồng độ cồn, cứ mấy ngày, báo chị lại đưa tin có vụ xe điên khiến hàng loạt người bị thương vong. Đi ra đường nhất là vào trời tối và ban đêm thường xuyên có các đối tượng say xỉn, phóng nhanh vượt ẩu, rồ ga, cà khịa…mất an ninh trật tự. Nhưng đến nay thì đã thay đổi, chúng tôi ra đường cảm thấy yên tâm hơn hẳn vì gần như không còn xảy ra những hiện tường trên nữa. Mong rằng, việc xử phạt kiên quyết, minh bạch như vừa qua sẽ tiếp tục được duy trì, trở thành nền nếp để công bằng cho tất cả mọi người. Qua đó, người dân tham gia giao thông cũng được yên tâm, an toàn hơn".

TS. Nguyễn Hữu Đức, việc xử phạt kết hợp với truyền thông là một trong những giải pháp rất quan trọng để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Do vậy, trong thời gian tới, cần tiếp tục tập trung tuyên truyền những hành vi bị nghiêm cấm khi tham gia giao thông, nhất là điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn. Đồng thời, tuyên truyền về mức xử phạt hành chính đối với hành vi này cũng như hậu quả mà hành vi gây ra.

Theo TS. Nguyễn Hữu Đức, công tác tuần tra, xử lý vi phạm vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh và trên tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ: “Trong giải pháp tuyên truyền, tôi cũng đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của các cơ quan truyền thông, báo chí. Đây là phương tiện giúp người tham gia giao thông tiếp cận hiệu quả nhất, tạo sự lan tỏa, hướng tới xây dựng một xã hội văn minh với văn hóa giao thông cao. Văn hóa đã uống rượu, bia không lái xe sẽ tiếp tục được duy trì”.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư Tô Lâm: Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng
VOVLIVE - Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng, từ đây, mọi người dân Việt Nam, hàng trăm triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng tâm hiệp lực, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh".
Mới nhất