Xây dựng thế trận lòng dân, phát huy tinh thần của “Đường Hồ Chí Minh trên biển”

Thu Lan - Xuân Hóa/VOV1 | 23/10/2022, 08:37

61 năm đã trôi qua, các thế hệ CBCS từ Đoàn 759 – Đoàn tàu Không số năm xưa đến Lữ đoàn 125 hôm nay đã có những đóng góp, hy sinh to lớn trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.

Đã 61 năm kể từ ngày 23/10/1961, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn vận tải biển 759, (tiền thân của Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân ngày nay), với nhiệm vụ vận chuyển trên biển nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, góp phần quan trọng vào sự nghiệp kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứ nước nhưng những bài học kinh nghiệm, tinh thần và những giá trị được đúc rút từ chiến công của Đường Hồ Chí Minh trên biển vẫn luôn được Lữ đoàn 125 hôm nay vận dụng  thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo trong tình hình mới.

Trong rất nhiều bài học được vận dụng, bài học “lấy dân làm gốc” được Lữ đoàn 125 xác định là một nhiệm vụ quan trọng.

Ông Nguyễn Văn Tư, người dân xã Bình Thắng, Bình Đại, tỉnh Bến Tre nói về Lữ đoàn 125 với một nụ cười vui vẻ: "Thời điểm hạn mặn, không có nước dùng, nươc ngọt rất khan hiếm, các anh Hải quân Lữ đoàn 125 mang nước đến, giải hạn cơn khát của bà con, bà con rất vui".

Khi dân cần, các anh có mặt. Dẫu sóng to, gió lớn; dẫu dịch bệnh diễn biến phức tạp…nhưng vượt qua mọi khó khăn, các CBCS Lữ đoàn 125 luôn kịp thời đến với dân, “hỗ trợ nhân dân như chính người thân của mình” – vì lẽ đó trở thành kim chỉ nam của mỗi CBCS đang thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị viết lên con đường huyền thoại trên biển.

Thượng tá Lê Hồng Quang, Phó Chính uỷ Lữ đoàn 125, cho biết công tác dân vận là một bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Bác Hồ từng dạy: “Sức dân như sức nước, chở thuyền cũng là dân và lật thuyền cũng là dân” và “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ, bền gốc”. Mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, quan hệ quân và dân như cá với nước cũng được thể hiện đậm nét trong sự thành công của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển mà 61 năm trước, những cựu binh đoàn tàu không số, Đoàn 759 (tiền thân của Lữ đoàn 125 ngày nay) đã vận dụng trong thực hiện nhiệm vụ.  Tiếp thu tinh thần “trọng dân” ấy, những năm qua, Đảng uỷ, Chỉ huy Lữ đoàn 125 đã thực hiện tốt công tác dân vận, phong trào “Dân vận khéo” ngày càng lan tỏa sâu rộng với nhiều mô hình hay, thiết thực.

Thượng tá Lê Hồng Quang chia sẻ: "Thực hiện công tác dân vận của Lữ đoàn, trong nhiều năm qua, nhiều tấm gương cán bộ, đảng viên, quần chứng trong đơn vị luôn nhiệt huyết, không nề hà khó nhọc, bền bỉ vận động tuyên truyền, lan tỏa các phong trào vì biển đảo quê hương. CBCS của chúng tôi sống gần dân, sát dân, đi gần về phía nhân dân và vì lợi ích của dân mà cống hiến. Những việc làm của CBCS Lữ đoàn 125 đã góp phần tô thắm hình ảnh Bộ đội cụ Hồ và hình tượng cao đẹp của người chiến sỹ Hải quân trong lòng nhân dân, từ đó xây dựng thế trận lòng dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo".

Tuyên truyền biển đảo, thu hút nguồn nhân lực cao cho lực lượng Hải quân là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Lữ đoàn 125. Theo Trung tá Phạm Văn Phiếm, Phó Chủ nhiệm Chính trị, hàng năm Lữ đoàn luôn làm tốt công tác phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể ký kết chương trình và thực hiện tuyên truyền biển, đảo đến các tầng lớp nhân dân:

Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 125 nói: "Chúng tôi tuyên truyền biển đảo với nhiều hình thức khác nhau như tuyên truyền miệng, phát tờ rơi, tặng cờ tổ quốc, thực hiện Chương trình Hải quân Việt Nam làm điểm tựa chư ngư dân vươn khơi bám biển….qua đó tạo được sự hiểu biết sâu rộng cho nhân dân về đường lối, đối sách của Đảng,Nhà nước, Quân đội, Quân chủng Hải quân đối với sự nghiệp bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển đảo trong giai đoạn hiện nay".

Với những người lính thực hiện nhiệm vụ trên tàu, bên cạnh nhiệm vụ trực chốt bảo vệ chủ quyền, vận tải hàng hoá đến các đảo thì nhiệm vụ hỗ trợ nhân dân được mỗi CBCS xác định là “mệnh lệnh từ trái tim”. Không chỉ hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, tìm kiếm cứu nạn trên biển mà khi bà con gặp khó khăn, mỗi CBCS đội tàu luôn có mặt kịp thời.

Thiếu tá Nguyễn Văn Thương, Ban Quân huấn Lữ đoàn 125 kể lại vào năm 2020, khi các tỉnh ĐBSCL bị hạn hán, xâm thực mặn nghiêm trọng, hàng trăm ha hoa màu của bà con bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt bà con thiếu nước ngọt trong sinh hoạt hàng ngày. Nhận được lệnh của Đảng uỷ, BTL Vùng 2 Hải quân, Đảng uỷ-Chỉ huy Lữ đoàn 125 đã giao nhiệm vụ cho tàu 935 bằng mọi cách, phải nhanh chóng chở nước ngọt cung ứng cho đồng bào miền Tây.

Thiếu tá Nguyễn Văn Thương nhớ lại: "Thời điểm đó tôi là thuyền trưởng, trực tiếp chỉ huy  tàu chở nước ngọt đến với bà con. Đó là mệnh lệnh trái tim của người chiến sỹ Hải quân khi đứng trước sự khó khăn của đồng bào, nhân dân. Khi biết tin tàu của Hải quân chở nước ngọt về cấp miễn phí. Mỗi lúc tàu cập bến địa phương có rất đông người dân mang theo can, thùng nhựa, thuê xe ba bánh chở bồn nước đến lấy nước ngọt chở về phục vụ sinh hoạt cho gia đình…Hình ảnh ấy mang lại nhiều cảm xúc cho mỗi CBCS tàu 935. Chúng tôi luôn nỗ lực, cố gắng, giúp dân như giúp người thân của mình".

Với Thiếu tá QNCN Đỗ Xuân Hồng, nhân viên lái xe, phòng Tham mưu, Lữ đoàn 125, có lẽ ký ức của những ngày dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM sẽ chẳng thể nào quên. Nhận nhiệm vụ vận chuyển bệnh nhân và tử thi mắc Covid 19 trong thời điểm đỉnh dịch. Dẫu biết là hiểm nguy nhưng anh không một phút chần chừ khi được chỉ huy giao nhiệm vụ.

"Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ gần 03 tháng, tôi đã trực tiếp vận chuyển hàng trăm bệnh nhân và hàng chục tử thi. Có những trường hợp quá tải của bệnh viện tôi phải trực tiếp cõng bệnh nhân trên vai đưa họ vào giường bệnh, hay việc mang từng hũ tro cốt về bàn giao cho gia đình, bởi tôi luôn luôn tâm niệm đã là người lính, mà lại là lính một đơn vị có bề dày truyền thống Lữ đoàn 125 thì hơn lúc nào hết, đó là thời điểm mà mỗi CBCS Lữ đoàn 125 luôn  sẵn sàng hy sinh, gian khổ, cùng với các lực lượng khác góp phần đẩy lùi đại dịch Covid 19" - Thiếu tá QNCN Đỗ Xuân Hồng bồi hồi.

Bà Lê Thị Bấc, Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc TP Thủ Đức, TP.HCM bày tỏ, trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, TP. Thủ Đức đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời từ phía CBCS Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân. Đó là tình cảm, trách nhiệm của những người lính Hải quân đối với bà con khi gặp khó khăn trong đại dịch.

"CBCS Lữ đoàn 125 Vùng 2 Hải quân đã hỗ trợ sức người sức của, góp phần cùng Mặt trận TP. Thủ Đức thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid-19 và an sinh xã hội tại địa phương. Những tình cảm cao quý này Đảng bộ chính quyền và nhân dân TP.Thủ Đức luôn ghi nhớ" - Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc TP Thủ Đức nói.

61 năm đã trôi qua, các thế hệ CBCS từ Đoàn 759 – Đoàn tàu Không số năm xưa đến Lữ đoàn 125 hôm nay đã có những đóng góp, hy sinh to lớn trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Những chiến công đó đã trở thành bản hùng ca trong lịch sử dân tộc. Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 125 hôm nay luôn phát huy truyền thống của đơn vị anh hùng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, kiên cường bám tàu, bám biển, vận dụng những bài học kinh nghiệm quý giá của cha anh trong thực hiện nhiệm vụ; rèn luyện phẩm chất đạo đức, tiếp tục thực hiện tốt phương châm công tác dân vận, luôn “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, xứng đáng với lòng tin của nhân dân, làm tỏa sáng phẩm chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” – người chiến sĩ Hải quân trong thời kỳ mới./.

Bài liên quan
Mở đường Hồ Chí Minh trên biển tại các tỉnh Nam bộ là chủ trương có tầm nhìn chiến lược
Việc mở bến, mở đường Hồ Chí Minh trên biển của các tỉnh Nam bộ, trong đó có tỉnh Bến Tre để tiếp nhận vũ khí từ Miền Bắc chi viện cho Miền Nam là chủ trương đúng đắn, sáng tạo, có tầm chiến lược.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sáp nhập xã, huyện: Tránh yếu tố dòng họ, bè phái trong lựa chọn cán bộ
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, trong sáp nhập xã, huyện, việc hết sức phải tránh là yếu tố về làng xã, dòng họ, bè phái. Nếu để những yếu tố này chi phối trong quá trình tổ chức thì rất dễ gây ra chuyện mất đoàn kết, dẫn tới cục bộ.
Mới nhất