Mở đường Hồ Chí Minh trên biển tại các tỉnh Nam bộ là chủ trương có tầm nhìn chiến lược

Nhật Trường/VOV-ĐBSCL | 31/10/2021, 11:41

Việc mở bến, mở đường Hồ Chí Minh trên biển của các tỉnh Nam bộ, trong đó có tỉnh Bến Tre để tiếp nhận vũ khí từ Miền Bắc chi viện cho Miền Nam là chủ trương đúng đắn, sáng tạo, có tầm chiến lược.

Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày mở đường từ Bến Tre ra Bắc (1946) và 60 năm mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2021), ngày 31/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: "Phát huy tinh thần tiên phong mở đường, mở bến đường Hồ Chí Minh trên biển, phát triển Bến Tre về hướng Đông”.

Dự hội thảo có lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 9, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bộ Tư lệnh Vùng II Hải quân, các cán bộ lão thành cách mạng, các tướng lĩnh quân đội, các cựu chiến binh nguyên là cán bộ, chiến sỹ của Đoàn tàu không số, các nhân chứng lịch sử của sự kiện này. 

Phát biểu tham luận tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, việc mở bến, mở đường Hồ Chí Minh trên biển của các tỉnh Nam bộ, trong đó có tỉnh Bến Tre để tiếp nhận vũ khí từ Miền Bắc chi viện cho Miền Nam là chủ trương đúng đắn, sáng tạo, có tầm chiến lược của Đảng, Bác Hồ và quân đội ta.

Đường Hồ Chí Minh trên biển và Đoàn tàu không số ra đời trong hoàn cảnh khó khăn, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Những chiếc tàu không số phải cải trang thành tàu vận chuyển, tàu đánh cá…, kết hợp giữa hoạt động bí mật và công khai, đi nhiều đường.

Những chiếc tàu không số đã có những trận chiến ác liệt khi giáp mặt quân thù, nhiều cán bộ, chiến sỹ của Đoàn tàu không số đã gửi tuổi thanh xuân dưới lòng biển cả, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Đường Hồ Chí Minh trên biển và Đoàn tàu không số mãi là thiên anh hùng ca bất tử, thể hiện khát vọng về hòa bình của dân tộc ta, góp phần quan trọng cho kháng chiến thắng lợi, dẫn đến hòa bình, thống nhất đất nước.

Tại Bến Tre, đoàn cán bộ vượt biển ra Bắc gặp Bác Hồ và Trung ương Đảng vào đầu năm 1946 do bà Nguyễn Thị Định làm thuyền trưởng, là cơ sở để Trung ương quyết định chủ trương mở đường Hồ Chí Minh trên biển sau này.

Ngày 23/10/1961, Bộ Tư lệnh Khu ủy Khu 8 quyết định thành lập Đoàn 759 - Đoàn vận tải thủy với nhiệm vụ mua sắm phương tiện, vận chuyển tiếp tế cho chiến trường miền Nam bằng đường biển. Từ đó, ngày 23/10 trở thành Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Bến tiếp nhận vũ khí Bắc- Nam tại Bến Tre được thành lập từ tháng 9/1962 phiên hiệu A101 thuộc Đoàn 962 làm nhiệm vụ tiếp nhận vũ khí, vừa là trạm trung chuyển quan trọng của tuyến vận chuyển, đồng thời làm nhiệm vụ đầu mối cấp phát trang thiết bị cho lực lượng chiến đấu của Quân khu 8, Nam Sài Gòn và Đông Nam Bộ.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận vũ khí, bến Bến Tre đã gặp nhiều khó khăn, thử thách. Cuối năm 1965, Đoàn 962, Bến A101 phải chuyển địa bàn hoạt động qua đất bạn Campuchia rồi quay về mở bến lần 2 vào tháng 9/1970. Trong hai lần mở bến, đã có trên 400 đồng chí hy sinh và bị thương, 3 thuyền vận tải gắn máy bị phá hủy không để rơi vào tay giặc, tổn thất hơn 10 tấn vũ khí. Qua 12 năm làm nhiệm vụ, Bến Tre đã tiếp nhận và trung chuyển 28 chuyến tàu với  hơn 1.380 tấn vũ khí, đạn dược và hàng hóa an toàn đến các chiến trường.

Với các chiến công đó, ngày 22/11/2011, đơn vị A101 (Bến Tre) được tặng thưởng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Ông Nguyễn Văn Đức, cựu chiến binh ở huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, nguyên thủy thủ và thuyền trưởng con tàu không số cho biết, đã tham gia 14 chuyến tàu vận chuyển vũ khí Bắc- Nam và đều thành công.

Theo ông Đức nguyên nhân chính để các con tàu hoàn thành nhiệm vụ đó là sự trung thành, quyết tâm hy sinh vì nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ trên tàu không số; tư tưởng quyết tâm phải hoàn thành nhiệm vụ; được nhân dân nuôi dưỡng, giữ bí mật tuyệt đối.

Phát huy truyền thống vẻ vang của Bến tiếp nhận vũ khí Bắc- Nam và Đường Hồ Chí Minh trên biển, Tỉnh ủy Bến Tre đã có Nghị quyết phát triển về hướng Đông (thuộc huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú) với mục tiêu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, trong đó kinh tế biển là trọng tâm gắn với củng cố quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái; thúc đẩy liên kết, kết nối khu vực qua tuyến động lực ven biển, mở ra không gian phát triển của tỉnh và toàn vùng; hình thành khu kinh tế ven biển với những ngành, lĩnh vực đột phá như năng lượng sạch, công nghiệp chế biến - chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, cảng biển - logistics, khu đô thị, dịch vụ, du lịch...

Đặc biệt, về lĩnh vực khai thác, nuôi trồng thủy sản, tỉnh Bến Tre đang triển khai các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật phát triển 4.000 ha nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ đến năm 2025; duy trì đoàn tàu khai thác thủy sản hơn 3.800 phương tiện, với sản lượng khai thác bình quân trên 140.000 tấn/năm.

Phát huy tiềm năng của bờ biển dài 65km, Bến Tre triển khai 19 dự án điện gió đến năm 2030 với quy mô hơn 1.000 MW. Tỉnh còn quy hoạch 5 khu công nghiệp theo hướng di dời về các huyện biển; quy hoạch phát triển hệ thống cảng, bến và giao thông vận tải đường biển, gắn kết thuận tiện với Cảng biển của Vùng ĐBSCL./.

Bài liên quan
Xe tăng chiến lợi phẩm từ Ukraine giúp Nga tạo đạn chống tăng mới
VOVLIVE - Sau khi thu giữ những phương tiện chiến đấu của Ukraine, các chuyên gia Nga đã nghiên cứu kỹ lớp giáp của chúng để tìm ra cách đối phó hiệu quả hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng
VOVLIVE - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố, tỉnh Phú Thọ và nhân dân về dự Lễ dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng.
Mới nhất