Chiều 25/3, tại TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang diễn ra Hội nghị sơ kết công tác phối hợp tuyên truyền biển, đảo giữa Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng 5 Hải quân với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An giang, Cà Mau, Kiên Giang; chương trình “Vận động phụ nữ tham gia xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc” giữa BTL Vùng 5 Hải quân và Hội liên hiệp Phụ nữ các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau năm 2021.
Với nhiều chương trình hoạt động, công tác tuyên truyền biển đảo của BTL Vùng 5 Hải quân với 3 tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, kịp thời cung cấp thông tin góp phần nâng cao nhận thức trách nhiệm và tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Tình hình biển đảo – thông tin quan trọng đối với nhân dân vùng Tây Nam Bộ
Là địa phương nằm ở phía Tây Nam của Tổ quốc, Kiên Giang là địa phương có bờ biển dài 200km và vùng biển rộng hơn 63.000 km2, bao gồm 5 quần đảo với hơn 140 hòn đảo lớn, nhỏ (trong đó có 43 đảo có dân sinh sống).
Thực hiện Chỉ thị số 41/CT-TTg về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án tổng thể tuyên truyền bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, thời gian qua Kiên Giang đã có nhiều biện pháp tuyên truyền biển đảo đến mọi tầng lớp nhân dân với nhiều hình thức. Đặc biệt kết hợp với BTL Vùng 5 Hải quân đẩy mạnh tuyên truyền biển đảo và thu hút nguồn nhân lực.
Ông Nguyễn Thiện Cẩn, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Kiên Giang nhấn mạnh, nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng to lớn của biển, đảo và trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cấp ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh Kiên Giang luôn xác định, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị góp phần giữ gìn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Từ đó tập trung tuyên truyền và phối hợp tuyên truyền về biển, đảo và phát triển kinh tế biển, đảo.
An Giang là địa phương không có biển nhưng công tác tuyên truyền biển đảo luôn được địa phương đặc biệt quan tâm. Năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã gây ảnh hưởng đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội, song Ban Tuyên giáo tỉnh ủy An Giang đã linh hoạt, thích ứng bằng các biện pháp tuyên truyền không tiếp xúc thông qua hình thức trực tuyến, thu hút nhiều đối tượng tham gia.
“Chúng tôi sẽ phối hợp với Vùng 5 Hải quân để đẩy mạnh hơn nữa về tuyên truyền biển đảo trong thời gian tới. Trong đó, tập trung làm phong phú hơn các phương pháp, hình thức tuyên truyền, nội dung tuyên truyền mới và kịp thời, tránh tạo ra khoảng trống để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá, đặc biệt là các vấn đề biển đảo”, ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng phòng tuyên truyền, Ban Tuyên giáo tỉnh ủy An Giang đề xuất.
Là tỉnh cực Nam của Tổ quốc có vị trí chiến lược, làm cầu nối để khai thác kinh tế biển, phát triển du lịch và là điểm tựa tiền tiêu, Cà Mau là tỉnh duy nhất có 3 mặt giáp biển, với chiều dài bờ biển 254 km với 23 xã bãi ngang ven biển, có các cụm đảo gần bờ như cụm đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối, hòn Ðá Bạc, Cà Mau có ý nghĩa chiến lược về quốc phòng - an ninh trong khu vực biển, đảo Tây Nam của Tổ quốc. Trong những năm qua, Cà Mau đã tập trung đầu tư nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật, tạo động lực cho kinh tế biển phát triển.
Bà Trần Thị Kiều Yến, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Cà Mau cho biết, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Cà Mau đã cố gắng phát huy hết vai trò, sức lực trong công tác tuyên truyền, vận động, phối hợp các đơn vị Vùng 5 Hải quân để thực hiện tốt nhiệm vụ tham gia xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.
Theo bà Yến, thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Cà Mau sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với BTL Vùng 5 Hải quân, nhằm truyền tải kịp thời những vấn đề thiết thực để người dân biết, tự giác tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo thông qua trang thông tin tuyên truyền của Hội cũng như nhiều hình thức tuyên truyền khác.
Đa dạng các hình thức tuyên truyền biển đảo trong tình hình mới
Theo Chuẩn Đô đốc Nguyễn Đăng Tiến, Chính ủy BTL Vùng 5 Hải quân, năm 2021, BTL Vùng 5 Hải quân và Ban Tuyên giáo các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, An Giang đã chủ động phối hợp, xây dựng kế hoạch hoạt động, tổ chức cho đội ngũ báo cáo viên đến các các địa phương tuyên truyền về biển, đảo, kết hợp tuyên truyền thu hút nguồn nhân lực, động viên học sinh, sinh viên đăng ký dự tuyển vào Học viện Hải quân, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng Quân chủng Hải quân trong thời kỳ mới.
Công tác phối hợp tuyên truyền giữa Vùng 5 Hải quân và các tỉnh đã có những hiệu quả rõ nét, qua đó làm cho nhân dân nhận thức rõ tính chất phức tạp, quyết liệt, lâu dài của cuộc đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước; chia sẻ với những khó khăn, gian khổ của lực lượng làm nhiệm vụ trên tuyến đầu của Tổ quốc; không dao động trước những tác động tiêu cực, sự kích động, chống phá của các thế lực thù địch.
“Chúng tôi tiếp tục tăng cường tuyên truyền thông qua các hình thức phù hợp với điều kiện tình hình mới như trực tuyến không tiếp xúc qua bộ câu hỏi, đề cương để làm sao đạt được hiệu quả cao hơn nữa”, Chuẩn Đô đốc Nguyễn Đăng Tiến nhấn mạnh.
Nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về thông tin biển đảo, pháp luật biển góp phần giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. BTL Vùng 5 Hải quân cùng thống nhất nội dung và kí kết Chương trình phối hợp hoạt động tuyên truyền biển đảo năm 2022 với Ban Tuyên giáo và Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh An Giang, Cà Mau, Kiên Giang.
Nội dung tuyên truyền tập trung vào pháp luật về biển, đảo Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; vị trí, tầm quan trọng của biển, đảo; tình hình thực tiễn trên các vùng biển, đảo nước ta; về cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch và những động thái mới của nước ngoài trên Biển Đông; kết quả đấu tranh, bảo vệ chủ quyền của các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển; quan điểm của Đảng, Nhà nước trong giải quyết tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế./.