Vụ “võ sư” đánh vợ bị tố bạo hành con sau ly hôn: Trẻ có quyền chọn ở với bố hay mẹ

PV/VOV.VN | 01/02/2023, 18:30

Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, những đứa trẻ đang là nạn nhân chịu hậu quả nặng nề nhất.

Tiếp tục làm rõ thông tin trong Đơn kêu cứu gửi Báo Điện tử VOV của chị V.T.T.L (SN 1992, Thanh Xuân, Hà Nội) về việc chị cùng các con và các thành viên trong gia đình đã bị người chồng cũ là “võ sư” Nguyễn Xuân Vinh (SN 1987, Mê Linh, Hà Nội) hành hung, đe dọa, phóng viên đã liên hệ với chính quyền địa phương để xác minh làm rõ.

Theo chị L, trong gần 4 năm sau khi ly hôn, người chồng cũ Nguyễn Xuân Vinh nhiều lần ngăn cấm không cho con gặp mẹ. Trong Đơn kêu cứu, chị L nêu rõ: “…Vào lúc 19h30 ngày 27/12/2022, Vinh chở con trai T.B (11 tuổi) về nhà tôi và từ chối quyền nuôi con. Con tôi về nhà mẹ trong tình trạng hoảng loạn và rất lo sợ. Con kể vào khoảng 17h cùng ngày, khi con vừa đi học về thì bị bố đá mạnh vào mạng sườn, bắt quỳ ở sân, liên tục đánh nhiều lần vào đầu, đỉnh đầu và 2 bên thái dương, khiến cháu ngã xuống. Bố bắt con quỳ ở sân và tiếp tục đe doạ, chửi bới, và đánh con. Tôi được anh trai của Vinh là N.H.V (SN 1975) cho biết khi sự việc bạo hành xảy ra có ông bà nội cháu và bác cháu chứng kiến, tuy nhiên, không ngăn cản được”.

Chị L cũng cho biết, sau khi đánh con, Vinh tiếp tục gọi điện, nhắn tin đe doạ tới tính mạng chị và gia đình. Vào lúc 19h30 ngày 28/12/2022, Vinh mang một túi lớn đựng nhiều gậy golf tới nhà chị chửi bới, vu khống, đe doạ gia đình chị, gây mất trật tự khu vực. Khi thấy anh trai chị L là V.M.Ng (SN 1990), tình cờ đi ngang qua, Vinh ngay lập tức lao tới và dùng hung khí là gậy golf đánh anh Ng. 

“Con tôi đứng ở ban công tầng 2 bị bố chửi bới doạ dẫm và thấy bố đuổi đánh bác Ng nên rất sợ hãi. Chính cháu đã lao ra ban công kêu cứu các chú công an và van xin bố về đi, để con ở với mẹ”, chị L cho biết.

Đến nay, chị L và gia đình đã gửi Đơn tố cáo về hành vi bạo hành trẻ em (xảy ra tại Mê Linh ngày 27/12/2022) tới Công an xã Kim Hoa (huyện Mê Linh, Hà Nội); làm Đơn khởi kiện giành quyền nuôi con, gồm đầy đủ hồ sơ minh chứng tới Tòa án Nhân dân huyện Mê Linh nơi cư trú của Nguyễn Xuân Vinh; Đơn tố cáo về hành vi hành hung xảy ra ngày 28/12/2022 tới Công an phường Phương Liệt, Công an quận Thanh Xuân và Công an thành phố Hà Nội.

Thông tin với phóng viên, ông Trần Tiến Dũng, công chức văn hoá - xã hội xã Kim Hoa cho biết, sau chỉ đạo của Phòng LĐ,TB&XH huyện Mê Linh, các lực lượng chức năng của xã phối hợp với Công an huyện Mê Linh đã vào cuộc giải quyết. Hiện cháu T.B đang được tạm thời cách ly với bố, chuyển ra ở với mẹ tại Hà Nội. Các ban, ngành, đoàn thể của xã đã hỏi thăm, động viên mẹ cháu và được thông tin sức khỏe cháu tạm thời ổn định. 

Ông Dũng cho biết, mẹ cháu cũng về trường Tiểu học Chí Đông (xã Kim Hoa - nơi cháu cư trú và theo học) để rút học bạ, chuyển trường cho cháu. Tuy nhiên, về mặt pháp lý, bố cháu là Nguyễn Xuân Vinh vẫn đang nuôi dưỡng hợp pháp nên nhà trường không đồng ý.

“Công an xã Kim Hoa đã 3 lần đến nhà gửi giấy mời anh Nguyễn Xuân Vinh lên trụ sở công an làm việc nhưng đều không gặp, nên gửi giấy mời qua bố mẹ Vinh. Vì anh Vinh không lên Công an xã để làm việc nên sự việc mới ghi nhận từ đơn của mẹ cháu, còn cụ thể như thế nào phải chờ kết quả làm việc của công an với anh Vinh. Hiện nay mẹ T.B cũng đang gửi đơn đến Tòa án nhân dân huyện Mê Linh để đề nghị được nuôi dưỡng cháu T.B”, ông Dũng thông tin. 

Ông Lê Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Hoa cho biết thêm, Nguyễn Xuân Vinh là lao động tự do, ngoài đánh vợ, đã từng có tiền sự về cố ý gây thương tích đối với người khác. 

“Ngay sau khi sự việc xảy ra (việc Nguyễn Xuân Vinh bị tố bạo hành con trai - PV), các ban, ngành, đoàn thể đã tới gia đình Vinh để lập biên bản sự việc. Ông bà nội cháu bé cho rằng, Vinh không đánh mà chỉ quát mắng nên không gây thương tích. Tuy nhiên, do chưa làm việc được với Vinh nên vụ việc vẫn đang được giải quyết”, ông Hùng nói.

Liên quan đến vụ việc này, bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, những đứa trẻ đang là nạn nhân chịu hậu quả nặng nề nhất. 

Bà Hoà cho rằng, bạo lực về thể chất dễ thấy và phát hiện, nhưng bạo lực, bạo hành về tinh thần rất khó để phát hiện và xử lý. Trong trường hợp xác định trẻ bị bạo hành tinh thần, gia đình có thể cho trẻ đi khám ở các bác sĩ chuyên khoa để đánh giá và kết luận về những tổn thương tinh thần, tâm lý mà trẻ phải gánh chịu. Từ kết quả này mới có thể có “bằng chứng” để xử lý. 

Trong trường hợp phát hiện con có những dấu hiệu bị bạo hành, người mẹ có thể báo với cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em tại nơi cư trú để lập biên bản và xử lý theo quy định của pháp luật. 

“Theo quy định, người mẹ có thể đề nghị với Toà án để thay đổi Quyết định trao quyền nuôi con sau khi ly hôn. Trẻ từ 7 tuổi trở lên có thể được hỏi ý kiến và lựa chọn ở cùng bố hoặc mẹ. Phía người mẹ cũng cần chứng minh đủ điều kiện để chăm sóc, nuôi dưỡng đứa trẻ”, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hoà nhấn mạnh./.

Bài liên quan
Bé trai 5 tuổi ở Đồng Nai bị cha ruột đánh dã man
Bực tức con trai ruột, Minh dùng dây sạc điện thoại đánh rất nhiều lần vào phía sau mông, chân, tay và lấy dây điện thoại quấn cổ cháu bé.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất