Vì sao tàu HQ-671 trở thành bảo vật quốc gia về Đường Hồ Chí Minh trên biển?

(Nguồn: Quân đội nhân dân) | 11/10/2021, 11:46

Tàu HQ-671 mãi mãi là một chứng tích lịch sử oanh liệt và sống động với nhiều thành tích, chiến công hiển hách tiêu biểu của Hải quân nhân dân Việt Nam.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước hào hùng, cùng với Đường Trường Sơn trên bộ là sự hiện diện của “Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Hơn 14 năm trên tuyến đường đặc biệt này, lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam đã vận chuyển hàng nghìn tấn Vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT), lương thực, thuốc men… chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975. Trong đó, chứng tích lịch sử quý giá nhất là “bảo vật quốc gia” Tàu HQ-671.

Mặc dù không còn tung hoành dọc ngang trên biển nhưng tàu HQ-671 mãi mãi là một chứng tích lịch sử oanh liệt và sống động với nhiều thành tích, chiến công hiển hách tiêu biểu của Hải quân nhân dân Việt Nam.

Tàu vận tải quân sự số hiệu HQ-671 (tải trọng 50 tấn, lực giãn nước 165 tấn, do Trung Quốc sản xuất, viện trợ Việt Nam năm 1964) dài 31m, rộng 5,8m, chiều cao từ đáy đến đỉnh cột cờ 11,7m, có hai hầm hàng dùng để vận chuyển hàng hóa. Đầu năm 1967, tàu mang số hiệu C41, Tháng 7/1971 mang số hiệu 641 và năm 1980 mang số hiệu HQ-671. Đây là con tàu “không số” duy nhất còn lại, là minh chứng cho những chiến công tiêu biểu của đường Hồ Chí Minh trên biển. 

Vì sao tàu HQ-671 trở thành bảo vật quốc gia về Đường Hồ Chí Minh trên biển? - 1

 Tàu HQ 671 trong kháng chiến chống Mỹ mang số hiệu 641.

Suốt quá trình vận tải chiến lược, các thế hệ tập thể cán bộ, chiến sĩ tàu HQ-671 đã tổ chức đi 20 chuyến, vận chuyển gần 400 tấn vũ khí và hàng hóa vào các bến của nhiều tỉnh như: Quảng Ngãi, Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Cà Mau và đưa đón cán bộ cách mạng đến các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, góp phần chi viện sức người, sức của từ hậu phương từ miền Bắc cho chiến trường miền Nam.

Với số hiệu C41, tàu đã thực hiện hàng chục chuyến vận chuyển trong Chiến dịch vận tải VT5 (1968-1969), chuyển hàng nghìn tấn vũ khí, hàng hóa từ Hải Phòng vào cảng Gianh (Quảng Bình) để các đơn vị bạn tiếp tục vận chuyển theo đường Trường Sơn vào chi viện chiến trường miền Nam. Với số hiệu 641, từ cuối năm 1971-1974, tàu vận chuyển vũ khí, hàng hóa, phương tiện và bộ đội vào cảng Đồng Hới (Quảng Bình) và cảng Cửa Việt (Quảng Trị) để chuyển tiếp vào chiến trường miền Nam.

Đặc biệt chuyến đi ngày 28/2/1970 chở vũ khí vào Quân khu 9, cán bộ, chiến sĩ trên tàu phải đấu trí căng thẳng với sự đeo bám liên tục cùng những hành động khiêu khích thăm dò của máy bay, tàu chiến Mỹ. Suốt 20 ngày hành trình trên biển, tàu không thể vào bến, sau đó được lệnh quay về để bảo toàn bí mật. Ngày 30/4/1970, tàu được ngụy trang với số hiệu RS05 đi theo tuyến mới chở vũ khí vào chiến trường Nam Bộ.

Sau 8 ngày đêm mưu trí, khôn khéo vòng tránh đánh sự đeo bám, cương tỏa gắt gao của địch, tàu đã đưa 58 tấn hàng hóa, vũ khí vào cập bến Hang Hố (Cà Mau) an toàn. Nhờ được cung cấp kịp thời vũ khí, có nhiều loại hỏa lực mạnh như trung liên, B40, B41, ĐKZ, 12,7mm… lực lượng vũ trang Quân khu 9 đã đánh thắng các cuộc hành quân càn quét của Mỹ - Ngụy, bắn chìm nhiều tàu thuyền, làm thất bại chiến thuật “Hạm đội nổi trên sông” của chúng.

Vì sao tàu HQ-671 trở thành bảo vật quốc gia về Đường Hồ Chí Minh trên biển? - 2

Tàu HQ-671 neo đậu tại sông Lạch Tray (trong khuôn viên Bảo tàng Hải quân, lúc chưa đưa lên bệ đỡ tàu). 

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, ngày 25/4/1975, tàu vận tải quân sự HQ-671 được giao nhiệm vụ vận chuyển vũ khí và chở bộ đội Đoàn 126 đặc công Hải quân đi chiến đấu giải phóng Đảo Sơn Ca (thuộc quần đảo Trường Sa), góp phần vào thắng lợi trọn vẹn vĩ đại của dân tộc ta - đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất.

Sau ngày giải phóng miền Nam, tàu HQ 671 tiếp tục làm nhiệm vụ vận tải chi viện cho các đơn vị đóng quân ở quần đảo Trường Sa. Tháng 10/1978, tàu nhận lệnh đi tìm 7 cán bộ, chiến sĩ của đảo Phan Vinh trong khi đang làm nhiệm vụ bị sóng biển trôi dạt. Sau 8 ngày đêm, tàu đã tìm và cứu được cả 7 người, đưa về đất liền an toàn.

Đầu năm 1988, cán bộ, chiến sĩ tàu HQ 671 tiếp tục tham gia bảo vệ đảo Đá Lớn. Ngày 14/3/1988, khi xảy ra sự kiện ở Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, tập thể cán bộ, chiến sĩ của tàu đã vượt qua sự ngăn chặn, uy hiếp của đối phương, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ cán bộ, chiến sĩ ở các tàu của ta bị tàu chiến nước ngoài bắn chìm.

Năm 1982, tàu HQ 671 được biên chế vào Hải đội 413, Vùng 4 Hải quân. Năm 2002, tàu được biên chế về Hải đội 384, Cục Hậu cần Hải quân và sau đó được biên chế về Bảo tàng Hải quân trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển.

Vì sao tàu HQ-671 trở thành bảo vật quốc gia về Đường Hồ Chí Minh trên biển? - 3

 Tàu HQ 671 hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Hải quân. 

Với những thành tích xuất sắc, tàu HQ-671 đã 2 lần được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 1973 và 1989). Được tặng thưởng 4 Huân chương Quân công, 8 Huân chương Chiến công và nhiều phần thưởng cao quý khác. Có 8 cán bộ, chiến sĩ của tàu qua các thời kỳ được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, gồm: Bông Văn Dĩa, Lê Văn Một, Đặng Văn Thanh, Dương Văn Lộc, Huỳnh Văn Sao, Phan Nhạn, Nguyễn Sơn, Hồ Đắc Thạnh. Ngày 25/12/2017, Thủ tướng công nhận tàu vận tải quân sự số hiệu HQ-671 là bảo vật quốc gia.

(Nguồn: Quân đội nhân dân)
Bài liên quan
Việt Nam tham gia cuộc tập trận hải quân đa quốc gia quy mô lớn tại Ấn Độ
Hải quân Việt Nam, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Pháp, Hàn Quốc, Indonesia sẽ tham gia cuộc tập trận Milan 2024 tại Ấn Độ nhằm tăng cường hợp tác và an ninh hàng hải.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Việt Nam là địa điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp đặt trung tâm sản xuất"
Đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt và các thành viên, doanh nghiệp chia sẻ điều này khi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mới nhất