Vị giáo sư toán học 43 năm đứng lớp và những điều chưa từng kể

21/01/2021, 07:43

Giáo sư, tiến sĩ khoa học Đặng Hùng Thắng có 43 năm làm giảng viên Đại học Khoa học Tự nhiên vừa được trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 2020.

Giáo sư, tiến sĩ khoa học Đặng Hùng Thắng, giảng viên khoa Toán - Cơ - Tin học, Đại học Khoa học Tự nhiên vinh dự là 1 trong 14 nhà giáo vừa được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân” năm 2020.

“Đây là điều rất vinh dự, mang đến cho tôi sự hãnh diện và niềm vui lớn sau nhiều năm nghiên cứu khoa học, cống hiến”, giáo sư chia sẻ.

Giáo sư Thắng làm giảng viên tại khoa Toán - Cơ - Tin học từ năm 1977 đến nay. Với hơn 43 năm liên tục đứng lớp và cống hiến cho nền Toán học nước nhà.

Vị giáo sư toán học 43 năm đứng lớp và những điều chưa từng kể  - 1

Giáo sư Đặng Hùng Thắng được nhận danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”.

Giáo sư Thắng cũng là người nhiều năm giảng dạy, dẫn dắt đội tuyển học sinh dự thi học sinh giỏi Toán quốc gia, Olympic Toán quốc tế đạt thành tích cao. Ông từng hướng dẫn 7 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sỹ và gần 60 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sỹ.

Không chỉ vậy, giáo sư Thắng cũng tấm gương sáng về sự tự học và cần cù trong việc nghiên cứu khoa học. Trước khi trở thành giáo sư, ông từng vừa giảng dạy, vừa bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học trong nước theo chế độ ngắn hạn - tự học là chính, không có người hướng dẫn và không được nghỉ dạy trong thời gian viết luận án.

Giáo sư Thắng từng xuất bản 9 giáo trình nổi tiếng về Toán học cho bậc đại học và sau đại học. Các sách của ông được nhiều trường đại học sử dụng, tái bản nhiều lần như: “Mở đầu về Lý thuyết Xác suất và Ứng dụng” (tái bản lần thứ 9),“Thống kê và Ứng dụng” (tái bản lần thứ 5), “Bài tập Xác suất” (tái bản  lần thứ 13).

Đặc biệt, giáo sư đang sở hữu trên 50 bài báo công bố trên các tạp chí toán học uy tín thuộc danh mục ISI và nhiều bài được quan tâm, trích dẫn nhiều lần. Ông cũng chủ trì 2 đề tài khoa học cấp quốc gia tạo được tiếng vang lớn.

Vị giáo sư toán học 43 năm đứng lớp và những điều chưa từng kể  - 2

Thầy Đặng Hùng Thắng giảng bài.

Đạt được nhiều thành tựu khoa học nổi bật, nhưng ít ai biết rằng chặng đường giảng dạy và nghiên cứu khoa học của giáo sư Thắng đầy khó khăn, thử thách.

Với thầy, áp lực lớn nhất là dạy học cho nhiều đối tượng học trò khác nhau. Bởi điều này đòi hỏi người giảng viên phải tìm ra cách dạy phù hợp với những học trò chưa giỏi, chưa tự tin để khơi gợi trí tò mò, kích thích sự ham hiểu biết của người học. Để làm được việc đó, theo giáo sư trước tiên giảng viên cần diễn đạt súc tích và logic, biến những điều phức tạp rắc rối thành điều đơn giản, đẹp đẽ cho sinh viên dễ học, dễ hiểu.

“Trong suốt chặng đường dài làm nghề dạy học, thực sự chưa lúc nào tôi coi các danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú là mục tiêu phấn đấu. Cái đích mà tôi hướng tới là sự xuất sắc, hoàn hảo trong nghề nghiệp, “chế tác ra được những sản phẩm tinh xảo”, làm được những việc hữu ích, có ý nghĩa cho cuộc đời, đóng góp vào sự tiến bộ của xã hội.

Ở cương vị một nhà giáo, việc đào tạo được những học trò giỏi, viết được những giáo trình, sách chuyên khảo được sử dụng rộng rãi công bố được những công trình khoa học được nhiều người quan tâm đọc, trích dẫn... đó mới là  mục tiêu tôi hướng đến”, giáo sư Thắng chia sẻ.

Giáo sư, tiến sĩ khoa học Đặng Hùng Thắng từng 12 lần được danh hiệu Chiến sĩ thi đua, giáo viên, giảng viên dạy giỏi (trong đó có 1 lần nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Bộ GD&ĐT, năm học 2015-2016); 4 lần nhận bằng khen cấp Bộ, Thành phố, và Thủ tướng Chính phủ năm 2018.

Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú” từ năm 2008. Đến tháng 12/2020, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”.

Với các trường hợp ứng viên xét tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân là các nhà giáo có thời gian trực tiếp giảng dạy ít nhất 20 năm, đạt được những thành tích xuất sắc trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, đã được tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Bộ, bằng khen Thủ tướng hoặc cao hơn.

Để được phong tặng, ngoài việc phải thỏa mãn đầy đủ các tiêu chuẩn “cứng”, ứng viên còn phải vượt qua 4 vòng bỏ phiếu gồm: hội đồng trường, hội đồng Đại học Quốc gia Hà Nội, hội đồng Bộ Giáo dục và Đào tạo và hội đồng Nhà nước với ít nhất  90% số phiếu tán thành trên tổng số thành viên hội đồng.

Bài liên quan
Nhà khoa học dùng ngân sách nghiên cứu thất bại sẽ được miễn trách nhiệm dân sự?
Một trong những điểm mới của Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) là miễn trách nhiệm dân sự cho các nhà khoa học khi nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước nhưng không đạt kết quả như mục tiêu đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín
Chiều 19/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín nhân “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2024.
Mới nhất