Phát biểu về ý nghĩa của Hội thảo, TS. Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, khẳng định: "Báo chí, truyền thông có sứ mệnh đặc biệt quan trọng trong việc truyền tải thông tin về bình đẳng giới, góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của công chúng. Việc tuyên truyền, vận động, lan toả những hình ảnh, thông điệp đúng đắn, sâu sắc, toàn diện về bình đẳng giới vừa là vai trò và cũng là thách thức đối với báo chí, truyền thông".
TS. Dương Kim Anh cũng nhấn mạnh những tác động của công nghệ số tới sự truyền tải thông điệp bình đẳng giới trên báo chí, truyền thông: "Công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và sự bùng nổ mạng xã hội đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ các loại hình báo chí, truyền thông được sản xuất và phát hành nhanh chóng, dễ dàng qua các ứng dụng đa phương tiện. Đây là các nền tảng truyền thông mới, có tốc độ lan toả nhanh, hiệu ứng tác động mạnh, nhưng hiện nay còn thiếu các chế tài kiểm soát chặt chẽ, xử lý kịp thời các nội dung, hình ảnh truyền thông chưa phù hợp, nhất là những sản phẩm có nhạy cảm giới".
Chia sẻ về những định kiến giới xuất hiện nhiều trên truyền thông, ThS Nguyễn Vân Anh, Giám đốc CSAGA, cho biết, Việt Nam có nhiều tiến bộ về bình đẳng giới. Nhìn bề ngoài, phụ nữ hiện diện ở khắp mọi nơi. Họ nắm giữ những vị trí quan trọng như giám đốc hãng phim, chủ hãng bay… Tuy nhiên, trong thực tế, có rất nhiều vấn đề với phụ nữ. Như tỉ lệ phụ nữ bị bạo lực ở Việt Nam cao, có trên 63% bị bạo lực ít nhất 1 lần bởi người thân trong gia đình. Từ lý thuyết về bình đẳng giới đến việc cân bằng quyền lực trong mỗi gia đình, mỗi cơ quan, mỗi phòng làm việc cũng là khoảng cách rất lớn. Con số 87% phụ nữ Việt Nam từng ít nhất 1 lần bị quấy rối tình dục nơi công cộng là con số không nhỏ. Có 13-14% trẻ em trong các trường phổ thông ở Hà Nội bị xâm hại tình dục ít nhất 1 lần(trong 1 nghiên cứu của Plan với 30 trường phổ thông). Bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái là hình thức cao nhất của bất bình đẳng giới.
"Chúng ta làm nhiều về bình đẳng giới nhưng sự cân bằng quyền lực thực sự trong mỗi gia đình, để phụ nữ trẻ em không phải là đối tượng bị bạo lực, bị xâm hại, bị kỳ thị là vấn đề đáng lo ngại. Bình đẳng giới trên truyền thông giữa lý thuyết và thực tế là khoảng cách rất lớn", bà Nguyễn Vân Anh cho biết.
Hội thảo Khoa học lần này được xem là một diễn đàn khoa học có ý nghĩa đặc biệt trong việc nhấn mạnh vai trò quan trọng của báo chí, truyền thông trong nâng cao nhận thức về bình đẳng và công bằng giới. Các chuyên gia nhấn mạnh, báo chí, truyền thông cũng cần tạo ra và duy trì các khuôn mẫu, chuẩn mực mới tiến bộ, phù hợp với sự phát triển, đồng thời dần dần loại bỏ những khuôn mẫu và chuẩn mực cũ không còn phù hợp. Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp về chính sách, về thực tiễn nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần loại bỏ bất bình đẳng giới trên báo chí, truyền thông.
Hội thảo đã nhận được hơn 80 đề xuất viết bài đến từ nhà khoa học, học giả trong nước và quốc tế; giảng viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh từ các cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu; các nhà quản lý, hoạt động xã hội; các cơ quan báo chí, truyền thông. Qua quá trình phản biện, Ban Tổ chức đã lựa chọn và thông qua 37 tham luận chất lượng, đạt tiêu chuẩn về tính khoa học, tính lý luận và giá trị thực tiễn, được chọn in trên Kỷ yếu khoa học có chỉ số ISBN (International Standard Book Number - Mã số tiêu chuẩn quốc tế cho sách)