"Ukraine cam kết thực hiện Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. Chúng tôi không sở hữu, phát triển hoặc có ý định mua vũ khí hạt nhân. Ukraine hợp tác chặt chẽ với IAEA và hoàn toàn minh bạch trong quá trình giám sát của IAEA. Điều này loại trừ việc sử dụng vật liệu hạt nhân cho mục đích quân sự", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Heorhii Tykhyi thông tin.
Hôm 13/11, tờ báo của Anh đưa tin Ukraine có thể phát triển một quả bom hạt nhân trong vòng vài tháng nếu Mỹ cắt giảm viện trợ quân sự cho Kiev. Loại bom này được tạo ra từ plutonium thu ở thanh nhiên liệu đã qua sử dụng của lò phản ứng hạt nhân. Công nghệ tương tự cũng được sử dụng để tạo ra quả bom nguyên tử Fat Man, được thả xuống Nagasaki vào năm 1945.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Kiev sẽ nhận được lời mời gia nhập NATO hoặc vũ khí hạt nhân. Tờ Bild trích dẫn lời quan chức Ukraine giấu tên tiết lộ thêm Ukraine có thể chế tạo bom hạt nhân trong vòng vài tuần để chống lại Nga nếu NATO không mời nước này tham gia liên minh.
Vào mùa thu năm 2022, Kiev chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO sau khi 4 khu vực trước đây của nước này bỏ phiếu để sáp nhập vào Nga.
Trong khi đó, Moskva nhiều lần phản đối sự mở rộng ngày của NATO về phía biên giới nước này. Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh việc Ukraine thúc đẩy gia nhập liên minh là một trong những lý do chính cho hoạt động quân sự của Nga.
Bất chấp những lời thúc giục từ Kiev về việc kết nạp nước này vào khối, quan chức NATO đến nay vẫn từ chối đưa ra thời hạn chính xác cho vấn đề trên. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hồi năm 2023 nhận định vấn đề này sẽ không được đưa ra bàn thảo cho đến khi xung đột kết thúc.
Mỹ ngoài việc cung cấp hàng tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine, Tổng thống Joe Biden còn nỗ lực mở rộng NATO và tập hợp nhiều quốc gia trên khắp thế giới để cô lập Nga sau cuộc xung đột quân sự bắt đầu vào tháng 2/2022.