Theo công bố của Sở GD-ĐT Hà Nội, năm nay, dù chỉ tiêu vào lớp 10 công lập của Hà Nội đã tăng 3% so với năm trước cũng chỉ chiếm 64%, như vậy sẽ còn khoảng 48.000 học sinh sẽ phải chuyển sang khối trường tư thục hoặc các trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên hoặc học nghề.
Bên cạnh những nguyện vọng vào các trường công lập đã đăng ký, thời điểm này, nhiều phụ huynh vẫn “ngược xuôi” tìm thêm các trường ngoài công lập, thậm chí chấp nhận mất thêm 1 khoản phí “giữ chỗ” để dự phòng, chắc chắn con sẽ có chỗ học lớp 10.

Anh Nguyễn Duy Hưng (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, con trai anh có học lực trung bình khá, đặt nguyện vọng 1 vào THPT Trần Hưng Đạo (Thanh Xuân), năm 2024, trường này lấy 38,25 điểm. Trong khi đó, các lần thi thử gần đây, điểm trung bình mỗi môn của con anh chỉ ở mức 6 điểm/môn. Để chắc suất vào lớp 10, anh Hưng đang tìm thêm các trường ngoài công lập gần nhà để nộp hồ sơ cho con theo học.
“Tôi muốn tìm phương án dự phòng cho con, nhưng vẫn chưa tìm được trường nào. Khi chọn trường tư, ngoài chất lượng cũng cần cân nhắc đến mức học phí trong khả năng chi trả của gia đình. Đặc biệt, hiện nay hầu hết các trường đều có 1 khoản phí giữ chỗ khi nộp hồ sơ”, anh Hưng chia sẻ.
Dù con có học lực tốt, đăng ký nguyện vọng vào THPT Trần Phú (Hoàn Kiếm) nhưng chị Mai Thu Hiền (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vẫn nộp hồ sơ cho con vào Trường THPT Tạ Quang Bửu để dự phòng trường hợp không trúng tuyển trường công lập.
Chị Hiền cho biết, gia đình muốn có thêm phương án dự phòng để con giảm bớt áp lực thi cử. Bên cạnh đó, năm nay là năm đầu tiên thi theo Chương trình GDPT mới, kỳ thi có những thay đổi lớn cả về đề thi và cách tính điểm, do đó cũng rất khó dự đoán mức điểm các trường sẽ biến động thế nào.
Nói về cách chọn trường THPT cho con, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, bước vào THPT là giai đoạn rất quan trọng với mỗi học sinh, đây cũng là giai đoạn các em phát triển mạnh về tính cách riêng. Một ngôi trường phù hợp sẽ giúp các em khai phá được bản thân, rèn giũa những kỹ năng cần thiết và định hướng, hướng nghiệp trong tương lai.
Thế kỷ 21 đặt ra những yêu cầu cho thế hệ trẻ cần có sự tự tin cả về kiến thức, kỹ năng nhận thức, biết tự định hướng trong các tình huống xã hội, là người có trách nhiệm và tinh thần cống hiến. Giai đoạn các em học bậc THPT cũng là thời gian để hình thành những năng lực đó.
“Giai đoạn các em bước vào bậc THPT là khi bắt đầu hình thành nhân cách lần thứ 2. Lần thứ nhất, nhân cách hình thành ở giai đoạn 6 tuổi, khi bộ não phát triển đầy đủ các chức năng. Lúc này tố chất của mỗi em được bộc lộ dần, có em có thiên hướng về nghệ thuật, có em có thiên hướng về khoa học, có em hướng nội, cũng có em hướng ngoại.
Ở giai đoạn bước vào cấp 3, các em bắt đầu mở ra các mối quan hệ rộng hơn, không chỉ giới hạn ở gia đình, các em khám phá thế giới, tương tác với bạn bè nhiều hơn, tìm hiểu về nghề nghiệp tương lai, bản thân… Đây là giai đoạn cực kỳ quan trọng”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.
Chuyên gia này cho rằng, để chọn được trường phù hợp cho con là vấn đề “đau đầu” của nhiều phụ huynh. Trước khi trả lời băn khoăn này, cần hiểu rõ, mỗi đứa trẻ sẽ có 3 người thầy, người thầy đầu tiên là cha mẹ, người thầy thứ 2 là thầy cô ở lớp và người thầy thứ 3 chính là môi trường giáo dục. Môi trường giáo dục sẽ bao gồm cả môi trường sống thực tế và môi trường trên mạng. Nếu chọn được môi trường nhà trường phù hợp sẽ giúp trẻ phát triển năng lực phẩm chất toàn diện.
PGS.TS Trần Thành Nam đưa ra một số tiêu chí phụ huynh cần quan tâm khi chọn trường cho con, trước tiên là triết lý giáo dục và việc triển khai triết lý đó trong chương trình giáo dục nhà trường.
Yếu tố thứ 2 là mối quan hệ thầy - trò, văn hóa trong ngôi trường đó được thành lập thế nào. Thầy cô ngày nay không chỉ là người truyền đạt tri thức, mà còn là người định hướng, tạo cảm hứng, thậm chí đóng vai trò như một người bạn, người đồng hành cùng học sinh đồng kiến tạo kiến thức.
Yếu tố thứ 3 là môi trường giáo dục, chương trình đó dành cho số đông, hay cá nhân hóa theo từng nhóm. Chương trình của Bộ GD-ĐT dành cho tất cả học sinh, tuy nhiên, trong mỗi trường sẽ có những học sinh học tốt về khoa học xã hội, có em có khả năng về khoa học tự nhiên, có em có thiên hướng nghệ thuật, thể dục, thể thao… Chương trình nhà trường có thiết kế và quan tâm phát triển những năng lực riêng của từng nhóm học sinh hay không?
Cuối cùng, phụ huynh cần quan tâm chương trình đó có trang bị cho học sinh những kỹ năng cần thiết của công dân thế kỷ 21 hay không. Một số kỹ năng cần có hiện nay như kỷ luật bản thân, bao gồm cả quản trị về mặt thời gian, kế hoạch công việc…; nhóm kỹ năng về lãnh đạo, tổ chức; kỹ năng giải quyết vấn đề, làm việc nhóm; khả năng nhìn nhận vấn đề từ góc độ của người khác và chấp nhận sự khác biệt. Cuối cùng là năng lực về công nghệ…
PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, nếu một môi trường rèn luyện cho học sinh được những năng lực như trên, thì dù làm việc ở bất cứ ngành nghề nào trong tương lai, các em cũng sẽ có cơ hội thành công cao hơn.