Trương Mỹ Lan: Đề nghị thu hồi 17.320 tỷ đồng từ ngân hàng để khắc phục hậu quả

Hoàng Thọ | 23/09/2024, 18:06

Trương Mỹ Lan cho rằng, các trái chủ, nhiều ông bà cụ già mua trái phiếu là tiền cuối đời, vì tin tưởng bà và SCB nên họ mới mua vì thế bằng mọi giá phải trả đầy đủ.

Chiều 23/9, TAND TP.HCM tiếp tục phần xét hỏi các bị cáo khác trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan.

Bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Vạn Thịnh Phát) cho rằng, bà không đề ra chủ trương, không chỉ đạo cách thức chạy dòng tiền, phát hành trái phiếu mà toàn bộ việc này do lãnh đạo Ngân hàng SCB.

Tuy nhiên, bà Lan nói sẵn sàng đứng ra chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả, tìm cách đền bù cho người dân và đề nghị HĐXX làm rõ ai là người ra chủ trương phát hành trái phiếu và làm rõ Trương Mỹ Lan, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát không sử dụng đồng tiền nào từ phát hành trái phiếu.

Bị cáo Trương Mỹ Lan.
 Bị cáo Trương Mỹ Lan.

"Xin HĐXX và VKS xem xét vì Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thừa sức đủ điều kiện phát hành, chính từ sự vận động của Ngân hàng SCB nên mới xảy ra như hôm nay", Trương Mỹ Lan trình bày.

Theo bà Lan, các trái chủ, nhiều ông bà cụ già mua trái phiếu là tiền cuối đời, vì tin tưởng bị cáo, tin tưởng SCB nên họ mới mua trái phiếu. Vì vậy bị cáo bằng mọi cách phải trả đầy đủ tiền cho trái chủ và mong được tạo điều kiện tốt nhất để khắc phục hậu quả cho các bị hại.

"Bị cáo trong hoàn cảnh bi đát thế này bị cáo vẫn cố gắng khắc phục thiệt hại cho trái chủ”, Trương Mỹ Lan nói và đề nghị HĐXX xem xét thu hồi hơn 17.320 tỷ đồng có nguồn gốc từ phát hành trái phiếu mà nhiều ngân hàng đã nhận để khắc phục hậu quả vụ án.

Bà Lan đề nghị trả lại dự án 6A ở khu Trung Sơn, diện tịch 26ha, dự án này đang cho SCB mượn. Trong giai đoạn 1 của vụ án, SCB đề nghị HĐXX cho SCB quản lý dự án này. Bị cáo Lan xin HĐXX đề nghị SCB trả lại tài sản này cho bị cáo để khắc phục hậu quả vì hiện nhiều đơn vị trong nước đề nghị giao cho họ làm, sau đó họ sẽ giao về khoảng 20.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, bị cáo xin lại 65 tài sản của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (đã bị CQĐT kê biên trong giai đoạn 1, tòa sơ thẩm tuyên giao cho SCB) để giải quyết hậu quả của giai đoạn 2.

Bên cạnh đó, bị cáo Lan nói mình có dự án gấp 3 lần tòa nhà Time Square - nằm trên đường Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, Quận 1 nên đề nghị đưa vào khắc phục hậu quả vụ án. Theo bị cáo Lan, dự án này không bị kê biên, không cầm cố, bị cáo 1 lòng 1 dạ khắc phục hậu quả.

HĐXX khẳng định luôn tạo điều kiện để cho bị cáo có điều kiện khắc phục hậu quả.

Theo cáo trạng, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được bà Trương Mỹ Lan thành lập, nắm giữ 60% cổ phần và làm Chủ tịch HĐQT từ năm 1992 đến nay. Ngoài ra, Trương Mỹ Lan thông qua người thân, pháp nhân và cá nhân khác đứng tên hộ để nắm giữ phần lớn cổ phần tại Ngân hàng SCB, Công ty Chứng khoán TVSI, qua đó thao túng, chỉ đạo, điều hành, chi phối mọi hoạt động của các pháp nhân này.

Ở tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, từ năm 2018 đến 2020, Trương Mỹ Lan đề ra chủ trương và chỉ đạo các bị can: Đinh Văn Thành, Chủ tịch HĐQT; Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng Giám đốc; Nguyễn Phương Hồng, Phó Tổng Giám đốc thuộc Ngân hàng SCB; Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán TVSI và Hồ Bửu Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VTP, sử dụng 4 Công ty An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra phát hành 25 mã trái phiếu “khống” với 308 triệu trái phiếu.

Trương Mỹ Lan huy động vốn của 35.824 nhà đầu tư (nhà đầu tư thứ cấp), thu về 30.081 tỷ đồng, sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, không đúng mục đích phát hành dẫn đến mất khả năng thanh toán nợ trái phiếu.

Ở tội Rửa tiền, từ 1/1/2018 đến 7/10/2022, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát và đồng phạm chiếm đoạt 445.748 tỷ đồng thông qua tham ô tài sản của Ngân hàng SCB và phát hành trái phiếu như trên.

Trong quá trình chiếm đoạt số tiền này, Trương Mỹ Lan chỉ đạo đồng phạm thực hiện các hành vi rút tiền, chuyển tiền ra khỏi hệ thống Ngân hàng SCB nhằm che giấu nguồn gốc, hợp thức sử dụng số tiền do phạm tội mà có.

Số tiền này chủ yếu để chi trả khoản vay của các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại Ngân hàng SCB; trả nợ giữa các công ty, cá nhân trong Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay mượn nhau; chuyển tiền ra nước ngoài thanh toán các hợp đồng “khống”.

Từ 27/10/2012 đến 7/10/2022, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã lập các hợp đồng “khống” mua bán cổ phần, vốn góp; tư vấn giữa các công ty tại Việt Nam và công ty ở nước ngoài.

Thông qua các hợp đồng này thực hiện chuyển từ nước ngoài về Việt Nam và chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài tổng số tiền 4,5 tỷ USD (tương đương hơn 106.730 tỷ đồng). Trong đó, chuyển đi 1,5 tỷ USD (tương đương hơn 35.361 tỷ đồng), nhận về hơn 3 triệu USD (tương đương 71.368 tỷ đồng).

Cáo buộc cho rằng bị can Trương Mỹ Lan là người chi phối, chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các pháp nhân thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Trương Mỹ Lan đưa ra chủ trương sử dụng các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để phát hành trái phiếu.

Bà chủ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát họp bàn với các đồng phạm là nhân sự chủ chốt của tập đoàn, Ngân hàng SCB, Công ty TVSI chọn và sử dụng 4 Công ty An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra phát hành 25 mã trái phiếu "khống", chiếm đoạt số tiền 30.081 tỷ đồng của 35.824 bị hại.

Hoàng Thọ
Bài liên quan
Xử phúc thẩm vụ Vạn Thịnh Phát: Xuất hiện tình tiết mới, tòa tạm dừng đến 15/11
Phiên tòa phúc thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1 tạm dừng đến 15/11 để làm rõ phương án bồi thường, bà cam kết dùng tài sản cá nhân khắc phục hậu quả cho SCB.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phát triển Nông thôn Malaysia
VOVLIVE - Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia, ngày 22/11, tại Kuala Lumpur, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phát triển Nông thôn, Chủ tịch Đảng Tổ chức thống nhất dân tộc Mã Lai (UMNO) Dato’ Seri Dr. Ahmad Zahid Hamidi và các lãnh đạo cấp cao trong Liên minh cầm quyền tại Malaysia.
Mới nhất