Lo phải học trực tuyến
"Mẹ ơi, bạn Hoàng Dịu lớp con mắc COVID-19 rồi", chị Nguyễn Thị Dương (38 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) tá hoả với câu chuyện của con gái lớp 3.
Chị gấp gáp hỏi con "bạn Dịu bị COVID-19 từ bao giờ", "con có tiếp xúc gần với bạn không", "con có thấy người mệt hay ốm gì không?"... Dù có chút thở phào khi con nói bạn nghỉ học gần tuần nay, test nhanh dương tính tại nhà do lây từ ba mẹ, nhưng chị vẫn chưa thể yên tâm khi số ca mắc COVID-19 những ngày gần đây liên tục ghi nhận tăng cao.
Phụ huynh lo lắng dịch COVID-19 tăng cao khiến học sinh phải học trực tuyến. (Ảnh minh họa)
Từ đầu tuần, chị đã dặn các con đeo khẩu trang khi ở trường. Chị cũng chuẩn bị cho các con bình nước cá nhân để hạn chế tối đa nguy cơ con bị nhiễm bệnh, đồng thời bổ sung thêm các loại vitamin, C sủi tăng đề kháng. "Đang ở giai đoạn ôn tập chuẩn bị thi hết học kỳ 2, chẳng may con mắc COVID-19 sẽ phải nghỉ học, ảnh hưởng tiến độ bài học", vị phụ huynh lo lắng.
Những ngày qua, chị Lê Thục Chinh (40 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) liên tục theo dõi báo đài để cập nhật số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội. Chị không quá lo lắng về sức khoẻ nếu không may trở thành F0, vì kinh nghiệm những người từng bị sẽ biểu hiện bệnh nhẹ, ho sốt vài ngày, nhờ tiêm đầy đủ 4 mũi vaccine ngừa COVID-19.
Điều gia đình chị Chinh hoang mang là nhà có 2 con gái đều đang trong giai đoạn ôn thi chuyển cấp lên lớp 6 và 10. "Số ca mắc tăng cao chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới học tập, thi cử, lo ngại nhất các con phải học trực tuyến, vừa không hiệu quả, vừa nguy cơ cao trượt mục tiêu đặt ra", chị nói. Đến nay, lớp con gái chị Chinh dù chưa ghi nhận trường hợp học sinh mắc COVID-19 nhưng một vài em đã xin nghỉ do cúm, sốt.
Vị phụ huynh này hy vọng, thành phố kiểm soát tốt dịch bệnh, không để lây lan diện rộng hay phát hiện các chùm ca bệnh nguy cơ bùng phát ra cộng đồng cao làm xáo trộn việc học của con.
Có 2 con học mầm non và tiểu học, chị Trần Thu Trang (36 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) như ngồi trên đống lửa trước thông tin số ca mắc COVID-19 ở trường học xuất hiện trở lại. Đợt dịch giữa năm ngoái, 2 con của chị đều mắc COVID-19. Cả hai sốt cao, cộng thêm tiền sử co giật nên chị rất sợ con bị nhiễm lại, nhất là khi chưa tiêm vaccine COVID-19.
"Chiều qua đón con, cô giáo chủ nhiệm lớp khuyên phụ huynh yên tâm. Nhưng nếu có trường hợp mắc COVID-19, gia đình tôi chắc chắn sẽ tính đến phương án cho con nghỉ học để đảm bảo sức khỏe", chị nói.
Sẵn sàng ứng phó
Đại diện trường Tiểu học Lê Quý Đôn (Hà Đông) cho biết, hiện trường chưa ghi nhận trường hợp học sinh nghỉ do mắc COVID-19.
Tuy nhiên, trường luôn trong trạng thái sẵn sàng các phương án phòng và đối phó với dịch. Hiện nước khử khuẩn, khẩu trang, máy đo nhiệt độ vẫn được trang bị tại các lớp học và phòng y tế.
Từ đầu năm, trường đã có phương án phòng chống dịch bệnh theo mùa, trong đó có dịch COVID-19. Thời điểm giao mùa như hiện tại, việc vệ sinh khử khuẩn trường học được tăng cường, chủ động nhắc nhở phụ huynh, học sinh chú ý các biện pháp phòng dịch.
Giáo viên thường xuyên theo dõi sức khoẻ của học sinh.
Theo ông Nguyễn Cao Cường, trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa), trường liên tục nhắc nhở giáo viên các lớp cho học sinh đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay sát khuẩn và theo dõi sức khoẻ thường xuyên, "nếu có bất thường phải báo ngay cho y tế trường".
Hiện trường THCS Thái Thịnh ghi nhận 2 học sinh mắc COVID-19, biểu hiện bệnh ho, sốt nhẹ, không đáng lo.
Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng cho hay, nhiều phụ huynh lo lắng khi dịch COVID-19 tăng trở lại, trùng với thời điểm nước rút ôn tập cuối năm học, sẽ ảnh hưởng tiến độ học. Trường luôn sẵn sàng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, quyết không để việc học bị gián đoạn.
Với những học sinh mắc COVID-19 phải nghỉ học, trường sẽ cho các em theo dõi tiết học qua camera trực tuyến. Đồng thời trường sẵn sàng cử giáo viên tổ chức học bù, bổ sung kiến thức cho học sinh bị ảnh hưởng dịch COVID-19.
Còn theo bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT Hà Đông (Hà Nội), để ứng phó với tình hình dịch COVID-19 có xu hướng tăng trở lại, Phòng GD&ĐT quận đã nhắc nhở các trường, cơ sở giáo dục trên địa bàn tăng cường phòng chống dịch, yêu cầu học sinh thường xuyên rửa tay, hạn chế tập trung đông.
Phòng cũng khuyến cáo các trường cho học sinh sử dụng cốc riêng hoặc chai nước riêng, không dùng chung các đồ dùng cá nhân như khăn mặt, cốc, bát đũa với các lớp bán trú. Khi học sinh biểu hiện ho, sốt, mệt mỏi sẽ phối hợp y tế và gia đình để theo dõi sức khoẻ...
Dù chưa ghi nhận ca COVID-19 ở trường nhưng cô Trần Thị Quyên, Hiệu trưởng trường Tiểu học Yên Nghĩa (quận Hà Đông) khẳng định việc phòng chống dịch bệnh là một trong các nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt năm học.
Nhà trường không đợi đến “lúc có dịch mới phòng”. Theo định kỳ mỗi năm học 2 lần, trường phối hợp với phụ huynh tổng vệ sinh, khử khuẩn toàn bộ phòng học cũng như trang thiết bị phục vụ bán trú của học sinh, phát quang bụi rậm phòng tránh dịch sốt xuất huyết, vị hiệu trưởng này chia sẻ.
Ngày 12/4, đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, việc học trực tuyến hay trực tiếp khi số ca mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố tăng cao không do đơn vị quyết định, các cấp cao hơn mới đủ thẩm quyền quyết việc này. Sở khuyến cáo các phòng GD&ĐT, trường cần thận trọng khi chia sẻ những thông tin dịch bệnh khi chưa có căn cứ của cơ quan chuyên môn, tránh gây hiểu lầm, gây hoang mang trong phụ huynh và học sinh.
Về vấn đề phòng chống dịch COVID-19 trong trường học, ngay từ đầu năm học 2022 - 2023, Sở GD&ĐT Hà Nội lưu ý các trường thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh và sẵn sàng ứng phó với các trường hợp giáo viên, học sinh mắc COVID-19.
GS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, số ca COVID-19 trong thời gian tới có thể gia tăng. Tuy nhiên, Việt Nam đang ở cấp độ dịch 1- tất cả đều màu xanh. Cấp độ này không chỉ đánh giá trên số mắc mà còn dựa trên ca nặng, độ bao phủ vaccine và đáp ứng đảm bảo thu dung điều trị.
Thực tế hiện số ca mắc tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc - nơi thời tiết đang giao mùa. Thống kê hiện nay số ca mắc tăng khoảng gần 4 lần với tuần trước đó.