Trung du và miền núi Bắc Bộ sẽ có chính sách giáo dục đột phá

Nguyễn Trang/VOV.VN | 23/12/2022, 21:46

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, vấn đề số 1 là phổ cập, dân trí mới là quan trọng hàng đầu, sau đó mới nói các câu chuyện khác.

Ngày 23/12, tại tỉnh Sơn La, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ có 10.900 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên, trong đó có 979 trường nội trú, bán trú. Hiện toàn vùng không còn xã trắng về giáo dục, mọi thôn bản đều có lớp mầm non, tất cả các xã đều có trường tiểu học. Các điểm trường, lớp ghép được mở ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện cho trẻ em dân tộc thiểu số trong độ tuổi được đi học.

Nhìn chung, dù đã có nhiều nỗ lực, song vùng trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn là “vùng trũng” trong phát triển và là “lõi nghèo” của cả nước. Giáo dục và đào tạo phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Tỷ lệ kiên cố hoá trường lớp của vùng thấp nhất cả nước.

Nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn còn thiếu phòng học, phòng học đã xuống cấp và quá tải, phải học 2 ca, học nhờ, học tạm; thiếu thư viện, nhà vệ sinh, công trình nước sạch. Các điều kiện sinh hoạt của học sinh bán trú, học sinh các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu tối thiểu.

Tỷ lệ giáo viên mầm non/lớp thấp nhất cả nước; tỷ lệ giáo viên tiểu học, giáo viên trung học cơ sở đạt chuẩn thấp nhất trong các khu vực. Cơ cấu giáo viên giữa các môn học, cấp học chưa đồng bộ, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ tại các địa phương, trường học. Việc tuyển dụng giáo viên gặp nhiều khó khăn do nguồn tuyển không đủ.

Ngân sách đầu tư cho giáo dục của các địa phương ở đây còn nhỏ bé; công tác xã hội hóa giáo dục còn hạn chế do đời sống nhân dân ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, một số địa phương không có cơ sở giáo dục ngoài công lập…

Nhắc nhiều đến khó khăn, thách thức về giáo dục và đào tạo khu vực vùng Trung du miền núi Bắc bộ, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh: Kinh tế - xã hội khu vực này phát triển chậm hơn so với các khu vực khác, từ đó tác động nhiều mặt đến giáo dục. Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội giáo viên đều khó khăn. Quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn và quản trị giáo dục trong các trường; công tác quản lý, đánh giá chất lượng dạy và học cần phải chặt chẽ hơn nữa. “Chúng ra cần rà soát từng vấn đề khó khăn đó, phân tích nguyên nhân để tìm giải pháp khả thi”, ông Nguyễn Đắc Vinh trao đổi.

Cố gắng đến năm 2030 toàn vùng sẽ không còn phòng học tạm

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ghi nhận với rất nhiều khó khăn, thách thức, những gì giáo dục vùng Trung du và miền núi Bắc bộ làm được là vô cùng quý báu và cần được đặc biệt đánh giá cao, Bộ trưởng đồng thời cũng nêu nhận diện về những vấn đề cấp bách, trước mắt mà giáo dục trung du và miền núi Bắc Bộ phải làm.

“Trong khi các vùng khác đã đi xa thì chúng ta vẫn đang “xóa đói, giảm nghèo” trong giáo dục”, nhấn mạnh đặc biệt điều này, Bộ trưởng cho rằng, công cuộc “xóa đói, giảm nghèo” trong giáo dục sẽ là vấn đề cần nhìn thẳng, cần đối mặt của cả vùng trong giai đoạn tới đây.

Cụ thể, trong chặng đường trước mắt, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ cần hài hòa giữa phát triển giáo dục mũi nhọn và giáo dục đại trà với các mức độ khác nhau. “Vấn đề số 1 của chúng ta là phổ cập, dân trí mới là quan trọng hàng đầu, sau đó mới nói về các câu chuyện khác. Mục tiêu là giảm thấp nhất mù chữ, tái mù chữ. Con em đồng bào dân tộc được đi học, có con chữ, có trình độ giáo dục tối thiểu để có thể thay đổi được đời sống của chính mình”, Bộ trưởng nói.

Cho rằng, các chính sách cho phát triển giáo dục vùng trung du và miền núi phía Bắc đã có và có rất nhiều, song hầu như chưa đủ mạnh, chưa đủ đột phá, chưa bao quát được hết tính đặc thù, chưa mang tính quyết liệt, Bộ trưởng cho biết: Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành rà soát cơ chế, chính sách với khu vực theo hướng gọn lại, tích hợp nhưng cần mang tính đột phá.

Trong đó, 2 vấn đề cần ưu tiên đột phá là chính sách về giáo viên - bằng mọi biện pháp giải quyết các vấn đề đặt ra về giáo viên, số lượng, chất lượng và cơ sở vật chất, trường lớp, để cố gắng đến năm 2030 toàn vùng sẽ không còn phòng học tạm. Bộ trưởng mong muốn Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc và các địa phương sẽ đồng hành, ủng hộ trong việc thực hiện công việc này.

Chia sẻ quan điểm, đối với vùng Trung du và miền núi Bắc bộ giáo dục vẫn là việc mà nhà nước phải lo trước khi nói tới việc xã hội hóa, Bộ trường mong rằng, các địa phương đã quan tâm đầu tư cho giáo dục rồi, sẽ quan tâm đầu tư hơn nữa.

“Bên cạnh việc chúng ta đầu tư cho một số trường, các trung tâm, các trường chuyên, các trường phục vụ cho mục tiêu mũi nhọn, nhưng ở những vùng khác vẫn để phòng tạm, nhà mượn là điều khó chấp nhận được. Do đó, mong các địa phương lưu ý, lãnh đạo các địa phương chia sẻ”, Bộ trưởng lưu ý.

Với hy vọng  3-5 năm tới sẽ nhìn thấy những chuyển biến tốt hơn của giáo dục vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, Bộ trưởng gửi gắm: “Trước khi hội nhập quốc tế, việc hội nhập quốc gia về giáo dục của vùng cũng rất quan trọng. Việc lớn bắt đầu từ việc nhỏ và chúng ta sẽ bắt đầu làm từ những việc nhỏ”./.

Bài liên quan
Giáo dục tuần qua: Bộ GD&ĐT chốt lịch tuyển sinh đại học 2024
Bộ GD&ĐT chốt lịch tuyển sinh đại học 2024, Hà Nội công bố chỉ tiêu vào lớp 10 công lập 2024, bữa ăn bán trú bị phản ánh... là sự kiện giáo dục đáng chú ý tuần qua.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng khuyến khích các dự án lớn, công nghệ cao của doanh nghiệp Trung Quốc
Sáng 14/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc tọa đàm với các doanh nghiệp Trung Quốc tiêu biểu trong lĩnh vực phát triển kinh tế xanh, kinh tế số.
Mới nhất